Truyền thống một gia đình

PHAN VINH 28/04/2018 08:41

Mỗi dịp hội họp gia đình, ông Nguyễn Văn Chung (thôn Vĩnh Đại, xã Tam Hiệp, Núi Thành) đều kể cho con cháu nghe câu chuyện hy sinh vì nước của cha anh mình để nhắc nhớ phải giữ gìn truyền thống gia đình.

Ông Nguyễn Văn Chung bên vị trí ngày xưa có căn hầm bí mật của gia đình. Ảnh: PHAN VINH
Ông Nguyễn Văn Chung bên vị trí ngày xưa có căn hầm bí mật của gia đình. Ảnh: PHAN VINH

Một nhà 5 hầm bí mật

Ông Chung năm nay 66 tuổi, vừa nghỉ hưu sau thời gian đứng lớp giảng dạy cho bao thế hệ học trò ở quê hương Núi Thành. Nói về giai đoạn hào hùng khi mà cả gia đình cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Chung vẫn còn nhớ như in. “Hồi trước năm 1962, trong nhà chỉ có cha tôi là Nguyễn Mậu đi theo cách mạng, là đảng viên cơ sở. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Huynh lúc bấy giờ ngày ngày vẫn chăm làm công việc của một người vợ, người mẹ chứ chưa màng đến thế sự. Nhưng rồi đến tháng 1.1962, khi anh rể tôi là Đoàn Thế Lộc thoát ly làm cách mạng, hy sinh, mẹ mới hiểu rõ sự tàn nhẫn của địch và quyết tâm cùng chồng hoạt động cơ sở” - ông Chung kể.

Giai đoạn này, quân ta liên tục tổ chức đánh vào các căn cứ, khu vực địch chiếm đóng. Đặc biệt thôn Khương Vĩnh (nay là thôn Vĩnh Đại) nằm giáp với đường lộ, nên khi quân ta đánh xong ở khu vực gần sông, chỉ cần ra đến Khương Vĩnh là có thể rút về khu an toàn ở núi Đình. Chính vì nằm ở vị trí như vậy nên Khương Vĩnh là vùng đất “nhạy cảm”, địch thường xuyên tổ chức các đợt đi càn và kiểm tra nghiêm ngặt. Hiểu được điều đó, cha mẹ ông Chung thống nhất cùng với cán bộ cách mạng đào 5 căn hầm bí mật trong vườn nhà mình. Năm 1964, gia đình ông Chung có thêm 2 người cùng thoát ly làm cách mạng là Nguyễn Ngọc Hoàng và Nguyễn Văn Khi. Không lâu sau đó, vào chiều ngày 19.4.1965, gia đình ông Chung bàng hoàng nhận tin Nguyễn Ngọc Hoàng đã hy sinh trong trận đánh ở xã Bình Định (Thăng Bình).

Ngày 11.12.1985, mẹ ông Chung là Nguyễn Thị Huynh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; đến năm 1994 được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Nguyễn Thị Huynh mất năm 1990, hưởng thọ 80 tuổi.

Tháng 8.1965, đơn vị 409 tổ chức đánh vào cứ điểm sân bay Chu Lai. Trận đánh diễn ra trong đêm khuya, nhưng vì lực lượng địch khá đông và được trang bị vũ khí hiện đại nên mãi đến gần sáng ta mới đánh được mục tiêu. Trên đường rút về căn cứ núi Đình, đến thôn Khương Vĩnh thì trời đã sắp sáng, bộ đội không thể băng đường lộ mà lên vì địch sẽ phát hiện. Vì vậy, toàn bộ lực lượng gần 30 người di chuyển vào nhà ông Chung để trú ẩn dưới các căn hầm. Ông Chung kể: “Lúc đó khoảng 5 giờ sáng, tôi và ba mở nắp hầm để các anh xuống. Còn súng ống thì ông anh họ của tôi đem chôn dưới đống phân bò và đào đất lấp bằng khoai lang. Lo cho các anh vừa xong thì địch bắt đầu tổ chức dồn dân để chúng tuyên truyền, đồng thời đi xung quanh làng kiểm tra. Chúng dồn dân lại cách nhà tôi chưa tới 100m và cho binh lính lân la tìm dấu vết nhưng không thấy gì. Đến chiều tối, gia đình tôi nấu cho các anh ăn bữa no bụng rồi rút về căn cứ an toàn”.

3 thế hệ làm cách mạng

Đó chỉ là một trong rất nhiều lần bộ đội, cán bộ cách mạng vào nhà ông Chung núp hầm. Thế nhưng vào năm 1966, một trong 5 căn hầm bị nội gián của địch phát hiện. Liền sau đó, chúng tổ chức khám xét nhà và bắt cha mẹ ông Chung đánh đập dã man. Chúng còn giam giữ cha ông Chung nhằm khai thác thông tin nhưng ông nhất quyết không khai dù chúng dùng nhiều đòn tra tấn. Sau vụ việc này, gia đình ông Chung rơi vào cảnh sống vô cùng khó khăn vì địch đã nghi ngờ cả nhà ông ai cũng làm cách mạng. Sau cha mẹ ông, địch liên tiếp bắt giữ hai người chị là Nguyễn Thị Cúc và Nguyễn Thị Diệu để tra khảo. Gia đình ông Chung liên tục có người bị bắt, bị đánh đập, nhưng nỗi đau lớn nhất ập đến vào chiều 27.11.1967. Hôm đó, lực lượng của ta tổ chức diệt ác ở thôn Khương Vĩnh vì hay tin có một tên sĩ quan cấp tá của địch về đây dự đám giỗ tại một nhà người quen. Khi đội công tác diệt ác xong, lúc bấy giờ cha ông Chung đang trên đường bám địch trở về thì bị địch phát hiện và bắn ông chết ngay tại chỗ. Sau đó chúng ập vào nhà ông Chung, bắt tất cả người trong gia đình đánh đập dã man. Thế nhưng cơn đau thể xác nào bằng nỗi đau mất mát. Vậy là người cách mạng trụ cột của gia đình đã hy sinh. Nhưng không vì thế mà gia đình ông Chung sợ hãi, nhụt chí; toàn gia đình nén đau thương, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Khoảng đầu năm 1972, mẹ ông Chung động viên cháu nội là Nguyễn Cương thoát ly làm cách mạng. Hay tin, địch bắt ông Nguyễn Văn Sum (anh ông Chung, cha Nguyễn Cương) vào tù tra tấn. Ông Sum vốn bị khuyết tật đôi chân nhưng là đảng viên hoạt động cơ sở. Đến khi chúng đánh ông Sum lâm bệnh mới thả về. Thế nhưng, khi ông Sum vừa mới ra tù thì nhận tin con mình hy sinh. Phần vì đau buồn, phần vì vết thương do địch đánh quá nặng, vài tháng sau, ông Sum qua đời. Còn anh ông Chung là Nguyễn Văn Khi, từ lúc thoát ly làm du kích biệt vô âm tín. Mãi đến cuối năm 1972, ông Khi mới về thăm nhà với một bên mắt bị thương. Theo lời ông Khi kể, sau khi thoát ly một thời gian, ông biên chế vào bộ đội, và bị thương trong một trận đánh ở Tiên Phước vào năm 1968, sau đó được đưa ra miền Bắc chữa trị.

Gia đình ông Chung - một gia đình có 3 thế hệ ngã xuống vì độc lập dân tộc, chỉ trong khoảng thời gian 10 năm; đó là chưa kể người thân liên tiếp bị dày vò từ thể xác lẫn tinh thần. “Trong những mất mát có niềm tự hào lớn lao của cả gia đình. Câu chuyện diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng tôi phải luôn nhắc nhớ cho con cháu đời sau phải khắc ghi để trân quý hơn giá trị của độc lập, tự do và hạnh phúc hôm nay” - ông Chung nói.

 PHAN VINH

PHAN VINH