Đối thoại ở phố
Đời sống thị dân ở Đà Nẵng sôi động từng giây trên các trang mạng và báo chí. Thôi thì đủ thứ hỉ nộ ái ố “tải” lên đó, rất nhiều sự vụ được giải quyết nhanh gọn và hé lộ nhu cầu “đối thoại” trên mạng ảo lẫn đời thực...
Nhịp sống sôi động ở Đà Nẵng. |
Nhộn nhịp “phố online”
Đang khá xôm tụ trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh – Sạch – Đẹp (thu hút 62.671 thành viên tham gia) chính là vụ nam thanh niên đánh một cô gái đến gãy cả răng, sau tranh cãi liên quan đến suất ăn trong quán bánh xèo. Từ thông tin cập nhật trên trang này, nhiều cơ quan báo chí vào cuộc, cộng đồng mạng cũng khen chê đủ kiểu. Vụ việc đẩy đi khá xa khi nam thanh niên có bố là một cựu đại tá quân đội, chú là trưởng công an một phường và “nổ” là cháu phó giám đốc công an thành phố (thực ra chỉ ở gần nhà). Báo hại người bố phải lên tiếng xin lỗi thay con, nhưng sẽ còn rất lâu nữa cộng đồng mạng mới chịu “tha thứ” cho hành vi phản cảm.
Cứ thế, hầu như bức xúc của cư dân mạng đều được chia sẻ. Tất nhiên, các quản trị viên cũng vất vả kiểm soát, cho đăng tải, chuyển thông tin đến cơ quan chức năng và phản hồi nếu có kết quả… Tất cả tạo ra một “chiếu nghỉ” sôi động 24/24 giờ, nơi mọi người có thể dừng lại, gửi một lời đề nghị. Từ thắc mắc về chiều cao tối thiểu ở tuyến đường 2/9, đăng bức ảnh đàn bò và cảnh đổ rác nhếch nhác ở một tổ dân phố kèm lời cạnh khóe “lời hứa của chính quyền đâu rồi?”, phản ánh cảnh mẹ con du khách phóng uế bên đường… cho đến chuyện mức thuế tăng cao, mất ví tiền, bất cập thu phí đỗ xe, mất nắp cống. Đôi khi bật cười bởi những “góp ý” lạ. Sau lời ta thán của Tú Ngọc, một sinh viên hay đi làm thêm về trễ khuya bị kẻ xấu chặn xe trên cầu Trần Thị Lý, một người có nick Cong Hung “hiến kế” cô gái nên vờ ngoan ngoãn giảm tốc độ xe rồi bất ngờ phóng xe, nhưng giữ sao cho… chệch khỏi đối phương để khỏi rách việc! Đôi khi thấy vui vui khi mọi người giúp đỡ nhau thật lòng. Nick Nguyễn Thế Tâm vừa chụp ảnh CMND nhặt được và cung cấp số điện thoại để khổ chủ liên hệ, chỉ vài giờ sau chính anh gõ bình luận thông báo: “Đã có người gọi đến sau 30 phút đăng tin”.
Trang mạng về đô thị nhưng hình như kiêm luôn chức năng của bộ phận một cửa. Sau khi Ely Huyền ở Thọ Quang (Sơn Trà) phản ánh tình trạng cơi nới lề đường ở đường Lê Đức Thọ, quản trị viên dẫn link thông báo của chính quyền quận xác nhận đúng là có quán cà phê lấn chiếm vỉa hè, kèm theo lời cảm ơn đã góp ý… Nếu đối chiếu kỹ, sẽ thấy một tỷ lệ không nhỏ những bản tin an ninh trật tự ở Đà Nẵng dẫn “nguồn” từ những mẩu tin ban đầu trên trang này. Và cũng từ đó, một lượng lớn những vụ việc nhanh chóng được cơ quan chức năng giải quyết.
Nhưng trên cái “chợ online” ồn ào này, đôi khi chùng xuống bởi những mẩu tin hay bức ảnh “xấu xí”. Một ngày nọ, có người lạnh lùng mang thùng sơn ra tạt lên ô tô đang đậu ngoài lề đường trước nhà mình. Ngày kia, có người dựng “chướng ngại vật” với ý định ngăn không cho đậu xe, gây tai nạn cho một cô gái điều khiển ô tô ngang qua…
Góc khuất
Đâu phải chỉ Đà Nẵng mới lập các trang quản lý đô thị kiểu như thế (và cũng không chỉ có mỗi trang ấy), nhưng ít nhất đây là diễn đàn sôi động bậc nhất. Và xem ra mọi góc phố ở Đà Nẵng đang bị “giám sát” quyết liệt, nếu theo dõi các tài khoản mạng xã hội khác. Người dân sống ở phố hay khách ngang qua sẽ phải dè dặt hơn và tự điều chỉnh mình trước các “camera sống”. Nhưng vẫn còn nhiều góc khuất đang che giấu ở mỗi kiệt hẻm, và không phải ấm ức nào cũng phô diễn trên mạng ảo.
Tết vừa rồi, nhóm bạn cấp 3 ghé thăm nhà vợ chồng bạn học cũ ở một kiệt trên đường Thi Sách, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu. Chuyện vãn, chỉ còn tôi nán lại, lúc này mới nhìn kỹ mảng tường gần đó được xây bịt khá thô, cho thấy chỗ này nguyên là cửa sổ… Đây là nguyên do khiến các gia đình thưa kiện suốt nhiều năm. Có nhà xây trước, xem không gian chung phía sau như lối thoát hiểm. Rắc rối xảy ra khi hàng xóm dọn đến sau đã gom luôn khoảng không gian chung vào sổ đỏ nhà mình, và cho xây bít lại. Vậy là xảy ra nhiều phen phản ứng, dù các gia đình này đều là dân “ngụ cư”, quê gốc Quảng Nam.
Mảng tường nhỏ xây nham nhở ở cuối nhà đã ngăn một cách cơ học không gian hai nhà. Xa hơn, chính sự bất đồng đã tạo hố sâu ngăn cách và làm nên sự im lặng đáng sợ. Mảng tường vẫn nằm im đó, càng khiến tình thân giữa những người hàng xóm chưa biết đến bao giờ liền sẹo…
Đối thoại
Những vết sẹo luôn dễ tạo ra ở những đô thị đông dân. Đà Nẵng sầm uất và tiếp tục trở thành nơi chốn định cư mới của di dân tứ xứ, nên cũng không là ngoại lệ. Sự thay đổi đặc biệt của Đà thành có thể hình dung qua dáng vóc to lớn gấp 4 lần so với năm 1997 (thời điểm Quảng Nam, Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính). Còn đường phố thì… chi chít: từ 360 đường phố cũ và nhỏ, nay vọt lên còn số hơn 2.000 con đường hiện đại. Những số liệu này được một đồng nghiệp vừa liệt kê trong bài viết vừa ấm áp vừa hy vọng về Đà Nẵng. Đồng nghiệp này cũng là một “di dân”, đến từ Hiệp Đức, Quảng Nam.
Trong khi cư dân mạng hằng ngày hằng giờ chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe, thì phía chính quyền địa phương cũng đang muốn định vị lại thương hiệu “thành phố đáng sống”. Trong dự thảo bộ tiêu chí đang lấy ý kiến rộng rãi, có đến 6 nhóm vấn đề bao quát từ môi trường sống, môi trường kinh tế - văn hóa, câu chuyện quản lý, cơ sở hạ tầng… Thật thú vị khi 28 thang đo cụ thể có đặt ra thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân. Đúng rồi, cư dân ở phố phải biết đối thoại. Không chỉ đối thoại trên mạng ảo, họ phải được đối thoại trực diện với chính quyền. Nếu không, không gian sống sẽ “tĩnh lặng” biết chừng nào!
Chuyện ở Đà Nẵng có thể xem là chuyện chung cho mọi con hẻm, tuyến phố khác hay không? Bởi ở đâu mà chẳng có nhu cầu làm đẹp không gian sống và kích hoạt tình người trỗi dậy?
HỨA XUYÊN HUỲNH