Quảng Nam dâng lễ vua Hùng
Đúng 3 giờ chiều nay (24.4), đoàn đại biểu Quảng Nam tham gia lễ Giỗ tổ Hùng Vương sẽ dâng lễ vật gồm đặc sản nổi tiếng xứ Quảng tại đền Thượng, Khu di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Lễ vật tỉnh Quảng Nam dâng lên các vua Hùng . Ảnh: V.L |
Lễ vật đoàn Quảng Nam dâng lên vua Hùng dịp giỗ tổ năm nay có 3 mâm gồm rượu sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), trà Mai Hạc (Tam Kỳ), bánh tét, bánh tổ, bánh đậu xanh Hội An, bánh in, bánh thuẩn và một mâm trái cây đặc sản Quảng Nam. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh gồm: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… sẽ dâng lễ vật trước bàn thờ Thánh Tổ, tri ân công đức vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước, dựng nên nhà nước Văn Lang, đặt nền móng cho quốc gia, dân tộc. Đồng thời đoàn sẽ báo cáo sơ lược về Quảng Nam với các tiềm năng về phát triển du lịch, khu công nghiệp…; bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, mà nổi bật là Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ nỗ lực đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển toàn diện, phát huy tiềm năng, thế mạnh trở thành vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung; tiếp tục giữ vững an ninh quốc phòng cũng như cải thiện văn hóa, giáo dục, y tế trong thời gian tới...
Theo ông Tôn Thất Hướng - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT&DL, việc chọn lễ vật dâng lên Quốc tổ đã được sở nghiên cứu kỹ càng và được UBND tỉnh thống nhất vì mang tính đại diện cao cho vùng đất và con người Quảng Nam. Thông qua hoạt động không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các vua Hùng và các bậc tiền nhân, giáo dục đạo ý “Uống nước nhớ nguồn”; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đây cũng là cơ hội giới thiệu đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất và con người Quảng Nam. Ngoài đoàn dâng lễ, năm nay đoàn ca kịch Quảng Nam gồm 70 nghệ sĩ, diễn viên cũng đã xây dựng một chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hương sắc Quảng Nam”, gồm 10 tiết mục, thời gian 90 phút mang ra lễ hội. Trong 3 ngày từ 22 đến 25.4 (nhằm mùng 7 đến 10.3 âm lịch), đoàn đã liên tục trình diễn phục vụ nhân dân và du khách về tham dự giỗ tổ bằng các loại hình nghệ thuật dân gian Quảng Nam. Nổi bật như trích diễn vở Thai Xuyên Trần Quý Cáp - một nhân vật lịch sử, một khí tiết Quảng Nam và hô hát bài chòi… Với các liên khúc dân ca được dàn dựng cho cả đêm khai mạc hội Đền Hùng lẫn đêm biểu diễn nghệ thuật của Quảng Nam, ca kịch bài chòi cùng các làn điệu dân ca khu 5 có nhiều đặc sắc riêng biệt, vừa thể hiện sự tài hoa của âm nhạc vùng đất vừa phản ánh những nếp sinh hoạt của người dân xứ Quảng trong các liên khúc này. Đặc biệt, với việc nghệ thuật bài chòi vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì việc đưa các loại hình nghệ thuật này lan tỏa đến nhiều nơi là đương nhiên. Một trò chơi dân gian nho nhỏ sẽ được tái hiện trên sân khấu tại Đền Hùng, để người xem biết về hô hát bài chòi, các thẻ bài…
Theo đề án của Bộ VH&TT- DL về Giỗ tổ Hùng Vương, mỗi năm sẽ có 4 tỉnh, thành đại diện cả nước tham gia Giỗ tổ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ. Năm nay, ngoài Quảng Nam còn có 3 tỉnh khác là Thái Nguyên, Bình Dương và Kiên Giang.
VĨNH LỘC