Khuyến cáo điều trị dự phòng bệnh dại
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vừa có Công văn số 76/YTDP ngày 10.4.2018 chỉ đạo các trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm đảm bảo tối đa số người bị động vật cắn được điều trị dự phòng bệnh dại.
Cụ thể, các đơn vị y tế trong toàn ngành cần tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp cho các trường hợp mới bị phơi nhiễm đi tiêm lần đầu và là người lớn có tình trạng sức khỏe bình thường. Mục đích để giảm lượng vắc xin và tăng số người được điều trị dự phòng. Một số điểm tiêm tuyến huyện bị thiếu hụt vắc xin cần giới thiệu bệnh nhân về tuyến tỉnh để có thể tập trung bệnh nhân và áp dụng phác đồ tiêm trong da. Các trường hợp bị chó cắn phải tiêm vắc xin phòng dại và đồng thời theo dõi được chó, nếu chó vẫn khỏe mạnh sau 10 ngày kể từ khi cắn người thì có thể dừng tiêm vắc xin dại. Không khuyến khích chuyển đổi các loại vắc xin cho nhau trên cùng một đối tượng tiêm phòng, tuy nhiên trong trường hợp bất khả kháng, có thể chuyển đổi những vắc xin có bản chất giống nhau. Hiện nay 2 loại vắc xin trên thị trường Việt Nam đều là vắc xin dựa trên công nghệ tế bào hiện đại nên có thể chuyển đổi lẫn nhau, tuyệt đối không được thay đổi phác đồ tiêm. Các điểm tiêm cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động đánh giá nhu cầu vắc xin gửi các đơn vị cung ứng và cơ quan quản lý có liên quan nhằm đảm bảo nhu cầu vắc xin trong thời gian tới. Chia sẻ thông tin, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại và nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời. Có kế hoạch dự trữ vắc xin và huyết thanh kháng dại đề phòng tình trạng khan hiếm và đáp ứng khi có dịch...
Theo các chuyên gia y tế, người bị chó, mèo cắn và mắc bệnh dại có các dấu hiệu và triệu chứng: đau hoặc ngứa ở vết cắn (hơn 80% các trường hợp); sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2 - 4 ngày, sợ nước (chứng sợ nước); không chịu được tiếng ồn, ánh sáng hoặc không khí... Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo thêm: “Nếu một người bị động vật cắn thì cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại và vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod (nếu có). Điều quan trọng nhất là phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt”.
TRƯỞNG HOA