Khẩn trương sửa chữa kè biển Cửa Đại

VĨNH LỘC 23/04/2018 09:10

Tại buổi kiểm tra và làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan về vấn đề sụt lún kè biển Cửa Đại vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP.Hội An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu phải sớm nghiên cứu, xử lý ngay tình trạng này và hoàn thành trước tháng 9 tới.

Nhiều điểm trên thân kè đã bị sụt lún nghiêm trọng ảnh hưởng đến toàn bộ công trình và tuyến đường Âu Cơ.
Nhiều điểm trên thân kè đã bị sụt lún nghiêm trọng ảnh hưởng đến toàn bộ công trình và tuyến đường Âu Cơ.

Sạt lở đe dọa đường Âu Cơ

Từ cuối tháng 1.2018 do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh kết hợp với triều cường đã làm nhiều đoạn kè mái taluy bằng tấm lát bê tông dài 714m khu vực giữa khách sạn Sunrise và Fusion Alya (phường Cửa Đại, Hội An) bị hư hỏng, sập đổ với tổng chiều dài khoảng 70m, ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng giao thông và khu dân cư cách đó không xa. Trước tình hình đó, UBND TP.Hội An đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng khẩn cấp xử lý tạm thời tình trạng sạt lở bằng túi nhựa đựng cát nhằm hạn chế việc xâm thực và lan rộng đoạn kè liền kề. Đồng thời Công ty Điện lực Quảng Nam cũng đã thực hiện gia cố đoạn mái kè bị sụt lún tại vị trí có tuyến cáp điện ngầm ra đảo Cù Lao Chàm.

UBND TP.Hội An cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng Hội An hợp đồng với Trung tâm Trắc địa công trình và địa chính khảo sát địa hình và phần ngầm của công trình, nhằm xác định các lỗ rỗng, hố ngầm bên dưới tấm lát thân kè. Qua khảo sát của đơn vị tư vấn, phát hiện phần thân toàn tuyến đã bị rỗng, khoảng cách giữa tấm lát thân kè và phần đất thân kè rỗng cao từ 0,8m - 2,8m, những vị trí mái kè bị sụt lún thì độ rỗng khoảng 3m gây mất an toàn cho tuyến kè. Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện thêm 2 vị trí sụt lún và nứt gãy với chiều dài dọc thân kè khoảng 60m. Theo đơn vị tư vấn, nguyên nhân tình trạng sụt lún bờ kè chủ yếu vì tác động của sóng và dòng chảy dọc chân kè dẫn đến chân kè bị đào; khu vực kè không hội tụ cát; thiết kế kè không chống được sóng triệt để; công trình nằm ở vùng mực nước thường xuyên thay đổi dưới tác động của dòng chảy, sóng gió liên tục; trong môi trường có chứa nhiều tác nhân làm hư hại bê tông như axit, sunphate, clo… nhất là sunphate, clo là những tác nhân nguy hiểm phá hoại bê tông nhanh chóng.  

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió mùa đông bắc trong những ngày trước và sau Tết âm lịch đã dẫn đến hiện tượng sóng mạnh đánh vào kè khoét lôi đất cát ra biển, nếu không có giải pháp xử lý ngay trong mùa khô năm nay, nguy cơ mất an toàn công trình rất lớn. “Trên toàn tuyến kè có những điểm sụt lún chỉ cách đường Âu Cơ (đường ĐT603 của tỉnh) hơn 10m nếu không sửa chữa gia cố kịp thời, phù hợp thì tình trạng sạt lở sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào bên trong công trình. Đặc biệt, một điểm sạt lở khá nghiêm trọng là tại vị trí cáp ngầm ra đảo Cù Lao Chàm, do tuyến cáp ngầm đi phía dưới công trình nên những tác động, sụt lún của bờ kè dễ gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện ra Cù Lao Chàm” - ông Hùng nói.

Phải sửa chữa bờ kè trước tháng 9

Ông Phạm Văn Điểu - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng Hội An đề xuất, UBND tỉnh cần hỗ trợ kinh phí sửa chữa và cho phép thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, thực hiện trước mùa mưa lũ năm 2018. Trong đó, giai đoạn 1 cần tập trung khẩn trương sửa chữa toàn bộ phần thân kè và tuyến đường nội bộ. Cụ thể, tháo dỡ các khối xếp bằng tấm đanh bê tông trên mặt và phá dỡ các hệ dầm đã lún sụt, vệ sinh phần dưới thân kè; trải vải địa kỹ thuật, đắp cát đầm chặt thân kè đến cao trình cách mặt kè 1,65m; trải vải địa kỹ thuật, đắp lớp đệm đá dăm 4x6 dày 25cm, đắp đá hỗn hợp dày 1m; làm lớp đá dăm 4x6 dày 25cm trên lớp đá hỗn hợp, lót vải địa và lắp đặt khối xếp trên lớp vải địa; đắp bổ sung cát xuống các vị trí bị hổng bằng cách tháo dỡ các khối xếp và khoan lỗ trên đường quản lý và đặt ống dẫn D300 đưa cát vào các vị trí lún sụt trên toàn tuyến; khoan phụt vữa xi măng gia cố nền dọc tuyến chân kè, giảm thiểu xói ngầm khu vực chân ống buy và ổn định thân kè. Giá trị khái toán giai đoạn này khoảng 14,96 tỷ đồng. Tuy nhiên, về lâu dài để đảm bảo chống sóng biển xâm thực trực tiếp vào tuyến kè, cần xây dựng mới các kè mỏ hàn và đê giảm sóng phía ngoài chân kè bằng đá hộc, hạn chế áp lực sóng tác động đến tuyến kè, đồng thời tạo bồi để ổn định toàn tuyến kè. Giai đoạn này sẽ thực hiện sau khi hoàn chỉnh phần sửa chữa thân kè.    

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hiện nay cát trong bờ kè toàn tuyến đã bị sóng lấy ra bên ngoài nên vấn đề ở đây không chỉ giải quyết cục bộ các điểm bị sạt lở mà phải giải quyết trên toàn tuyến 714m. Cũng không chỉ giải quyết trên thân đập mà tính toán giải quyết bên ngoài, trên thềm bờ biển như hướng sóng, dòng chảy ven bờ… Do đó, phải quan trắc không chỉ thân kè mà còn quan trắc đánh giá thềm bờ ở bên ngoài khu vực, ít nhất 100m trở lại. Lấy kết quả nghiên cứu hiện tại cùng kết quả nghiên cứu từ các nhóm tư vấn của Pháp và các tổ chức trước đây kết hợp hai dữ liệu lại để đưa ra những đánh giá cụ thể, từ đó đề xuất giải pháp thiết kế tính toán phù hợp với khu vực Hội An. “Tỉnh đã giao Sở NN&PTNT, TP.Hội An làm việc với đơn vị tư vấn có năng lực, có chuyên môn về đê kè để nghiên cứu xử lý ngay tức khắc vì thời gian đến mùa mưa bão không còn nhiều. Đồng thời phải tính toán vấn đề lâu dài và làm các mỏ hàn để tạo bãi, nuôi bãi… giữ ổn định vùng bờ, giảm năng lực sóng khi vào đến bờ kè. Tỉnh giao các đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất làm, chậm nhất đến ngày 10.5 phải có báo cáo cuối cùng để tiến hành triển khai thi công cho kịp, hoàn thành trước tháng 9” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC