Tranh chấp đất rừng dai dẳng ở Thăng Phước
Cho rằng chính quyền xã Thăng Phước (Hiệp Đức) đã không thực hiện đúng lời hứa cấp đổi diện tích đất cho mình từ hơn 10 năm trước nên ông Nguyễn Vinh liên tục có đơn khiếu nại để đòi quyền lợi.
Ông Nguyễn Vinh với xấp đơn khiếu nại từ năm 2007 đến nay.Ảnh: TRẦN HỮU |
Hơn 10 năm đi đòi đất
Ông Nguyễn Vinh (SN 1972, trú thôn Phú Mỹ, xã Thăng Phước) trình bày: năm 2002, gia đình ông có khai hoang vỡ hóa tại đèo Hầm (thuộc thôn Phú Mỹ) với diện tích 4ha để trồng hoa màu, sắn ổn định. Đến giữa năm 2003, UBND xã Thăng Phước lấy số diện tích đất gia đình đã trồng sắn cấp cho gia đình ông Nguyễn Thành Xuân (thôn Nhị Phú, xã Thăng Phước). Vì vậy, ông đã nhiều lần làm đơn khiếu nại cấp có thẩm quyền. Ngày 27.11.2007, UBND xã tổ chức họp để giải quyết khiếu nại đất đai. “Qua cuộc họp có đông đủ các ban ngành của xã, tôi đã đồng ý nhận phần đất tại khu vực hố Bứa (thôn An Mỹ, xã Thăng Phước) đã được cán bộ xã đo với diện tích 8,2ha. Thế nhưng từ sau ngày 27.11.2007 đến nay, UBND xã không cấp đổi diện tích đất mà tôi đã thống nhất. Tôi tiếp tục có đơn gửi UBND xã Thăng Phước, UBND huyện Hiệp Đức nhưng giải quyết không thỏa đáng, làm thiệt thòi quyền lợi cho gia đình” - ông Vinh trình bày. Theo ông Vinh, từ năm 2002, gia đình đã khai hoang đất, có đăng ký nhu cầu sử dụng đất trồng cây lâu năm từ đèo Hầm giáp với Vũng Lắm với diện tích 4ha.
Tại Biên bản cuộc họp giải quyết đất đai với trường hợp ông Vinh, ngày 27.11.2007, do Chủ tịch UBND xã Thăng Phước Thiều Quang Bốn làm chủ tịch thời điểm đó, kết luận: ông Vinh xin đất tại hố Bứa thì UBND xã, hội đồng cấp xét đất địa phương đồng ý và tiến hành lập thủ tục giao đất. Còn ông Vinh muốn đất gần để dễ quản lý và canh tác thì cho ông nhận đất trong dự án KFW6 đoạn gần đèo cây Gạo để sản xuất… Qua ý kiến giải quyết của lãnh đạo chính quyền địa phương, ông Nguyễn Vinh thống nhất nhận phần đất tại hố Bứa (diện tích qua đo đạc 8,2ha); và ông Nguyễn Thành Xuân trả lại đầy đủ số tiền công phát đất cho ông Vinh.
Trong một diễn biến khác, thời gian qua, gia đình ông Vinh có khai hoang thêm đất để trồng rừng tại thôn An Mỹ, bị UBND huyện Hiệp Đức xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng. Tại khu vực này, có rất nhiều trường hợp lấn chiếm đất trồng rừng tương tự như hộ ông Vinh, bị xử phạt hành chính. Qua thu thập tài liệu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy, lịch sử quá trình sử dụng đất của hộ ông Vinh có phần diện tích rõ ràng về nguồn gốc và có cả diện tích khai hoang, lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, theo gia đình ông Vinh, chỉ cần UBND xã thực hiện đúng lời hứa, cấp đổi đất cho gia đình ông tại hố Bứa như trong biên bản cuộc họp năm 2007, thì toàn bộ đất lấn chiếm trồng rừng ông sẵn sàng giao lại cho Nhà nước quản lý. “Sự bất công ở chỗ, trong khi nhiều người không phải là dân địa phương, ở các TP.Đà Nẵng, Tam Kỳ, thị trấn Tân An (Hiệp Đức) mới lên khai hoang, lấn chiếm trái phép thì đã được chính quyền xã tham mưu lập hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi người dân địa phương thì bị làm khó” - ông Vinh nói.
Trả lời của chính quyền
Theo Phòng TN&MT huyện Hiệp Đức, khiếu kiện của ông Nguyễn Vinh kéo dài từ năm 2007 đến nay là quá lâu, ông Vinh không thống nhất với cách giải quyết của UBND xã và Phòng TN&MT huyện. Ngày 15.11.2017, ông Nguyễn Vinh tiếp tục kiến nghị UBND huyện giao 3ha đất tại khu vực hố Bứa – thôn Phú Mỹ. Tuy vậy, trong Công văn ngày 2.3.2018, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức Nguyễn Như Công trả lời, không giải quyết đề nghị giao thêm 3ha đất rừng phòng hộ. Lý do ông Nguyễn Vinh vi phạm, lấn chiếm đất trái phép tại khoảnh 3, tiểu khu 515, thuộc khu vực hố Bứa (thôn Phú Mỹ), đã được UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời văn bản cũng cho rằng, ông Vinh được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích hơn 4,1ha. “Xét điều kiện thực tế của ông Nguyễn Vinh, UBND xã Thăng Phước sẽ xem xét đề nghị giao tiếp cho ông 39.000m2, ông tự khai hoang vào năm 2008 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khoảnh 3, tiểu khu 515 khu vực hố Bứa theo đúng Nghị quyết số 23 ngày 29.9.2017 của HĐND xã Thăng Phước và Phương án giao đất lâm nghiệp ngày 22.8.2017 của UBND xã Thăng Phước và các quy định pháp luật về đất đai” - nội dung công văn nêu. Ông Vinh khẳng định, diện tích 3,9ha mà xã nói xem xét giao tiếp không nằm trong phạm vi diện tích 8,2ha đất mà ông đang khiếu nại; mặt khác nằm ở địa hình xa xôi, nên gia đình tiếp tục đòi lại quyền lợi chính đáng.
Về xử lý các hành vi lấn chiếm, khai hoang đất trái phép, Chủ tịch UBND xã Thăng Phước Lê Văn Hùng cho rằng, có 6 trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đến trả lại đất cho xã bằng cam kết cụ thể và chấp nhận nộp phạt tiền hành chính. Sau đó họ làm đơn kiến nghị có nhu cầu sử dụng đất, hội đồng tư vấn đất của xã sẽ xem xét, quyết định, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền cấp đất cho họ theo nghị quyết của HĐND xã. Theo báo cáo của UBND xã, thời gian qua, trên địa bàn có 53 trường hợp với 49 hộ lấn chiếm, khai hoang hơn 133ha đất lâm nghiệp trái phép bị xử lý hành chính. Tuy vậy, thực tế con số diện tích lấn chiếm đất rừng để trồng rừng cao hơn rất nhiều so với số liệu thống kê của chính quyền xã. Như vậy, để giải quyết căn cơ khiếu nại, tranh chấp đất lâm nghiệp dai dẳng ở Thăng Phước, chính quyền huyện Hiệp Đức cần chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương rà soát, tiếp cận hiện trường thực tế và làm rõ sự buông lỏng quản lý nhà nước về lĩnh vực đất lâm nghiệp của UBND xã Thăng Phước.
TRẦN HỮU