Anh Trỗi đã an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh

HẠ UYÊN 19/04/2018 18:41

(QNO) - Theo nguyện vọng của gia đình, lễ an táng hài cốt Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi vừa diễn ra trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh (quận 9), sau hơn 50 năm anh yên nghỉ ở Nghĩa trang Văn Giáp (quận 2).

Phần mộ anh Trỗi nằm trong khu vực các phần mộ tiêu biểu tại NTLS TP.HCM.
Phần mộ anh Trỗi nằm trong khu vực các phần mộ tiêu biểu tại Nghĩa trang TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: H.U

Mở trang sử hơn 50 năm trước

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1.2.1940 tại làng Thanh Quýt (nay thuộc xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn), giác ngộ cách mạng từ sớm và tham gia lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định. Anh Trỗi vào Sài Gòn từng làm thuê, đạp xích lô rồi học nghề và trở thành thợ điện. Anh làm việc qua một số xưởng điện cho đến ngày bị bắt và bị xử tử hình. 

Ngày 2.5.1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Anh lên đường thực hiện nhiệm vụ sau bữa cơm tối với người vợ mới cưới, và đó là bữa cơm cuối cùng...

Những tháng ngày liên tiếp với bao cực hình dã man, anh nhận hết trách nhiệm về mình và bị tuyên tử hình! Anh Trỗi bị đưa ra xử bắn ngay trong sân nhà lao Chí Hòa trước sự chứng kiến của nhiều nhà báo quốc tế. Đó là trưa 15.10.1964. Anh ngã xuống. Nhưng lời tố cáo tội ác chiến tranh như mãi vang vọng. Mười chín ngày đôi vợ chồng trẻ bên nhau, 6 tháng sau ngày cưới, anh hy sinh. Khi ấy Nguyễn Văn Trỗi 24 tuổi. Trước lúc hy sinh, anh đã nhiều lần hô lớn: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.

An nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh

Theo nguyện vọng của gia đình, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, lễ an táng hài cốt anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã được Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh, Quận ủy quận 2 tổ chức trang trọng. Phần mộ của anh Trỗi nằm tại khu vực phần mộ liệt sĩ tiêu biểu, gần phần mộ các liệt sĩ Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ, Quách Thị Trang. Lễ an táng có sự tham dự của lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, đại diện tỉnh Quảng Nam, Tỉnh đoàn Quảng Nam, thị xã Điện Bàn, thân nhân của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, bà Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi), đồng đội chiến đấu cùng anh Trỗi và bạn trẻ TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu tưởng niệm tại lễ an táng, đại diện Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cuộc đời “người công nhân TP.Sài Gòn” cùng tấm gương hy sinh lẫm liệt của anh đã có sức lay động lương tri không những trong nước mà cả toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Và từ năm 2008, Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh có giải thưởng mang tên Nguyễn Văn Trỗi, nhằm tôn vinh những đoàn viên, thanh niên có sáng kiến, giải pháp được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, hăng hái thi đua lao động, sản xuất.

Anh Ngô Minh Hải - Phó Bí thư Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Chọn anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi làm biểu tượng cho hình ảnh thanh niên công nhân TP.Hồ Chí Minh là sự trân quý ý chí bất khuất, sự hy sinh anh dũng của anh nhưng cũng chính là góp phần thôi thúc sự phấn đấu, nuôi dưỡng tinh thần lao động và ý chí vươn lên của công nhân thành phố hiện nay”. Đại diện phía gia đình, ông Nguyễn Văn Nhung (88 tuổi) chia sẻ, gia đình, gia tộc rất tự hào vì đã sinh ra người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Ông cùng các thế hệ lớn tuổi sẽ tiếp tục giáo dục con cháu trong gia đình, gia tộc phát huy truyền thống, phát huy những phẩm chất cao quý của các anh hùng, liệt sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

HẠ UYÊN

HẠ UYÊN