Khó quản lý chó, mèo thả rông
Trên địa bàn TP.Tam Kỳ tình trạng người dân nuôi chó, mèo thả rông ngoài đường diễn ra phổ biến. Đây không chỉ là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bị chó dại cắn mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và mất mỹ quan đô thị.
Chó thả rông trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: V.L |
Tai nạn tiềm ần
Dọc các tuyến phố của Tam Kỳ, không khó bắt gặp hình ảnh chó chạy rông trên đường hay được chủ thả dạo ở các điểm công cộng. Nguy cơ mắc bệnh dại do bị chó cắn hoặc tai nạn giao thông do chó, mèo thả rông gây nên là không tránh khỏi. “Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh người tham gia giao thông bị chó thả rông đuổi cắn rất nguy hiểm. Cạnh đó nhiều chủ nuôi chó thường xuyên đưa chó ra vỉa hè, các dải phân cách trồng cây cảnh để phóng uế gây mất mỹ quan đô thị” - bà Nguyễn Thị Hồng ở khối phố 4, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ nói.
Còn ở khu vực nông thôn, nhiều nhà nuôi cả bầy chó để trông nhà và thường không được nhốt cẩn thận; số người bị chó cắn phải đi tiêm phòng mỗi năm ở Tam Kỳ đến hàng trăm trường hợp. Theo quy định của pháp luật, chủ nuôi chó phải khai báo việc nuôi chó với ban nhân dân thôn, khối phố. Đồng thời cam kết nuôi nhốt hoặc xích giữ chó trong khuôn viên của gia đình, không thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị… Ông Trần Công Trước - Trưởng ban nhân dân khối phố 4, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ cho biết, toàn khối phố có 41 con chó nuôi nhốt tại nhà, thế nhưng bên cạnh những hộ tuân thủ tốt các quy định về việc nuôi nhốt chó thì vẫn còn nhiều hộ chưa tích cực phối hợp. “Khi chúng tôi đến tuyên truyền vận động thì các hộ này hứa chấp hành nhưng được vài ngày thì tình trạng chó thả rông vẫn tái diễn nên việc quản lý gặp rất nhiều trở ngại” - ông Trước nói.
Khó xử phạt
Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Mặc dù nghị định đã có hiệu lực nhưng công tác triển khai vẫn còn nhiều lúng túng. Theo ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh, toàn phường hiện có khoảng 1.200 con chó, nhưng mỗi năm cũng chỉ tiêm vắc xin phòng dại được 800 con, số còn lại cán bộ thú y nhiều lần đến nhưng không gặp chủ nhà hoặc chó thả chạy rông... nên không thể tiêm phòng được. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi chó chưa ý thức được việc cần thiết phải tiêm phòng dại cho chó nên dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng còn thấp. Theo ông Ngọc, mặc dù TP.Tam Kỳ đã ban hành hướng dẫn về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y nhưng đến nay địa phương chưa thể triển khai các quy định xử phạt liên quan. “Địa phương chủ yếu tuyên truyền người dân đăng ký số lượng chó đang nuôi nhốt cũng như tiêm phòng vắc xin cho chó. Còn về việc thành lập tổ bắt chó rất khó khăn không chỉ riêng Tân Thạnh mà cả với những địa phương khác vì hầu hết số lượng cán bộ thú y còn hạn chế và địa phương cũng không được hỗ trợ bất kỳ một phương tiện nào cho việc bắt và xử lý chó thả rông” - ông Ngọc nói.
Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp TP.Tam Kỳ, toàn thành phố hiện có 5.202 con chó, mèo nhưng số chó, mèo được tiêm phòng trong năm 2017 chỉ có 1.176 con. Như vậy số chó, mèo được tiêm phòng chưa đạt 1/3 so với tổng đàn. Điều này gây tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh dại do chó, mèo gây ra, nhất là thời điểm mùa nóng đang đến gần. Chính vì vậy biện pháp cấp bách hiện nay là ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Từ đó có biện pháp nuôi nhốt, không để chó thả rông và tiêm phòng dại đầy đủ, kịp thời theo lịch của cán bộ thú y. Bên cạnh đó, cũng cần có những chế tài xử lý mạnh tay đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
VÕ LY