Đường theo sông...
Một khung cảnh thơ mộng mở ra trước mắt, khi chạy xe giữa một bên là sông, bên là núi thấp. “Đường theo sông” - nhiều người đặt vậy cho Phường Rạnh, nơi đưa bóng dáng phố thị gần hơn với vùng đầu nguồn Thu Bồn…
Đường Phường Rạnh chạy ven dòng sông Thu Bồn nơi đầu nguồn. Ảnh: LÊ QUÂN |
1. Người làng này vẫn quen gọi là đèo, dù Phường Rạnh chỉ như con dốc nối hai vùng thung lũng. Bên này là Duy Phú huyền hoặc với vũ nữ Chămpa (Duy Xuyên) thì bên kia là lộng gió rừng với những điều kỳ diệu của vùng thượng nguồn dòng sông. Và cũng chẳng cần phải đẩy đưa nhiều lời, để mô tả về một con đường chạy theo cái hướng chảy của dòng sông. Nó đẹp, dích dắc, xanh ươm màu của rừng trồng. Ở đó, có bãi cát mịn mà nắng mưa chi cũng mang màu trắng xóa, có bãi bắp, nương đậu mà chắc ngon hơn vùng khác vì cái chất phù sa đầu nguồn. Phường Rạnh là tên đèo, cũng là tên làng người ở đây gọi cho thôn Trung An (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn). Một vùng đất mà từ ngày khai cơ cho đến hiện tại, đã chọn “điểm nhìn” là hướng ra sông, vạn vật nhìn về phía sông. Và đã hơn 250 năm từ ngày các bậc tiền hiền khai sơn phá thạch, lập làng lập xóm, người đất này còn nhắc nhau: “Đất Phường Rạnh thời xưa triều Thái Đức/ Ơn tiền nhân khai quốc thổ lắm công trình...”.
Tên làng tên xóm, bao giờ cũng được “huyền thoại hóa” để kể cho thế hệ sau, nhuốm một ít màu tâm linh cho chuyện làng của mình. Cụ ông Trịnh Tống, người làng Phường Rạnh nói, ngay cả Lăng Bà Thu Bồn bây giờ ngự ở đây, có đến hàng chục truyền thuyết để kể. Lật giở những cuốn khảo cứu của Phạm Hữu Đăng Đạt, mới hay cái tên Trung An - Phường Rạnh khởi từ nhiều nguồn cơn khác nhau. Ông viết: “Danh xưng Trung An gần như chỉ tồn tại trên mặt giấy tờ, khế ước. Còn tên bình dân là Phường Rạnh. Chữ “Rạnh” xuất phát từ con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sống dưới nước. Người ta gọi làng ven sông này là Phường Trạnh, lâu ngày đọc chệch thành Phường Rạnh. Phường, trong chữ Hán, còn có nghĩa là “làng”. Cho nên, Phường Rạnh còn có thể gọi nôm na là làng Trạnh”.
Cái tên xứ Phường Rạnh, hay Trung An, cuối cùng đậu đỗ lại trong lòng người là một vùng đất hiền, từ cả địa thế lẫn con người. Cụ ông Trịnh Tống nói, bao nhiêu năm, từ khi lọt lòng đến giờ già nua, người làng này vẫn cứ ở yên đó, bám đất bám làng mà sống. Họ không làm nghề sông nước, nhưng cái lễ hội sông nước vùng thượng nguồn này, lại chọn Phường Rạnh để làm hội, làm lễ. Lại là cái vùng mà ruộng nương không có nhiều, thảo mộc trong rừng lại chẳng hề phong phú. Loanh quanh thì cũng chỉ đồi keo mới trồng, vài gốc mít đã cỗi… Đất không bạc màu, nhưng đất lại không thể khiến người bớt nghèo khó. Ông Trịnh Thanh Hảo, người làng Phường Rạnh nói, không thể nhớ hết những sự trần ai mà vùng này đã trải, cách Trung Phước có bao xa, mà thuở nào đi tưởng thăm thẳm. Và cũng có bao xa với Duy Xuyên, mà đã từng bao nhiêu người ngồi hình dung dáng vóc cái thị trấn Nam Phước thuở nào. Nghĩa là Phường Rạnh của hơn chục năm trước, là một cái tên khó nghèo, xa xôi, với cả người vùng tây của huyện cũ Quế Sơn, thì nói chi xa tới người của nơi khác… Nó như một “ốc đảo”, cách biệt, trắc trở và im vắng. Một đứa trẻ từ Trung An đến Trung Phước đi học, mùa nắng bụi bám đầy người, mùa mưa bùn văng đến mặt. Tôi vẫn còn ký ức từ ngày rất nhỏ, theo “đò dọc” của người thân đi từ Hội An lên Trung Phước. Đò tới Phường Rạnh, vài người quẩy gánh từ làng xuống, xin được quá giang “ra Trung Phước”.
Xóm nhỏ bên đường Phường Rạnh. Ảnh: LÊ QUÂN |
2. Nhưng bây giờ, khi con đường Phường Rạnh (thuộc tuyến ĐT610) nối Quế Trung với xã Duy Phú bày biện ra để người làng sử dụng, không phải con đường lởm chởm đá dăm, bụi bay mù mịt như xưa kia nữa, thì một diện mạo mới mở ra với làng, với người của làng, với cả cư dân vùng sông nước thượng nguồn. Ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch UBND xã Quế Trung nói, không biết tả sao để kể cho hết những cái được mà con đường mang lại. Bao nhiêu ngôi nhà được xây dựng tươm tất, từ ngày con đường hoàn thành. Khoảng chừng 167 hộ dân của thôn Trung An, chung một hồ hởi về con đường ngay trước nhà mình. Hơn một năm con đường đưa vào sử dụng, gần khoảng thời gian cầu Giao Thủy thông xe, cơ hồ bằng với chục năm cố gắng đổi thay xóm làng của dân làm rừng. Ông Trần Văn Lộc người Trung An nói, chừ không chỉ biết trồng keo, làm rừng, mà đủ thứ nghề nảy nòi từ lúc có con đường, thêm xe vận tải, quán sá mở ra, tiệm internet cũng bắt đầu xuất hiện...
Gánh đôi nước từ phía dòng sông đổ vào cái chum trước nhà, cô Hoa - chủ quán cà phê mọc lên từ ngày con đường vừa xong, nói đồng tiền bây giờ rủng rẻng hơn, không khó nhọc như mấy hồi nữa. Quán gắn một cái bảng hiệu, cũng là điều lạ - điều chỉ có từ hồi con đường trước nhà đổ bê tông, phía trên nối Trung Phước phía dưới nối Duy Phú. Rủng rẻng, theo cái quy chuẩn cuộc sống của người vùng thung lũng, khi sáng nấu một nồi cơm trắng lận lưng vào rừng, chiều tối mịt mới ra. Con đường đó, chạy tựa vào núi, vào sông. Thì người ở đây, cũng dựa sông, dựa núi, mà sống. Bây giờ, dựa thêm vào con đường mới mở. Lưu lượng người qua lại dày hơn. Kẻ dừng chân chụp hình phong cảnh, gọi một chai nước lọc cũng cho thêm thu nhập. Những trạm xăng “tự phát” mọc lên dành cho người lỡ đường. Rồi quán sá, như ông Lộc kể, không thiếu, từ quán cơm, quán cháo đến… quán nhậu.
Nhưng cái căn cốt của họ, là rừng. Ông Trịnh Thanh Hảo nói xứ này ruộng lúa không nhiều, chỉ chờ vào những ngọn đồi trồng cây gây rừng. “Đường đèo Phường Rạnh là con đường dân sinh. Chúng tôi bao năm chờ đợi, cũng đã vừa lòng với đường mới. Nhưng sinh kế của dân ở đây vẫn là khai thác rừng trồng. Một con đường lâm sinh dẫn vào hơn 200ha rừng trồng chúng tôi đã kêu mấy năm nay chưa có” - ông Trịnh Thanh Hảo bảo. Ngó lại, độ tuổi người đi trồng rừng của xứ này hầu hết đã quá 50. Như bao ngôi làng khác, miền ngược hay xuôi, rồi tuổi trẻ nào cũng muốn vẫy vùng ở đất khách.
Bây giờ, ngang qua Phường Rạnh vừa có thêm tuyến xe khách Đà Nẵng - Nông Sơn khai thác hai chiều. Dự án phát triển du lịch sinh thái của huyện Nông Sơn sẽ kết nối với Mỹ Sơn, mai này cũng sẽ tận dụng con đường này. Nhưng cái mới đâu thể phủ nhận hoàn toàn cái cũ đã miệt mài bấy nay. Tốp tài xế, chủ xe khai thác tuyến Nông Sơn - Đà Nẵng theo đường cũ qua Đèo Le - đường ĐT611 “khóc ròng” mấy tháng nay (trước đó họ cũng đã có xin được chuyển tuyến khai thác Nông Sơn - Đà Nẵng theo đường Phường Rạnh nhưng không được chấp nhận). Bởi dân buôn, người ra phố mua sắm bao lâu nay vẫn chọn xuôi ra phố sông Hàn hơn ngược cánh Tam Kỳ, nay đường đã mở tiện hơn, họ đâu hà cớ gì phải cực thân đi vòng, dù thấy rất áy náy với những chuyến xe năm cũ. Lại quay về hỏi chính quyền, sẽ làm gì để dân bước về phía trước mà không thấy nợ nần với quá khứ, với những người thời Phường Rạnh chưa thông…
LÊ QUÂN