Trang bị kiến thức bảo vệ trẻ em cho cộng đồng
Nhằm trang bị cho cộng đồng những kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho cộng đồng của huyện Thăng Bình.
Buổi tập huấn được Sở LĐ-TB&XH tổ chức tại xã Bình Triều (Thăng Bình) cho hơn 60 người là cán bộ làm công tác trẻ em và cán bộ, cộng tác viên ở thôn, tổ dân cư. Nội dung khóa tập huấn gồm trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em trong tình hình hiện nay; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích và bạo lực, xâm hại trẻ em. Bà Lê Thị Truyền - cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Bình Triều cho biết: “Hầu hết cán bộ cấp xã cũng như thôn, tổ dân cư không có điều kiện được trang bị những kiến thức đó, nên nếu có sự việc xảy ra cũng không biết tiếp cận như thế nào, bảo vệ người bị xâm hại ra sao. Những năm trước đây ở Bình Triều cũng có xảy ra tình trạng bạo lực đối với trẻ em, nhưng 3 năm gần đây không xảy ra vụ nào, đó là điều rất đáng mừng. Qua những kiến thức tiếp thu được, chúng tôi sẽ truyền đạt cho cộng đồng dân cư để người dân biết cách bảo vệ con em mình”.
Bà Huỳnh Thị Thanh Tâm - cán bộ trẻ em xã Bình Định Nam thông tin, khóa tập huấn do Sở LĐ-TB&XH tổ chức tại địa phương đã giúp ích rất nhiều cho xã trong việc bảo vệ trẻ em. Việc tập huấn chỉ mới đến được bộ phận làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chứ chưa đến được với người dân, nên đội ngũ này phải có nhiệm vụ truyền thông ở cộng đồng dân cư. Bởi không ai bảo vệ con em người dân tốt hơn chính bản thân họ. Cộng đồng vào cuộc nhưng gia đình phải là mấu chốt. Đồng thời, bà Tâm cũng kiến nghị nên có nhiều đợt tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật cho chính các em học sinh tại trường học, để các em biết được cách phòng tránh tốt nhất.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, xâm hại, bạo lực là một thực tế cần được cảnh báo. Trong 5 năm (2012 - 2017) đã có 81 trường hợp bị tai nạn thương tích và xâm hại, trong đó có 25 trường hợp tử vong (23 trường hợp chết đuối nước và 2 trường hợp chết do tai nạn giao thông), 3 trường hợp bị bạo lực, xâm hại. Trong 2 năm gần đây, Thăng Bình đã ưu tiên tổ chức các hoạt động nhằm hạn chế tình trạng bạo lực, xâm hại và tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Năm 2017, huyện đã tổ chức diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, qua đó tiếng nói của các em về vấn đề này được lắng nghe. Các cấp, phòng ban cũng đã có câu trả lời cho các em sát với vấn đề mà các em yêu cầu. Việc tổ chức khóa tuyên truyền cho học sinh tại trường học đã làm được tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Bình Nguyên) vào năm 2017, năm này sẽ tiếp tục thực hiện tại một số điểm trường. Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình phối hợp với các ngành đã tổ chức nhiều đợt truyền thông về cơ sở, sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2018.
HOÀNG LINH