Tháng ba mùa hoa sưa nở…
Những ngày này, các hàng sưa ở khu vực Vườn Cừa ven sông thuộc làng Hương Trà, phường Hòa Hương và trên những con phố Tam Kỳ ủ hoa, rồi bừng nở những chùm vàng óng ả, ngào ngạt hương thơm...
![]() |
Hoa sưa in bóng trên sông Tam Kỳ. |
Miên man với sưa vàng
Hoa sưa còn được gọi bằng một cái tên khác: cửu lý hương - loài hoa có hương thơm bay khắp chín làng thôn... Những người gắn bó nhiều năm với Tam Kỳ tin rằng, trời mưa để sưa ươm nụ rồi bung hoa. Vài hôm sau, hoa sưa lại nhuộm vàng mặt đất. Khi ấy, thế nào cũng có mưa để đưa những đài hoa đi... Tôi gắn bó với vùng đất Tam Kỳ 21 mùa vàng sưa. Cà phê Vườn Cừa là nơi hò hẹn tuổi thanh xuân, là cả một khoảng trời miên man sắc sưa vàng óng ánh, xao động dòng sông thương nhớ. Trong bài thơ “Ngõ sưa vàng” 20 năm trước tôi đã viết: “Tôi là người lữ khách qua đây/ Chợt thấy dòng sông rất quen rất lạ/ Mà tiếng em cười trong trẻo quá/ Cho lòng tôi xao động với sưa vàng…”. Để rồi những mùa vàng hoa sưa, đi trên con đường ven sông Tam Kỳ ngang qua đình làng Hương Trà, lại lắng đọng bao nhiêu ân tình của thành phố trẻ, nơi đất đã hóa tâm hồn.
Theo tài liệu tra cứu, hoa sưa (tên khoa học Dalbergia tonkinensis Prain) là một loài cây thân gỗ thuộc họ đậu. Hơn hai mươi năm trước, những cây sưa cổ thụ trên đường về làng Hương Trà xõa bóng ôm kín một khúc sông. Cuối thu, sưa rụng lá trơ cành dầm trong những cơn mưa mùa đông giá rét. Đầu xuân, những nụ mầm tách vỏ bung lên mạnh mẽ trong nắng sớm. Khi tàn lá ken dày xanh mướt là lúc hoa sưa ươm nụ, qua một đêm mưa lại bừng nở sắc vàng tươi trong ngày nắng ấm, trời xanh, mây trắng… Dù ít nhiều vơi đi, nhưng hàng sưa cổ thụ ở làng Hương Trà vẫn là chứng nhân thời gian và là “khoảng trời riêng” trong ký ức bao người.
![]() |
Người dân làng Hương Trà thích thú với ảnh nghệ thuật chụp sưa vàng quê hương. Ảnh: LAN NHI |
Mùa hoa sưa đang về. Có những vần thơ chứa chan nỗi niềm của những người Quảng xa quê, mà sưa vàng như là một hoài niệm nhắc nhớ khôn nguôi: “Hàng sưa vẫn đứng ven sông/ Nở vàng mặt nước nhớ mong người về/ Trên không mây trắng lượn lờ/ Thương người xa xứ bây giờ nơi đâu…” (Lành Lê). Và, mùa sưa vàng đã đi vào ca khúc lay động lòng người: “Tháng ba mùa hoa sưa nở/ Sắc vàng óng ánh bờ sông/ Tuổi thơ rong chơi câu hát/ Mang theo nỗi nhớ em về…” (Tam Kỳ thành phố tôi yêu - Nguyễn Huy Hùng).
Quảng bá “con đường hoa sưa”
Con đường qua làng Hương Trà - “con đường hoa sưa” thuộc phường Hòa Hương có từ khi nào cũng là thông tin thú vị với những người đến ngắm mùa vàng hoa sưa Tam Kỳ. Theo các bậc cao niên, hơn thế kỷ trước, đoạn đường có hàng sưa cổ thụ này chỉ là một lối mòn, bụi rậm um tùm và bị dòng sông Tam Kỳ cắt làm đôi, mỗi khi xuôi về bến đò Ba Bến người ta phải bơi qua sông vào những mùa nước lớn còn mùa nắng thường là lội nhưng không phải dễ. Cuối thế kỷ 20, một vị quan xuất thân từ làng Hương Trà đã bỏ tiền và huy động dân đắp đường, đóng cừ tre, nhưng cứ sạt lở vào mùa mưa lũ. Đến khi thành lập huyện Tam Kỳ, chính quyền địa phương mới có điều kiện huy động lực lượng để tu bổ, tìm cây cừa và sưa trồng ven sông để chống sạt lở và giữ móng chân đường. Cây sưa không chỉ trở thành nét đặc trưng của làng quê Hương Trà mà còn là lá chắn vững chãi cho con đường trước lở bồi dâu bể.
Anh Phan Thế Hiển - Phó Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh TP.Tam Kỳ, chia sẻ: “Con đường qua làng Hương Trà ven sông Tam Kỳ với những hàng cây cừa và hoa sưa đã đi vào thi ca, nhạc họa và ảnh nghệ thuật của văn nghệ sĩ trong cả nước. Anh em trong CLB Nhiếp ảnh TP Tam Kỳ có nhiều người tác nghiệp về mùa sưa bay ở làng Hương Trà và đã có dịp giới thiệu tác phẩm qua một triển lãm chủ đề “Mùa hoa sưa” rất có ý nghĩa trong chính không gian miên man sắc vàng sưa ở Vườn Cừa vào dịp 30.4 năm 2017. Qua triển lãm, anh em trong CLB không chỉ giới thiệu cái đẹp của hoa sưa mà còn muốn gửi gắm thông điệp bảo vệ “con đường hoa sưa” và cảnh quan môi trường sinh thái làng Hương Trà”.
Mùa hoa sưa bay năm nay, phường Hòa Hương sẽ phối hợp với Trung tâm VHTT Tam Kỳ, CLB Nhiếp ảnh Tam Kỳ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, phục vụ khách thập phương đến với “con đường hoa sưa” làng Hương Trà. Đó là các hoạt động: triển lãm ảnh nghệ thuật, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng quê hương Hòa Hương, giao lưu văn hóa văn nghệ… Ông Lê Hồng Tuyến - Chủ tịch UBND phường Hòa Hương, cho biết: “Trên địa bàn phường có nhiều di tích và danh thắng được nhiều người biết đến như đình làng Hương Trà, khu di tích “Mộ giày”, di tích Chi bộ Đồng, làng rèn Hồng Lư, vườn cừa và “con đường hoa sưa” trên trăm năm tuổi ở làng Hương Trà. Địa phương đã và đang tiếp tục quảng bá, giới thiệu với du khách gần xa “con đường hoa sưa” cùng một không gian sinh thái - văn hóa Hương Trà với di sản sưa vàng đặc sắc”. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, thông tin thêm: “Chúng tôi đã đưa Vườn Cừa và làng Hương Trà vào dự thảo Đề án phát triển du lịch Tam Kỳ giai đoạn mới 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Thành phố sẽ có dự án cụ thể ở khu vực Hương Trà và phường Hòa Hương, gắn với phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn và hình thành ở đây làng sinh thái phát triển du lịch cộng đồng”.
Tháng ba mùa hoa sưa nở. Đến với mùa hoa sưa Hòa Hương, du khách sẽ cảm nhận mùa sưa vàng miên man trong thơ Huỳnh Ngọc Chiến, người con quê hương Tam Kỳ, như là duyên nợ với sưa vàng chốn cũ, khi anh viết những câu thơ xao động dưới tán sưa vàng: “Nào biết lòng tôi đã yêu ai/ Lao xao nắng rụng phiến vai gầy/ Em theo con nước xuôi biền biệt/ Tôi ngồi buồn nhìn hoa sưa bay…”.
LÊ PHƯỚC LAN NHI