Lo sợ
Sợ - là tâm lý của nhiều giáo viên bây giờ sau các sự cố “tịnh khẩu”, “quỳ gối”, “uống nước giẻ lau”... vừa qua. Tôi đã chứng kiến nỗi lo sợ ấy với tình huống một bé trai học lớp mẫu giáo bất thình lình đấm bạn 2 phát vào giữa lưng, cô giáo ở cạnh đó gần như “đứng hình”, chới với và sau đó chỉ biết lặng thinh. Sau khi nhận thấy tôi chứng kiến việc ấy, cô giáo nói như không cho ai cả: “em này quậy lắm, lì, nói không nghe, thường xuyên chọc bạn”. Tôi đã lập tức đồng cảm với nỗi lo sợ của cô giáo vì tự hiểu ra, nếu cô phản ứng kịp thời bằng cách kéo bạn trai ấy ra, quở mắng, bắt xin lỗi bạn hay thậm chí phát vào đít một cái như cách của các bậc cha mẹ thường áp dụng ở nhà thì biết đâu lại sẽ “đụng” đến ánh mắt phụ huynh của học sinh “quậy” này (vì lúc đó là giờ tan học). Và nếu cô cho qua tình huống trên thì giống như mình bất lực trong cách quán xuyến lớp học...
Có thể có biện pháp nào đó sư phạm hơn với tình huống nói trên, nhưng thực tế nhiều giáo viên chưa được trang bị hoặc thiếu khả năng xử lý, cộng với tâm lý lo sợ đã khiến những trường hợp tương tự trở thành vấn đề đáng lo. Trong khi đó, nhiều giáo viên thừa nhận học sinh bây giờ ngang ngược quá. Nhiều em ngủ còn đái mế mà thích làm “đại ca”, chỉ huy và sẵn sàng xử lý “mạnh tay” với bạn cùng lớp. Ở cấp THCS và THPT, không khó bắt gặp cảnh học sinh vừa ra khỏi lớp đã tập hợp nhóm, bàn tán, chỉ trích xôn xao, thậm chí tổ chức đánh lộn, trả thù cho bạn bè. Rồi không ít trường hợp, giáo viên ngó lơ với trách nhiệm của mình, nhất là việc phối hợp với nhà trường, gia đình để thông tin, giáo dục những học sinh cá biệt...
Sau các sự cố giữa giáo viên và học sinh vừa qua, cộng đồng mạng, phụ huynh và cả các phương tiện thông tin đại chúng có ý kiến nhiều chiều. Một bên lên án hành vi của giáo viên, một số ủng hộ biện pháp xử lý giáo viên nhưng cũng đề nghị cần siết chặt kỷ cương hơn trong trường học, một số đông cho rằng không nên dễ dàng chạy theo hiệu ứng đám đông khi đưa ra những quyết định xử lý mang tính tình thế, thỏa hiệp; hoặc đề cập đến vấn đề sâu xa hơn là cách quản ý giáo dục hiện nay... Một sự việc gây chú ý được thông tin rộng rãi và nhận những luồng ý kiến nhiều chiều của cộng đồng là lẽ thường, nhưng các sự cố vừa qua có chút đặc biệt vì tác động mạnh đến tâm lý của đội ngũ thầy cô giáo - những người đang thừa nhận đôi khi cảm thấy rất lúng túng và thậm chí “cô đơn” với các tình huống xảy ra ngoài vấn đề chuyên môn. Nhiều giáo viên tâm sự đang hình dung cho mình những biện pháp xử lý phù hợp với các tình huống gay cấn thường gặp phải trên lớp học, để có thể một phần nào đó tránh rơi vào tình cảnh là “nạn nhân” hoặc có thể bớt đi nỗi lo sợ mơ hồ!
C.B.L