Không gian chung cho khởi nghiệp

CHÂU NỮ 09/04/2018 13:51

Không gian khởi nghiệp - không gian làm việc chung, do Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam tại Hội An thành lập cách đây 2 tháng, là mô hình đầu tiên ở Quảng Nam với cách làm rất mới mẻ và khác lạ, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp - sáng tạo (startup) phát triển...

Ông Phan Xuân Thanh (phải) trò chuyện về khởi nghiệp tại không gian khởi nghiệp Hội An. Ảnh: C.N
Ông Phan Xuân Thanh (phải) trò chuyện về khởi nghiệp tại không gian khởi nghiệp Hội An. Ảnh: C.N

Chia sẻ...

Với một số tỉnh, thành phố khác, không gian làm việc chung có thể không mới  nhưng với Quảng Nam đây là mô hình đầu tiên. Và đặc biệt, nếu như các địa phương khác đầu tư mô hình này theo hình thức phối hợp công - tư thì không gian làm việc chung ở Hội An do tư nhân đầu tư; tỉnh hỗ trợ theo đề án hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025. Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Quảng Nam, trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNST, không gian làm việc chung có ý nghĩa rất quan trọng. Ở đó không đơn thuần là chỗ ngồi, mà trước hết là nơi gặp gỡ, “xe duyên” khởi nghiệp,  là sân chơi và là trung tâm giao lưu, kết nối; là nơi đào tạo, ươm mầm và về lâu dài là “sàn gọi vốn”, “sàn giao dịch công nghệ”... cho mọi người, nhất là các bạn trẻ đam mê startup. Xu thế chung, không gian làm việc chung sẽ là nơi hỗ trợ, chắp cánh để startup cất cánh.

Người sáng lập không gian khởi nghiệp này là ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH EMIC Hospitaly, thành viên Tổ công tác hỗ trợ hoạt động KNST tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ KNST Quảng Nam tại Hội An. Không gian khởi nghiệp này cũng là quán Sharing Coffee - Cà phê Chia sẻ, tại sân vườn homestay Hương Vườn của ông Thanh (số 101 đường Cửa Đại, Hội An). Khi xây dựng mô hình này, ông Thanh chú trọng đến chiều sâu, tính cộng đồng, và sự sẻ chia trong phong trào KNST. Ở đây có phòng để thảo luận nhóm, có sách (chủ yếu là sách khởi nghiệp) và có chỗ dành cho đọc sách; có quán cà phê tự pha chế, tự phục vụ và tự trả tiền bao nhiêu tùy thích trên tinh thần chia sẻ. Ông Thanh cho biết, mô hình khởi nghiệp mang tính chia sẻ, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. “Sharing Coffee là nơi giao lưu, kết nối những người đam mê khởi nghiệp, đam mê sáng tạo, nhất là những người trẻ. Homestay Hương Vườn thu hút nhiều khách nước ngoài sinh sống, làm việc, lưu trú ở Hội An nên các bạn trẻ đến đây cũng có nhiều cơ hội tiếp cận, giao lưu với du khách. Hơn nữa, đây cũng chính là nơi để các doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học sau những thành bại trong quá trình khởi nghiệp với bạn trẻ” - ông Thanh cho biết.

Anh Lê Thanh Bạch (nhân viên của Công ty EMIC Hospitaly) là người thường xuyên dành thời gian rảnh để làm thiện nguyện ở Sharing Coffee, từ việc hướng dẫn khách hàng tự pha chế nước uống, trò chuyện với khách đến chăm sóc không gian, môi trường ở Sharing Coffee. Anh Bạch cho biết mình làm việc này để khách hàng hiểu tinh thần sẻ chia của không gian khởi nghiệp. “Khởi nghiệp sẽ trở thành phong trào, sẽ hình thành nên một cộng đồng vững mạnh, tương hỗ lẫn nhau nếu mỗi người dự phần vào cuộc chơi này đều biết sẻ chia”- anh Bạch nói.

Tạo động lực

Ông Phạm Ngọc Sinh cho rằng, việc thành lập không gian làm việc chung Hội An là điểm nhấn, là tín hiệu vui sau một năm khởi động khởi nghiệp, tạo động lực và cú hích để hoàn thành mục tiêu hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam đến 2025 mà tỉnh đặt ra. Mô hình này không chỉ là nơi tổ chức kết nối các nhóm khởi nghiệp, tạo liên kết để cùng lớn mạnh bằng các hình thức như hội thảo, thuyết trình, khóa đào tạo... nhằm giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức và kỹ năng để khởi nghiệp mà còn có thể trở thành điểm dừng chân của các “nhà đầu tư thiên thần” khi tìm kiếm các startup tiềm năng để tiến hành đầu tư. “Đây là không gian làm việc chung sáng tạo, một không gian mở, kết nối thiên nhiên và đậm nét văn hóa Hội An. Điều đó gợi mở cho quá trình xây dựng không gian làm việc chung là tránh khuôn mẫu, phải phù hợp với thế mạnh của địa phương. Dù mới thành lập, song mô hình và hướng đi là đúng, không ồn ào, hình thức; chậm mà chắc” - ông Phạm Ngọc Sinh nói thêm.

Ông Phan Xuân Thanh được đánh giá là người đam mê, giàu nhiệt huyết với phong trào KNST của tỉnh. Ông chia sẻ: “Bạn hãy cho đi, tức là bạn nhận được nhiều nhất, bạn hãy khởi nghiệp một cách tử tế, đam mê và quyết tâm, thì không sợ thất bại”. Nhiều bạn trẻ đến không gian làm việc chung để tìm hiểu về khởi nghiệp, và điều họ băn khoăn nhất là vốn, đã được ông Thanh khuyên, vốn trong khởi nghiệp là điều cần thiết nhưng điều quan trọng là người trẻ khởi nghiệp cần có quyết tâm, có đam mê, chứng minh được tính khả thi của mô hình, thì nhất định nhận được sự hỗ trợ về vốn. Hiện nguồn quỹ của Câu lạc bộ KNST Hội An đã được 40 triệu đồng. Ông Thanh mong muốn tìm được mô hình KNST khả thi của bạn trẻ để chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí là chia sẻ khách hàng, tiếp lửa và hỗ trợ một phần vật chất để khơi nguồn sáng tạo... Ông Phan Xuân Thanh cho biết, nếu mô hình không gian làm việc chung này thành công, ông sẽ tiếp tục đầu tư thêm một vài địa điểm nữa ở Hội An để phong trào KNST tiếp tục lan tỏa trên tinh thần chia sẻ.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ