Ngày Sức khỏe thế giới 2018: Bảo hiểm y tế toàn dân

QUỐC HƯNG 08/04/2018 14:12

(QNO) - Chăm sóc y tế là nhu cầu thiết yếu mà không phải người nào cũng có thể tiếp cận được. Bảo hiểm toàn dân là thông điệp mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi đi nhân ngày Sức khỏe thế giới năm nay (7.4). 

Tổng giám đốc WHO Tedros nói bảo hiểm y tế toàn dân là chìa khóa cho sức khỏe và phúc lợi của con người và của các quốc gia.
Tổng Giám đốc WHO Tedros nói bảo hiểm y tế toàn dân là chìa khóa cho sức khỏe, phúc lợi của con người và của các quốc gia. Ảnh: Rwanda

WHO cho biết ít nhất một nửa dân số thế giới trong tổng số 7,5 tỷ người hiện nay không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cơ bản. Việc phải tự trả tiền cho các dịch vụ y tế khiến 100 triệu người hiện bị đẩy vào cảnh đói nghèo, tức sống dưới mức 1,9 USD hoặc ít hơn một ngày (theo xác định của Liên hiệp quốc). Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, bảo hiểm y tế toàn dân nhằm đảm bảo cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào mà không bị cản trở bởi khó khăn về tài chính. 

Hiến chương của WHO năm 1946 ghi nhận, bảo vệ sức khỏe là quyền cơ bản của mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, điều kiện kinh tế hay xã hội. Vì vậy, nhà lãnh đạo WHO kêu gọi tất cả các quốc gia đồng thời hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững được Liên hiệp quốc thông qua. Không để ai bị đau và mất đi chỉ vì họ nghèo và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế mà họ cần đến. Mỗi một quốc gia có cách làm riêng nhưng tất cả phải đẩy mạnh hệ thống y tế theo hướng gần dân và phục vụ người dân, cần tới chung tay của toàn xã hội.

Một bệnh viện tại Rwanda- quốc gia được đánh giá thành công trong mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Ảnh: Reuters
Một bệnh viện tại Rwanda - quốc gia được đánh giá thành công trong mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân tại châu Phi. Ảnh: Reuters

Ngày Sức khỏe thế giới năm nay đồng thời đánh dấu 70 năm thành lập của WHO. Suốt 70 năm qua, WHO đã có những nỗ lực tiên phong nhằm loại bỏ các căn bệnh chết người như đậu mùa, chống lại các thói quen nguy hại đến sức khỏe như sử dụng thuốc lá. Với sự hỗ trợ tích cực của WHO, nhiều nước đã thành công trong việc loại trừ bệnh sởi, sốt rét và các bệnh nhiệt đới cũng như truyền HIV từ mẹ sang con và giang mai. Ông Tedros nói, khi mọi người khỏe mạnh, họ có thể học tâp, làm việc, hỗ trợ bản thân và gia đình của họ. Khi họ bị bệnh, không có gì khác quan trọng hơn sức khỏe, gia đình và cộng đồng trở nên tụt hậu. 

Đến nay, một số quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân như Mexico, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, mô hình chăm sóc sức khỏe toàn dân ở Rwanda được đánh giá tiên tiến nhất châu Phi khi mà người dân Rwanda có thể khám chữa bệnh và được tiêm các loại vắc xin phòng bệnh gần như miễn phí.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG