Nhiều nước Đông Nam Á đón tết cổ truyền
Những ngày này, các hoạt động đón tết cổ truyền diễn ra sôi nổi tại nhiều nước trong khu vực.
Các cô gái Lào tham gia lễ diễu hành nhân dịp tết cổ truyền Bun Pi May.ảnh: pinterest |
Chính phủ Thái Lan năm nay quyết định kéo dài ngày lễ tết cổ truyền dân tộc lên 5 ngày, kể từ ngày ngày 12.4 thay vì chỉ 3 đến 4 ngày như trước đây. Người dân Thái Lan đón năm mới, còn gọi lễ hội Songkran hay lễ hội té nước với nhiều cuộc diễu hành khắp các đường phố trong trang phục màu sắc sặc sỡ. Đây cũng là dịp người dân Thái tỏ lòng thành kính với đức Phật, người cao tuổi, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Dịp tết Songkran, mọi người té nước lên nhau như thay lời chúc phúc gặp nhiều may mắn trong năm.
Khách du lịch đến với Songkran không chỉ được trải nghiệm không khí tưng bừng trong lễ mừng năm mới mà còn có thể thưởng thức văn hóa ẩm thực Thái với nhiều món ăn cổ truyền không thể thiếu trong dịp này, như tom yam (canh chua), kang phed, kang hangle (súp cay), kai yang (gà nướng)… Cơ quan du lịch Thái Lan ước tính chỉ trong 5 ngày lễ hội, khoảng 530 nghìn khách du lịch khắp nơi đổ về xứ sở chùa Vàng, đem lại nguồn doanh thu 19,8 tỷ baht cho nền kinh tế Thái, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi tiêu nội địa tăng lên 10,44 tỷ baht.
Tết cổ truyền hay lễ hội Bun Pi May năm nay, Lào cũng kéo dài thêm hai ngày để kích thích chi tiêu nội địa và thu hút khách du lịch. Văn phòng Thủ tướng Lào kêu gọi người dân của xứ sở hoa chăm pa đón năm mới phong phú các hoạt động nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc, phong tục tập quán truyền thống của tết Lào. Người Lào không chỉ dọp dẹp nhà cửa để xua đuổi tà ma, họ còn cho các loại nước thơm vào bình, lọ để tắm cho Phật, cho các nhà sư để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Người ta té nước hay đeo chỉ cổ tay cho nhau thay cho lời chúc năm mới tốt lành, bình an và gặp nhiều may mắn. Luang Prabang và Vang Vieng - 2 thành phố du lịch nổi tiếng với rất nhiều ngôi chùa rộng lớn luôn là nơi thu hút khá đông khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến Lào trong lễ Bun Pi May.
Những ngày này, hoa padauk - loài hoa thơm mọc thành chùm nhỏ màu vàng hay còn được xem là quốc hoa của Myanmar nở rực khắp mọi nơi báo hiệu năm mới sang, làm say lòng du khách. Người dân tại Myanmar đón mừng năm mới - lễ hội lớn nhất trong năm tại đất nước với hơn 90% dân số là Phật tử từ ngày 13 - 16.4. Người Myanmar trên khắp mọi miền đất nước tổ chức lễ hội cũng bằng cách tạt nước lên người khác, để rửa sạch những dơ bẩn và chào đón năm mới trong tinh khiết. Thanh niên Myanmar bày tỏ lòng kính trọng với các thế hệ trước bằng cách biếu nước uống, gội đầu và cắt móng tay cho người lớn tuổi. Vào dịp này, người Myanmar quyên góp thức ăn ở nhiều nơi, đặc biệt là phát thức ăn miễn phí cho những người tham gia lễ hội năm mới.
Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer, cũng là tết của Campuchia. Sau một năm dài vất vả, ngày Chol Chnam Thmay là một dịp để người Khmer có thể tụ họp gia đình, cùng nhau đi viếng chùa và cầu mong bình an trong suốt một năm. Trong suốt 3 ngày - kể từ ngày 13.4, cả đất nước Campuchia như ngập tràn trong ánh sáng đèn hoa rực rỡ trong khi ngươi dân cùng du khách cùng hòa vào lễ hội té nước, bôi bột màu, thưởng thức những vũ điệu aspara huyền bí có từ lâu đời - linh hồn của đất nước chùa Tháp xinh đẹp. Cà ri và rượu thốt nốt là món ăn không thể thiếu trong dịp này.
NAM VIỆT