Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm

XUÂN TRƯỜNG 19/04/2018 14:41

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay đang được người tiêu dùng hết sức quan tâm, bởi vẫn còn một số cơ sở kinh doanh, chế biến chưa đảm bảo và có nhiều bất cập trong quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng…

Kiểm tra bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tân Thạnh. TP.Tam Kỳ). Ảnh: X.TRƯỜNG
Kiểm tra bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tân Thạnh. TP.Tam Kỳ). Ảnh: X.TRƯỜNG

Nhiều vi phạm

Mới đây, đoàn kiểm tra do Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam và đại diện các đơn vị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với Tổ công tác văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia để kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Bé, ở tổ 5, khối phố Hương Sơn (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở của bà Bé đang sơ chế sản phẩm thịt heo từ 3 con heo đã được giết mổ. Toàn bộ sản phẩm không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y. Theo trình bày của bà Bé, số thịt heo đang được sơ chế là từ 3 con heo nái đã được giết mổ tại cơ sở giết mổ phường Trường Xuân nhưng do cán bộ kiểm soát giết mổ không cấp dấu. Qua làm việc, cán bộ giết mổ cho rằng, đối với heo của bà Bé sau khi được giết, lấy nội tạng ra khỏi thân heo vẫn còn nguyên lông đem về để khò bằng lửa nên không đảm bảo quy trình để lăn dấu. Còn đối với việc cấp tem vệ sinh thú y chỉ áp dụng cho giết mổ trâu bò, chưa có việc cấp tem vệ sinh thú y cho giết mổ heo nói chung và heo khò nói riêng. Theo văn bản của Sở NN&PTNT trả lời cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh thì việc “Không lăn dấu và cấp tem vệ sinh thú y cho heo nái khò; tem vệ sinh thú y chỉ cấp cho gia súc là trâu bò” như giải thích của cán bộ kiểm soát giết mổ phường Trường Xuân là không đúng theo quy định hiện hành.

Qua sự việc trên cho thấy, vấn đề kiểm soát ATTP hiện nay, nhất là tại các cơ sở chế biến, kinh doanh, giết mổ gia súc đang có nhiều bất cập. Và người tiêu dùng đứng trước nguy cơ phải sử dụng những loại thực phẩm kém chất lượng, không an toàn. Ông Bùi Ngọc Huy - Phó phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết: “Địa phương đang thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát, theo dõi chặt chẽ các điểm giết mổ tập trung và tại các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Đối với cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Bé ở phường Hòa Hương, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để thường xuyên theo dõi, giám sát. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định”.

Trong khi đó, thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh cho biết, tháng 12.2017, đơn vị đã kiểm tra và xử phạt hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bé về hành vị giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, với số tiền xử phạt 7 triệu đồng. Trước đó, vào năm 2013, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TP.Tam Kỳ đã bắt quả tang tại nhà bà Bé đang giết mổ 4 con heo nái không rõ nguồn gốc, trong đó có 3 con đang dùng đèn khò đốt lông để giả heo rừng. Đoàn cũng phát hiện thêm 34kg thịt thành phẩm trong các thùng xốp và tủ đông, toàn bộ không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm định động vật và chứng nhận tiêm phòng.

Tăng cường giám sát

Theo ông Ngô Đà - Trưởng phòng y tế TP.Tam Kỳ, trước những vấn đề bức xúc về ATTP hiện nay, phòng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm trên địa bàn nâng cao vai trò trách nhiệm, nhận thức tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định đảm bảo ATTP. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở và các hộ dân. Không chỉ riêng cơ quan chức năng mà vai trò giám sát của các tổ chức xã hội và chính người tiêu dùng cũng được tăng cường. Đơn cử từ trước Tết Mậu Tuất đến nay, Hội LHPN thành phố đã giám sát 30 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm của 4 địa phương Tam Thanh, An Xuân, Phước Hòa, Trường Xuân và bếp ăn bán trú tại 2 trường: Mẫu giáo Tuổi thơ (phường Hòa Hương), Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tân Thạnh). Qua giám sát, hội đã kịp thời kiến nghị các địa phương có giải pháp chấn chỉnh những sai phạm về: nguồn gốc thực phẩm, giấy khám sức khỏe, tập huấn ATTP của người chế biến, bảo quản, vệ sinh khu vực trưng bày thức ăn…

Ông Ngô Đà nói thêm: “Ngoài các hoạt động thường xuyên đảm bảo chất lượng ATTP, TP.Tam Kỳ bắt đầu triển khai tháng hành động cao điểm năm 2018 nhằm phát động một chiến dịch tuyên truyền các chủ kinh doanh, bảo quản thức ăn tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP. Trong tháng cao điểm từ ngày 15.4 đến ngày 15.5, lực lượng chức năng thành phố sẽ tăng cường ra quân xử lý các trường hợp ô nhiễm thực phẩm, không đảm bảo ATTP khi đang thực hiện kinh doanh, bảo quản, chế biến thức ăn”.

XUÂN TRƯỜNG

XUÂN TRƯỜNG