Khống chế lây lan dịch sốt rét
Trong hội thảo mới đây giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình bệnh sốt rét đang được lưu ý khá nhiều, một số nơi có thể gây thành dịch, trong đó có Quảng Nam.
Việc giám sát dịch tễ, lấy mẫu máu ở những vùng có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao góp phần giúp phát hiện bệnh sớm, kịp thời xử lý. Ảnh: N.DƯƠNG |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình sốt rét tại một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ diễn biến phức tạp. Một số tỉnh có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị. Năm 2017, cả nước có hơn 8.400 trường hợp mắc bệnh sốt rét, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tại Quảng Nam, trong năm 2017 phát hiện 88 ca mắc bệnh sốt rét, không có ai bị tử vong. Theo ông Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh, trong thời gian qua, trung tâm phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống ở mạng lưới chuyên khoa từ tuyến tỉnh đến cơ sở một cách chặt chẽ. Đặc biệt ở các huyện miền núi như Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang… luôn được trung tâm thường xuyên tổ chức xét nghiệm máu và test chẩn đoán nhanh để kịp thời phát hiện ca nhiễm ký sinh trùng, điều trị bệnh sốt rét cho người dân. “Năm 2016 toàn tỉnh có 146 ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét thì đến năm 2017 chỉ còn 88 ca bị mắc bệnh. Tất cả trường hợp mắc bệnh sốt rét đều được điều trị dứt điểm, không có ai bị tử vong. Trung tâm vẫn đang tập trung cho những huyện miền núi như: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Phước Sơn... là những nơi có ký sinh trùng sốt rét lưu hành trong cộng đồng” - ông Thảo nói.
Để đẩy lùi bệnh sốt rét, ngoài chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức các đợt xét nghiệm và khám chữa bệnh cho người dân, Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh còn tiến hành cấp phát cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy 2.000 võng và bọc võng có tẩm hóa chất diệt muỗi tại một số huyện miền núi của tỉnh. Công tác giám sát dịch tễ sốt rét ở các xã trọng điểm, các xã biên giới với nước bạn Lào đều được tiến hành thường xuyên.Hiện nay, trung tâm vẫn tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại Nam Trà My, những huyện miền núi còn lại sẽ được cấp phát màn được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đồng thời tổ chức các buổi, khóa tập huấn chẩn đoán và điều trị sốt rét cho cán bộ y tế các huyện, từng bước nâng cao tay nghề trong việc phát hiện bệnh. |
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, trong những năm qua số người mắc bệnh sốt rét đã giảm đi rất nhiều. “Có thể nói Tây Giang đã khống chế được dịch bệnh này. Năm 2017 chỉ có 1 trường hợp phát hiện nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Giờ không tiến hành phun thuốc diệt muỗi như trước đây nữa, chỉ tập trung vào công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguyên nhân, cách phòng bệnh; thường xuyên lấy máu để kiểm tra những người dân ở trong vùng có nguy cơ phát bệnh để kiểm tra, phát hiện kịp thời. Từ sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh, chúng tôi tiến hành cấp hàng nghìn chiếc mùng tẩm thuốc cho người dân để phòng chống bệnh” - bác sĩ Thông nói.
Còn theo bác sĩ Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, năm 2017 trong huyện vẫn còn hơn 10 trường hợp bị mắc bệnh sốt rét. Tuy nhiên, do được phát hiện và cứu chữa kịp thời nên không có trường hợp nào tử vong. “Ở đây là vùng có ký sinh trùng sốt rét đang lưu hành trong cộng đồng nên mọi công tác phòng chống dịch bệnh luôn được đảm bảo. Theo tháng, quý đều tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại khu dân cư. Ngoài ra, những chiếc mùng được tẩm thuốc cũng được cấp cho người dân, nhất là những người thường xuyên đi rẫy, có nguy cơ mắc bệnh cao. Việc tiến hành lấy mẫu máu để kiểm tra cũng được tổ chức định kỳ nên cơ bản đã khống chế được dịch bệnh” - bác sĩ Thu cho biết.
NGUYỄN DƯƠNG