Quá tải đăng ký thuê bao di động trước "giờ G"
(QNO) – Lo lắng bị ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông nếu không thực hiện đăng ký thông tin thuê bao chính xác và đầy đủ, càng gần đến “giờ G”, số chủ thuê bao di động càng đổ xô đi đăng ký thông tin, khiến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông gần như quá tải…
Nhiều khách hàng đăng ký thông tin ở Cửa hàng Viettel Tam Kỳ vào hôm qua, Chủ nhật 22.4. Ảnh: C.N |
“Rồng rắn” đi đăng ký thông tin
Nhiều ngày qua, các nhà mạng ở Quảng Nam phải dốc toàn lực để phục vụ khách hàng đến cung cấp, bổ sung thông tin. Toàn bộ các cửa hàng của Vinaphone, MobiFone, Viettel trên địa bàn đều mở cửa đón khách liên tục từ sáng đến 21 giờ hàng ngày, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, do nhiều người lao động tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần và ngoài giờ hành chính đến đăng ký.
Đăng ký thông tin thuê bao ở cửa hàng Viettel ngoài giờ hành chính. Ảnh: C.N |
Mặc dù đã dốc toàn lực như vậy nhưng dường như các nhà mạng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu, do lượng người đến đăng ký quá đông. Lượng người truy cập vào trang web của các nhà mạng cũng luôn ở mức cao. Hai mươi ba điểm hỗ trợ đăng ký thông tin thuê bao chính chủ của Vinaphone ở 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng luôn đầy nghẹt người đến chờ làm thủ tục, nhất là tại các khu vực trọng điểm, đông dân cư.
Khách hàng điền thông tin ngay trên ghế của cửa hàng. Ảnh: C.N |
Các cửa hàng, điểm đăng ký của Viettel, MobiFone ở Quảng Nam cũng bố trí 100% lực lượng làm việc và đều phải làm việc hết công suất để phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Thậm chí, sự ùn ứ còn diễn ra cả ở “kênh” ứng dụng tiện ích công nghệ: việc bổ sung ảnh chân dung qua ứng dụng di động My Viettel của mạng Viettel cũng bị nghẽn mạng. Bà Bùi Thị Mai Thảo – Trưởng Cửa hàng Viettel Tam Kỳ, khuyến nghị khách hàng nên đăng ký vào giờ thấp điểm sẽ tránh được tình trạng nghẽn mạng. Cạnh đó, cũng theo bà Thảo, để tránh phải đi lại vất vả, các chủ thuê bao là người cao tuổi hoặc người chưa thành niên có thể nhờ người thân (con cái, cha mẹ) đi đăng ký giúp.
Khách hàng đăng ký thông tin ở Cửa hàng MobiFone Tam Kỳ trưa nay 23.4. Ảnh: C.N |
Trưa 23.4, nghĩa là chỉ còn 1 ngày nữa, các thuê bao sẽ bị khóa nếu không đăng ký hoặc bổ sung thông tin theo quy định của Chính phủ, số lượng người đăng ký thông tin vẫn còn rất nhiều. Ông Lê Văn Tuyến (khối phố Trà Cai, phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) tranh thủ giờ nghỉ trưa đến cửa hàng MobiFone trên đường Phan Châu Trinh (Tam Kỳ) để đăng ký thông tin mặc dù chưa nhận được tin nhắn của nhà mạng. Trưa 23.4, bà Nguyễn Thị Lý (83 tuổi, ở phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cũng tranh thủ nhờ con gái chở đi đăng ký vì sợ bị khóa sim...
Gia hạn?
Tuy nhiên, trước những diễn biến “căng thẳng” trong việc đăng ký thông tin trong mấy ngày qua, các nhà mạng cũng đã có hướng giải quyết linh hoạt. Viettel thông báo, để đảm bảo cho khách hàng có điều kiện cập nhật thông tin thuê bao, không bị mất liên lạc, đơn vị này sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng cập nhật thông tin thuê bao sau ngày 24.4.2018.
Tương tự, MobiFone thông báo: “Để đảm bảo cho tất cả khách hàng có điều kiện cập nhật lại thông tin đầy đủ, chính chủ không bị mất liên lạc, MobiFone ưu tiên thay đổi thông tin cho khách hàng nhận được tin nhắn chặn thông tin. MobiFone sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sau ngày 24.4.2018”.
Theo Nghị định 49, từ ngày 24.4.2018, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác, bao gồm thông tin đối tượng sử dụng số thuê bao (họ và tên, số chứng minh nhân dân, ngày cấp và nơi cấp...) và ảnh chụp chân dung chủ thuê bao. Những thuê bao không cung cấp sẽ bị khóa một chiều sau 15 ngày nhận được tin nhắn và khóa 2 chiều sau 15 ngày tiếp theo. Để kiểm tra thông tin thuê bao, khách hàng cần soạn tin nhắn với cú pháp TTTB và gửi đến 1414. |
Trong khi đó, Vinaphone thông báo, tiếp tục chấp nhận và cập nhật thông tin khách hàng đến ngày 15.5 để giúp khách hàng yên tâm sử dụng, không lo mất liên lạc và có thêm thời gian bổ sung thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác theo Nghị định 49. Các nhà mạng cũng cam kết tất cả thông tin và hình ảnh của khách hàng sẽ được số hóa và bảo mật trong cơ sở dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Đồng thời cho biết, cá nhân, tổ chức cũng sẽ phạt tiền đến 500 nghìn đồng nếu giả mạo và sử dụng giấy tờ của các cá nhân, tổ chức khác.
Vì mục tiêu an toàn thông tin
Qua trao đổi, nhiều người cho biết sở dĩ đến sát “giờ G” mới đi đăng ký vì nghĩ rằng các hãng viễn thông vì sợ mất khách hàng nên sẽ “du di”, gia hạn thêm thời gian; có người bảo do không nắm được thông tin do không nhận được tin nhắn. Và, chỉ khi thực hiện việc đăng ký theo yêu cầu, nhiều người mới giật mình khi biết rằng sim mình sử dụng lâu nay là sim rác, sim ảo.
Nhà mạng chụp ảnh khách hàng để bổ sung thông tin thuê bao. Ảnh: C.N |
Trường hợp của chị Phan Thị Lanh (xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) là một ví dụ: mua sim sử dụng đã lâu, yên tâm mình sở hữu sim chính chủ, nhưng khi kiểm tra thông tin (bằng cách soạn tin nhắn TTTB gửi đến số 1414), chị Lanh mới biết sim mình đang sử dụng được đứng tên bởi một người ở tận... Bắc Giang. Đây không phải là một trường hợp hy hữu, bởi theo ước tính của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và truyền thông), cả nước hiện có khoảng 38 triệu thuê bao có thông tin cá nhân không chính xác, tức là số thuê bao của người này nhưng do người khác đứng tên. Bà Bùi Thị Mai Thảo lý giải, do trước đây chưa có quy định siết chặt thông tin đối với thuê bao di động trả trước nên mới xảy ra tình trạng nêu trên.
Bà Ngô Thị Thanh Tâm – Cửa hàng trưởng Cửa hàng MobiFone Tam Kỳ cho biết, khách hàng ngày càng quan tâm đến vấn đề sở hữu thuê bao sim chính chủ nên khi hạn chót càng đến gần, ai cũng tranh thủ đi đăng ký. Qua đợt này, hy vọng sẽ tránh được tình trạng sim rác tràn lan. Vinaphone khuyến nghị khách hàng đến đăng ký thông tin để được bảo vệ quyền lợi với số thuê bao sở hữu và hạn chế tối đa nguy cơ bị giả mạo hay bị thu hồi dịch vụ. Tương tự, bà Bùi Thị Mai Thảo cho rằng, việc đăng ký chính xác thông tin thuê bao sẽ rất thuận lợi cho công tác quản lý. Thời gian qua, nhiều người nhận được tin nhắn lừa trúng thưởng là do sim rác còn tồn tại trên thị trường.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên – Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông, theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ, việc đăng ký thông tin là yêu cầu bắt buộc đối với thuê bao di động của tất cả các nhà mạng. Hoạt động này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cần có cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao chính xác để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Lâu nay, hầu hết các thuê bao trả sau đều đã đăng ký khi hòa mạng nên lần này, chủ yếu áp dụng đối với các thuê bao trả trước.
CHÂU NỮ