Giảm ăn muối, giảm bệnh tật
Trước tình trạng người Việt ăn lượng muối nhiều hơn nhu cầu (theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới), Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã khuyến cáo người dân giảm lượng muối ăn nhằm giảm bệnh tật liên quan đến việc ăn quá mặn.
Theo bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, do đặc thù sống gần biển và có thói quen ăn mặn nên người dân Quảng Nam nói riêng, người Việt nói chung, tiêu thụ lượng muối hàng ngày gấp nhiều lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Cục Y tế dự phòng. Bác sĩ Hoàn cho biết, theo khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối (tương đương một muỗng cà phê nhỏ) mỗi ngày. Việc ăn muối nhiều quá mức cho phép sẽ gây nên các bệnh về dạ dày, tá tràng, thận, huyết áp, tim mạch, đột quỵ. Theo số liệu điều tra, ở Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch. “Trong khi đó, ăn mặn là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh tăng huyết áp, nhất là đối với người ngoài 40 tuổi trở lên và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch” - bác sĩ Hoàn nói. Do vậy, chú trọng vấn đề dinh dưỡng, trong đó có việc hạn chế ăn muối là yếu tố quan trọng đối với việc phòng ngừa, kiểm soát bệnh tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch.
Theo bác sĩ Hoàn, với nhiều người Quảng, việc giảm ăn mặn rất khó thực hiện do đã trở thành thói quen. Trong quá trình chế biến thức ăn hàng ngày, các gia đình cần giảm lượng muối cũng như tập thay đổi thói quen ăn mặn. Nhiều người ăn mặn, sau đó uống nhiều nước đã làm tăng thể tích máu nên càng góp phần làm tăng huyết áp. Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương khuyến cáo, để giảm một cách có hiệu quả lượng muối ăn hàng ngày, mỗi gia đình hãy thực hiện: nêm bớt muối - chấm nhẹ tay - giảm ngay đồ mặn. Theo đó, giảm 1/2 lượng muối và các gia vị chứa nhiều muối khi nấu ăn và khi ăn. Hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chế, tẩm ướp và nấu. Nếm thức ăn trước khi muốn cho thêm muối và gia vị có chứa nhiều muối. Đồng thời giảm 1/2 lượng thực phẩm chứa nhiều muối khi lựa chọn. Tăng cường sử dụng các thực phẩm tươi và hãy hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: mỳ ăn liền, rau củ muối, bim bim, giò, chả... Tăng cường ăn các món luộc thay cho các món kho, rim hay rang...
Theo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho thấy, trung bình người dân Việt Nam tuổi trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối mỗi ngày (nam là 10,5g, nữ là 8,3g) cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của WHO. WHO khuyến nghị chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối mỗi ngày, sẽ giúp cứu sống khoảng 2,5 triệu người mỗi năm. Một trong 9 mục tiêu toàn cầu về tiêu thụ muối đến năm 2025 là giảm được 30% lượng muối trên khẩu phần ăn.
BẢO LÂM