Ông Hai mê tuồng

THIÊN THU 02/05/2018 09:30

Ở tuổi 63 nhưng ông Phan Minh Hai (thôn Lộc Trung, xã Quế Lộc, Nông Sơn) có đến 51 năm theo nghề hát tuồng cổ bằng tất cả sự đam mê.

Ông Hai sinh ra và lớn lên trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật tuồng cổ nhưng may mắn có người cậu ruột là ông Nguyễn Sáu nổi tiếng hát tuồng lúc bấy giờ. Từ nhỏ, thấy cháu có năng khiếu và yêu thích loại hình nghệ thuật này nên ông Sáu ra sức chỉ dạy từ vũ đạo, làn điệu, cách lấy hơi, nhả chữ... để nối nghiệp. Ông Hai nhớ lại, thuở bé, mỗi lần nhìn thấy cậu và mọi người tập diễn, ông tập tành hát theo và say sưa quan sát các động tác để thực hiện, dần dà những điệu bộ và nhiều vở tuồng cổ cứ ngấm dần. Năm 12 tuổi, ông Hai được gánh hát giao các vai diễn nhí rồi hát giáo tuồng. Sau khi người cậu qua đời, vì đam mê, ông Hai tiếp tục theo học khóa đào tạo ngắn hạn dưới sự chỉ dạy tận tình của thầy giáo Hoàng Châu Ký. Khóa học kết thúc, ông Hai về quê thành lập đội hát tuồng xã Sơn Thọ lúc bấy giờ rồi đi lưu diễn khắp nơi để phục vụ nhân dân mặc dù tiền thù lao chẳng đáng là bao. “Nhiều lúc, bà con đội mưa để xem hát, vì vậy đoàn hát phải diễn thật xuất sắc để không phụ lòng người xem. Sau mỗi đêm diễn, khán giả không ngớt lời khen ngợi và bà con gần đó thường đem khoai, sắn đến để biếu đoàn hát. Đó là nguồn động lực to lớn để tôi gắn bó với nghề cho tới tận bây giờ”  - ông Hai bộc bạch. 

Nhiều người cho rằng ông Hai hát tuồng hay bởi chất giọng ấm, vang. Ngoài ra, họ còn mê ông ở cách diễn dân gian sôi động, tự trào. Ông Hai hát khá nhuần nhuyễn các điệu nam ai, nam thương, nói hường, nói lối và thuộc nằm lòng nhiều trích đoạn tuồng cổ như Phạm Công Cúc Hoa, Triệu Đình Long cứu Chúa, Ngũ Hổ Bình Tây, Nhị đệ thọ hàm oan… Điều đặc biệt, trong các vở diễn, ông Hai vừa giữ vai trò đạo diễn vừa đảm nhận vai kép chính và tự tay thiết kế nhiều đạo cụ, trang phục như roi ngựa, mũ giáp, đao, kiếm, trượng, giày, bầu rượu, phất trần, áo giáp, mão phụng, đai lưng… để phục vụ cho đoàn hát và kiêm luôn phần trang điểm cho diễn viên trước khi lên sân khấu.

Theo ông Hai, đã tham gia hát tuồng phải đảm bảo đúng quy chuẩn “nhất thanh nhì sắc”, sau đó mới đến vóc dáng và điệu bộ. Diễn tuồng khó nhất là ở ý tứ, ngôn ngữ cơ thể và hành động phải ăn khớp, phù hợp, như vậy khán giả mới không thấy sự vô duyên, nhàm chán của diễn viên trên sân khấu. Ngoài chất giọng bẩm sinh, diễn viên hát tuồng cần phải học tập, rèn luyện công phu, luôn tuân thủ những luật hát rất nghiêm ngặt như: phát âm chính xác, rõ ràng các câu chữ, đặc biệt là không bị nói ngọng. Vì vậy, trước khi tập hát, diễn viên thường xuyên tập nói, luyện ngữ âm, ngữ khí. Đây là một trong những phương thức nghệ thuật tinh tế nhằm biểu hiện cảm xúc của nhân vật đến với người thưởng ngoạn.

Hiện tại, trên cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát tuồng xã Quế Lộc, ông Hai cho biết, hàng tháng các thành viên trong câu lạc bộ gặp nhau ít nhất một lần để giao lưu thăm hỏi, tập tuồng. “Điều vui mừng nhất là các cháu thiếu nhi cũng đăng ký vào câu lạc bộ ngày càng nhiều để lớp người đi trước như chúng tôi có cơ hội truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ nhằm không làm mai một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này” - ông nói.

THIÊN THU

THIÊN THU