Trung Phường, chập chờn giấc mơ... tỷ phú
Trưa đứng nắng. Gió từ biển vào thêm hanh khô. Bãi cát vắng ngắt. Tôi ra đứng sát mép nước, phóng cái nhìn về hướng nam, chỗ đó có vườn dừa Thái Lan đã bỏ hoang. Nằm ở cuối làng, nhà bà Trịnh Thị Là như tấm lưới mục, dúm dó, nhìn mà lạnh lưng khi bao mùa gió, mưa sa, cát và gió phủ lên đó, mái tôn mục, tấm lợp fibrociment, cả chủ nhân nữa, đứng mà như ngồi, còng xuống...
Bà Là và vườn, nhà vừa bán được 2,7 tỷ đồng. |
1. Bà Là đang xắt bầu nấu canh ăn trưa. Cạnh đó hai đống lưới nằm chơ vơ. “Thằng con đi biển, bữa ni nghỉ, hắn đi cà phê mô đó”. “Bác ở đây lâu chưa?”. Lục lọi trí nhớ đã già nua một hồi, bà thốt: “Ui, từ năm một nghìn chín trăm... lâu hoắc, tau không nhớ được. Thì con coi, hồi nớ nhà bác giữa làng, lở miết, chừ thành đầu làng, mà không biết hắn lở nữa không?”. Ai mà biết, khi mọi kinh nghiệm từ dân gian đến hiện đại đều thúc thủ trước con tạo xoay vần. Sau vườn bà tỉa đậu phụng, có ai đó đang nhổ giùm. Đây là mùa đậu cuối cùng của bà ở vườn cũ. “Nghe nói bác bán đất?”. “Ừ bán rồi, được 2,7 tỷ đồng”. “Bao nhiêu mét vuông?”. “1.700”. “Rồi bác ở mô?”. “Mua lại trên kia?”. “Bao nhiêu mét vuông, hết bao nhiêu tiền?”. “250 - 300 triệu đồng chi đó, 6m2”. “Răng là 6m2?”. Bà ngẩng lên. “Không, bác lộn rồi”. Tôi giải thích hồi lâu. Bà không gật, chỉ nói: “Mua làm cái nhà cho con trai ở, tiền còn lại đứa cháu gửi ngân hàng giúp”. “Hồi mô tới chừ, bác có tiền nhiều như rứa chưa?”. “Thôi mi, lấy mô ra, đi biển, sống qua ngày tới chừ là phước ông bà rồi”. Bà chỉ qua đường, căn nhà tôn lụp xụp, phơi mình trên cát xám: “Nhà thằng L. đó, họ trả 3 tỷ đồng mà hắn chưa bán”. “Ai mua?”. “Bác nghe nói ở Hà Nội, nghe rứa...”. Có hai vị khách tây đi xe máy xuống ngó biển. Cát lạo xạo dưới chân tôi, trong tiếng xe gầm rú lướt qua những cái nhìn xét đoán, tôi như thấy những tiếng rạn nhẹ trong đất.
Làng Trung Phường (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) đang xôn xao thông tin đất lên giá phần phật. Tôi về, nghe một cán bộ xã nói, tăng nhanh lắm, nhất là sau tết, toàn những lời đồn miếng đất ni 2 tỷ, miếng tê 6 tỷ, 8 tỷ... Có và không. Không là chỉ nghe, nhưng có là thiệt, như bà Là; như ông Minh nghe đâu đất 1.600m2, bán được 2,8 tỷ đồng. Tôi quẹo từ UBND xã Duy Hải, rẽ phải nhắm ra hướng biển, anh chủ tạp hóa đầu đường nói, tùm lum dưới đó, sau tết nghe nói trúng nhiều. Không chi nhanh bằng ở quê, túm tụm lại, hễ có tin chi, là đồn nhanh hơn gió. “Dưới tê, dưới tê, chạy xuống là em gặp. Ủa mà em đi mua đất hả?”. Tôi phì cười, không biết sao nhớ thơ Hoàng Lộc dân Hội An, chắc là lên Duy Xuyên tán gái không được, bèn cảm khái u uất: “Ta chiến quốc xanh rêu hồn thất thổ. Em hẹp hòi chi chút đất Duy Xuyên”. Vườn nhà ông già tôi cách đó một xã, cũng rộng mênh mông, nhưng chắc đời tôi không quay về đó được, đến chết cũng dật dờ thị thành, nhưng liệu cuối đời quay về, có còn chút đất dung thân không, vì bữa rồi về làng, cũng nghe tụi em nói đất ở mình đang lên...
2. Tôi rà xe lại cạnh một người đàn ông: “Anh cho hỏi...”. Ông ngẩng lên. Hóa ra người quen. Anh tên Bé. Chị ruột anh làm dâu xóm tôi, nhà sát vườn ông già tôi. Hơn 30 năm trước, đi biển khổ lắm, anh hay lên xóm tôi làm thêm, ai kêu chi làm nấy. Đẩy ly nước về phía tôi, anh nói: “Tùm lum lắm, kẻ nói ni người nói tê. Tau cũng có 700m2, nhưng ba thằng con trai không cho bán. Trước tết tới chừ, nhưng nhất là sau tết, xe con không biết ở đâu đổ về hỏi mua. Ai mà ngờ được”. Bên kia đối diện nhà anh, là đất của ông Lê Sanh, 5 năm trước, ông bán 300m2 được 40 triệu, nay chủ mới ra giá 1,5 tỷ... “Tau thấy ai cũng bàn tán, nhưng không phải ai cũng bán được. “Cò” ngoài xã, trong làng lượn qua vòng về, hét lên là chính, từ 5 -7 triệu/m2”. “Ở sát biển giá cao hơn chứ?”. “Ừ”. Tôi hỏi là tính từ đất bà Là mà ra. Lúc nãy chỗ nhà bà Là, tôi hỏi một bà hàng xóm, là đất bà bán bao nhiêu, tức thì bà nói... chắc cú: 6 triệu/m2! Mà coi bộ kiểu này sẽ lên nữa. “Tau nghe nói có miếng 1.500m2 giá 8,5 tỷ”. Choáng! “Hay là anh bán đi?”, tôi dò. Anh trừng mắt: “Chưa mô, mà con tau không chịu, biết đâu lên nữa thì răng. Ở phía dưới ni chút, có ông nớ 250m2, định bán 600 triệu, chưa ai hỏi”.
Nằm ở sát biển, trong vùng dự án, nên đất ở đây đang tăng nhiệt.Ảnh: TRUNG VIỆT |
Bên này đường, đất rẻ hơn, vì bên kia đường là chạy ra hướng biển. Dự án du lịch sẽ nằm phía biển. Vùng này tôi rành, bởi nhiều lần mò về uống rượu, bạn bè hồi đi học ở đây cũng vài thằng. Tứ tán hết rồi, đứa còn ở thì chuyển về chỗ khác, bởi cái đói bu bám. Ngó đâu cũng cát. Mênh mông. Năm đó, tỉnh cho trồng dừa Thái Lan. Tôi cùng anh bạn phụ trách kỹ thuật cho dự án này hình dung khu du lịch sinh thái trong tương lai sẽ xuất hiện ở đây. Vì nhiều lý do, dừa bị bỏ xơ xác mặc cho gió và nước mặn hoành hành. Đất kéo dài từ đây, chạy sát biển, vòng qua ngõ An Lương, nhưng tâm điểm dự án là bên này. Từ đây, ngó qua chỗ trạm kiểm soát Cửa Đại, gần xịt, ngói đỏ nhà cao phía Hội An sừng sững.
Vẫn nắng rát mặt. Ông Nguyễn Văn Nhân, Thôn trưởng Trung Phường, vừa bình thản vừa ngập ngừng khi luận về cơn sốt đất ở chỗ mình ở. Dân ở đây, vốn là dân tái định cư từ phía ngoài vô. “Bà con vô năm 1988, đến 1994 mới làm sổ đỏ. Hồi đó đất mênh mông, ai thèm để ý đâu, mỗi nhà bề ngang được 20m, bề dài thì miết miết, ai ưng lấy mấy thì lấy”. Bây giờ thì trúng mánh... dật dờ. Đó là nói chơi, chứ cái gì cũng có căn do. Đất này là nằm trong khu quy hoạch du lịch, bây giờ là thuộc dự án của Công ty Địa Ốc Xanh. “Có, giá leo thang, một số người đã bán, nhưng còn lại là nghe đồn từ “cò”. Nhiều cò muốn mua, mai mốt ở đây giải tỏa, sẽ đền bù, vô tái định cư sẽ có đổi đất, đó là mua những miếng diện tích nhỏ, còn diện tích lớn, thì phải đại gia mới đủ sức mua, nghe đâu Hà Nội vô, thì cũng nghe nói chứ chưa nghe ai bán được tiền lớn”. Bà vợ ông e hèm, có chứ, rồi bà liệt kê ra. Ông Nhân gật theo, nhưng rồi cũng gút lại, rằng cao thấp loạn xạ, nghe nói là chính.
3. Cơn sốt này sẽ tiếp diễn ra sao, không biết, nhưng vùng Bình Hải, Bình Minh (huyện Thăng Bình), nghe đâu Vinpearl sắp tới sẽ khánh thành khu nghỉ dưỡng, thì vùng này vốn cận kề, sẽ... nóng, rõ ràng cát hóa vàng sau một đêm ngủ. Đất Duy Nghĩa cũng lên, chỗ khu Hồng Triều đếm tiền nóng cháy tay. Bữa ở Đà Nẵng, anh bạn tôi hỏi có quen ai ở Duy Nghĩa không, về tìm một miếng để đó. Cơn sốt không cần uống thuốc, vắt khăn trên trán, sốt không lo, mà cứ phập phồng trông, ai có đất định bán cũng đứng lại ngồi. Tôi nhớ Hòa Xuân (Đà Nẵng), rồi Phú Quốc, đất lên như diều, mà các chuyên gia thị trường đều nói, trăm sự do mấy ông cò đất mà ra. Ở đây không nhiều, không dữ dằn như nơi khác, đất chừng đó, bán được vài tỷ, mừng chết cha, chứ có buôn bán chi, còn ai găm đất, gom đất chờ thời, họ không cần biết. “Đất của bà con, họ bán để đổi đời, là may cho họ” - Chủ tịch xã Duy Hải, ông Nguyễn Văn Thống nói - “Nơi đó sau này sẽ là sân golf, casino, khách sạn cao cấp, nên đất lên cao thôi. Điều tôi lo là chuyện khác, đó là bây giờ đã có gần 400 hộ tái định cư, đồng nghĩa với mất đất, rồi họ sẽ sống ra sao, nghề nghiệp thế nào? Chỗ đất sốt Trung Phường, vẫn chưa đền bù bởi chưa tiến hành di dời. Bài toán đất rồi đây sẽ rất phức tạp. Chưa kể, hiện giờ có khoảng 3.000 công nhân nơi khác đến làm việc, tương lai sẽ lên nữa... Tất cả cộng hưởng lại, sẽ dẫn đến những mối lo về xã hội”.
Loáng thoáng trong đầu cái câu: Đất lên, tình người xuống. Sẽ chẳng cần liệt kê những câu chuyện buồn do đổi đời từ đất. Dân ở đây làm biển. Bài toán cho việc tiếp tục ra khơi, bến bãi neo đậu, tiếp tục phát huy thế mạnh thủy hải sản, nói thì hay lắm, nhưng đâu có dễ, khi đất không còn nữa. Những người già như bà Là, tuổi gần đất xa trời, chuyện đi biển xa rồi, còn con cháu bà, rồi bao điều nữa... Phải thừa nhận, là đồng tiền bán đất ngỡ như mơ, họ có quyền mơ, có quyền định đoạt, thì cứ tin họ sẽ đổi đời nhờ đất. Nhưng đổi là đổi ra sao, xe cộ, nhà cửa, mới hết, rồi còn chi nữa? Đến bây giờ, tái định cư đi liền với an sinh bền vững, là chuyện... trong mơ, không riêng gì Quảng Nam, mà là cả nước. Anh Bé nói: “Thôi cứ ăn... nóng, chứ sau ni biết ra răng”.
Phóng sự của TRUNG VIỆT