Phòng y tế cấp huyện: Bỏ thì thương, vương thì tội
Việc tồn tại song song cả Trung tâm Y tế và Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố lâu nay đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, để xác định có nên “quy về một mối” hay không thì vẫn còn rất nhiều chuyện cần phải giải quyết. Báo Quảng Nam đã có cuộc khảo sát xoay quanh những vấn đề này.
Với nguồn nhân lực bị hạn chế, việc thực hiện các chức năng được giao của phòng y tế huyện rất khó khăn. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành có đại diện của phòng y tế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thực phẩm. |
VAI TRÒ MỜ NHẠT
Nguồn nhân lực của các phòng y tế vừa thiếu vừa yếu, nên không thể đảm nhận hết các nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước. Nhiều nơi, phòng y tế tồn tại như một khâu trung gian.
Thiếu hụt nguồn nhân lực
Theo Nghị định 14/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thì phòng y tế có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, gồm: y tế cơ sở; y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người; mỹ phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; trang thiết bị y tế; dân số. Những nhiệm vụ này thật sự “quá sức” so với thực lực của các phòng y tế trong tỉnh. Ông Ngô Đà - Trưởng phòng Y tế TP.Tam Kỳ cho biết: “Biên chế giao về cho phòng là 1 trưởng phòng và 2 phó phòng, nhưng hiện nay không có ai chịu về đây để làm phó phòng. Trong số 6 người tại phòng y tế thành phố thì chỉ có 2 biên chế và 4 hợp đồng. Với chừng đó người thì việc đảm bảo các nhiệm vụ như trên là rất khó khăn”.
Theo ông Võ Văn Cường - Trưởng phòng Y tế huyện Tây Giang, hiện nay biên chế cho phòng chỉ có 2 người. “Vậy nên việc thực hiện các chức năng được giao chỉ dừng ở một mức độ nào đó. Còn để nói thực hiện tốt chức năng của mình thì sẽ rất khó. Chỉ có 2 người thì làm sao có thể quán xuyến được tất cả, trong khi địa hình của huyện lại rộng và khó khăn” - ông Cường cho hay. Đối với huyện Phước Sơn thì còn khó khăn hơn gấp bội khi trưởng phòng y tế của huyện lại chính là... chánh văn phòng UBND huyện. “Vì không có cán bộ y tế nào chịu về làm ở phòng y tế huyện nên trước mắt mình phải phụ trách để quản lý về mặt nhà nước. Sắp tới, HĐND và UBND huyện sẽ tiến hành giải thể phòng y tế và giao chức năng quản lý nhà nước về cho văn phòng của UBND huyện” - ông Hồ Công Điểm - Chánh văn phòng kiêm Trưởng phòng Y tế huyện Phước Sơn giải thích.
Đó cũng là thực trạng chung của các phòng y tế trên địa bàn tỉnh. Theo ông Ngô Đà - Trưởng phòng Y tế TP.Tam Kỳ, việc các bác sĩ hay người có trình độ chuyên môn cao không chịu về làm việc tại phòng y tế cũng là điều dễ hiểu. “Một bác sĩ có tay nghề, trình độ chuyên môn cao thì luôn lựa chọn về các bệnh viện công, tư, hay ít ra thì cũng trung tâm y tế cấp huyện để công tác vì mức lương sẽ cao hơn so với người hưởng lương theo ngân sách nhà nước cố định, lại được làm nhiệm vụ chuyên môn khám chữa bệnh. Chính vì vậy, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cho phòng y tế là điều dễ hiểu” - ông Đà phân trần.
Khó thực hiện các chức năng được giao
Không tìm được cán bộ kế cận “Tính đến nay, tôi đã có 13 năm công tác ở phòng y tế, có thể nói phần nào đó, chúng tôi đã thực hiện tốt chức năng của mình. Nhất là việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn luôn được chúng tôi ưu tiên quan tâm. Hay như việc phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các ngành chức năng để quản lý hành nghề dược tư nhân trên địa bàn khá tốt, tạo sự yên tâm cho người dân. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay chính là không tìm được nguồn cán bộ kế cận. Như tôi thì năm nay sẽ về hưu, nhưng tìm được những người có năng lực, tay nghề về y tế về đây để thay thế thì rất khó bởi vì mức chênh lệch trong thu nhập. Ở đây, ngoài tiền lương cứng theo hệ số, anh em nếu đi kiểm tra vào những tháng hành động hay các đợt cao điểm thì được phụ phí tiền xăng xe 50 nghìn đồng/người/ngày. Không như ở các bệnh viện hay phòng khám có thu nhập tăng thêm từ tiền khám chữa bệnh. Hơn nữa, việc tách nhập như hiện nay khiến nhiều người có tâm lý không biết tương lai mình về đâu, vậy nên họ từ chối về đây làm việc”. (Ông Lê Đại - Trưởng phòng Y tế huyện Núi Thành). |
Trên thực tế, phòng y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế... Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, các phòng y tế không thể hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn. Phòng y tế không chỉ đạo được trung tâm y tế (vì trung tâm y tế thuộc Sở Y tế) và cũng không chỉ đạo các trạm y tế (vì trạm y tế trực thuộc trung tâm y tế). Trách nhiệm được giao đối với phòng y tế quá lớn, trong khi nguồn nhân lực lại thiếu hụt nên một tồn tại dễ thấy nhất là các chức năng của phòng y tế đều phải có sự hỗ trợ từ trung tâm y tế huyện.
Một thực tế hiện nay là Sở Y tế quản lý y tế đến từng thôn, bản về nhân lực, chuyên môn và tài chính. Vì thế, nếu có sự việc gì, trung tâm y tế hay bệnh viện đa khoa huyện chỉ báo cáo trực tiếp lên sở mà không thông qua phòng y tế. Nhiều thông tin, hoạt động diễn ra trên địa bàn huyện, phòng y tế không nắm được hoặc nắm nhưng rất muộn. Ngoại trừ những việc nào khó khăn, không thể giải quyết hoặc cần sự hỗ trợ của huyện thì trung tâm y tế mới báo cáo phòng y tế để xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện. Vì vậy, phòng y tế đã mất tính chủ động nên việc tham mưu cho UBND huyện trở nên chậm và lúng túng.
Để triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm... thì phòng y tế phải phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành để tiến hành. Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Trà My nói: “Hầu như trong năm thì phòng y tế và trung tâm y tế huyện chỉ phối hợp với nhau trong các đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, khám nghĩa vụ quân sự mà thôi. Phòng y tế chỉ xây dựng kế hoạch để trình cho UBND huyện, còn lại những công tác này đều do trung tâm y tế thực hiện. Khi triển khai các chương trình công tác liên quan đến y tế tại các xã, cả phòng y tế và trung tâm y tế phải cùng tham gia để phối hợp thực hiện mà thực tế có nhiều việc không cần thiết. Trước đây khi chưa chia tách, chỉ một mình trung tâm y tế cũng có thể đảm nhận được những công việc này. Như vậy, việc chia tách không những không có lợi hơn mà vô hình trung lại tạo ra những khâu trung gian làm giảm tính chủ động và hiệu quả công tác”.
“QUY VỀ MỘT MỐI”, NÊN CHĂNG?
Với những bất cập nảy sinh trong quá trình hoạt động, nhiều ý kiến cho rằng nên sáp nhập phòng y tế và trung tâm y tế cấp huyện thành một. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát về vấn đề này, và cho thấy vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều.
Việc triển khai các nhiệm vụ của phòng y tế thường phải phối hợp với trung tâm y tế . Trong ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành có đại diện của phòng y tế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một bếp ăn tập thể. |
Không nên tồn tại phòng y tế
Ông Võ Hồng - Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: Hướng đến không có phòng y tế cấp huyện
Trải qua mười mấy năm từ khi tách phòng y tế và trung tâm y tế thì có một thực trạng là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng y tế, nhất là đối với các huyện miền núi hầu như không có tác dụng. Trên thực tế, tại các huyện miền núi hay trung du thì các chức năng của phòng y tế như: kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý dược, mỹ phẩm và phòng bệnh... hầu như rất ít được thực hiện. Còn các nhiệm vụ khác như: khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, dập dịch... thì trung tâm y tế đã làm hết. Như vậy phòng y tế không thể hiện được vai trò, chức năng của mình. Vì thế, chắc chắn ở những địa phương này không nên có phòng y tế.
Đối với những nơi phát triển, sầm uất như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn... thì ít nhiều phòng y tế có đóng góp cho địa phương trong việc quản lý công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, nếu hoạt động với mô hình này thì sẽ rất khó vì mỗi phòng phải có 1 - 2 bác sĩ, mà như thế thì rất lãng phí. Trong khi, yêu cầu của cuộc sống hiện nay, quản lý nhà nước chỉ làm những gì cho xã hội nhanh phát triển lên. Cho nên chủ trương chung, dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng xu hướng sắp tới là không có phòng y tế ngay cả đối với các huyện, thị xã phát triển. Vì hiện nay, điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ, phương tiện hay nguồn nhân lực đều đã rất phát triển, nên chức năng quản lý nhà nước về y tế thì Sở Y tế đủ điều kiện để quản lý đến cấp huyện thậm chí cấp xã. Còn chức năng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, dự phòng thì để cho trung tâm y tế làm.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở các huyện miền núi thì không nhất thiết phải có phòng y tế huyện. Trong ảnh: Tổ chức tiêm ngừa cho học sinh miền núi. Ảnh: NG.DƯƠNG |
Bác sĩ Ngô Thoại - Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Điện Bàn: Nếu sáp nhập phòng y tế vào trung tâm y tế thì sẽ quản lý được sâu sát hơn.
Trên thực tế thì hiện nay vẫn chưa có gì gọi là chồng chéo giữa trung tâm y tế và phòng y tế cả. Mọi chương trình mục tiêu quốc gia hay chăm sóc sức khỏe nhân dân, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ phẩm... chúng tôi đều phối hợp với nhau. Vậy nên việc tồn tại hay không phòng y tế thì vẫn chưa khẳng định được, nhưng nếu có thể sáp nhập lại được với nhau thì sẽ tốt hơn. Phòng y tế sẽ kịp thời quản lý, sâu sát hơn với các trạm y tế xã. Ví dụ như kinh phí sửa chữa cho tuyến xã phường, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở... nếu có phòng y tế phụ trách mảng này thì sẽ tốt hơn. Còn lại, các vấn đề chuyên môn thì chúng tôi có thể làm được hết.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tây Giang: Đối với huyện miền núi thì không nên có phòng y tế
Đối với một huyện miền núi cao thì việc thực hiện các chức năng của phòng y tế huyện như: quản lý mỹ phẩm hay khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, đào tạo nguồn nhân lực... hầu như không có. Vì nhân lực của phòng ít, trang thiết bị lại không đầy đủ nên rất khó để thực hiện những chức năng này. Mỗi khi muốn lấy số liệu tổng kết thì phòng y tế cũng phải qua trung tâm y tế huyện để lấy; công tác phối hợp giữa hai bên vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, nên sáp nhập 2 đơn vị lại với nhau để đảm bảo biên chế không dôi dư, vừa phối hợp quản lý nhà nước tốt hơn.
Tùy điều kiện thực tế để điều chỉnh
Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh: Xem xét nơi nào cần thì bố trí phòng y tế
Thực tế, việc có một đơn vị quản lý nhà nước cấp huyện để kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương về các vấn đề y tế thì sẽ rất tốt cho ngành. Hiện nay, Sở Y tế triển khai đề án sắp xếp việc làm, trong đó có liên quan đến vấn đề này. Giờ đang chờ kết quả tham khảo ý kiến như thế nào để có hướng đi hợp lý. Để sắp xếp lại bộ máy, nguồn nhân lực thế nào cho phù hợp vẫn đang còn rất khó khăn nên phải có lộ trình và lấy ý kiến cụ thể, từ đó mới có cách giải quyết được.
Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua cũng chưa hề nói đến việc sắp xếp lại các phòng y tế này như thế nào, nên trước mắt cứ để như vậy đã. Còn về lâu dài, thì cần nghiên cứu nơi nào thực sự cần thì có phòng y tế, nơi nào chức năng không rõ ràng thì nên bỏ.
Ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh: Phòng y tế là cơ quan giám sát và điều chỉnh hoạt động y tế
Hiện nay, tại Sở Y tế có một phòng là thanh tra, phụ trách giám sát, điều chỉnh các hoạt động của ngành y tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với quy mô của một phòng thanh tra thì không thể quán xuyến hết được cả 18 huyện, thị xã, thành phố. Họ chỉ thanh tra một số vụ việc để rồi điều chỉnh, cảnh báo. Nhưng nếu có một phòng y tế đủ mạnh thì có thể tham mưu cho UBND huyện kịp thời xử lý các vấn đề nổi cộm trên địa bàn
Nếu giờ sáp nhập lại thì ai sẽ làm công tác giám sát này? Ví dụ, trung tâm y tế huyện có những bác sĩ mở phòng mạch, làm thêm ngoài giờ. Việc quản lý, kiểm tra giám sát đối với các bác sĩ, các phòng khám này thì phòng y tế sẽ làm tốt hơn, khách quan hơn... Hơn nữa, họ là người địa phương nên sẽ nắm bắt được thông tin nhanh, sát với tình hình thực tiễn của địa phương để kịp thời báo cáo với các ngành cấp trên. Vì vậy, tôi nghĩ nên duy trì cả 2 cơ quan này. Vấn đề là có tổ chức, bố trí con người và chức năng đủ mạnh để phòng y tế đảm nhận công việc này hay không mà thôi.
Bác sĩ Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Trà My: Chỉ cần giữ lại một người để tham mưu, lập kế hoạch cho UBND huyện
Việc phối hợp giữa trung tâm y tế huyện và phòng y tế huyện thì chỉ có 2 việc là kiểm tra an toàn thực phẩm và khám nghĩa vụ quân sự. Hầu như tất cả nội dung liên quan đến công tác y tế trên địa bàn chủ yếu là do trung tâm y tế làm. Vậy nên, với thực tế tại địa phương thì không nhất thiết phải tồn tại đơn vị phòng mà chỉ cần một cán bộ công chức nào đó, còn được gọi là chuyên viên y tế thuộc văn phòng UBND huyện để tham mưu các kế hoạch về quản lý nhà nước, còn việc thực hiện thì trung tâm y tế sẽ làm.
Tương tự như vậy, đối với trung tâm dân số, các chương trình sức khỏe sinh sản, đặt vòng... thì cũng do trung tâm y tế làm, họ chỉ xây dựng kế hoạch để thực hiện, tuyên truyền, truyền thông. Nếu có thể được thì nên đưa trung tâm này về một khoa, phòng nào đó của trung tâm y tế như khoa sản hay dự phòng gì đó để vừa tinh gọn bộ máy, vừa đạt hiệu quả thiết thực hơn.
Ông Nguyễn Quang Trung - Chuyên viên phòng y tế huyện Nam Trà My: Nếu sáp nhập thì chỉ sáp nhập phòng y tế, trung tâm dân số và hội chữ thập đỏ
Trung tâm dân số trên địa bàn huyện thuộc sự quản lý của Sở Y tế, nhưng họ cũng chỉ làm chức năng về quản lý nhà nước chứ hoàn toàn không thực hiện về chuyên môn. Nhiều nơi trong nước đã thành lập mô hình này, tức là gộp 3 đơn vị: phòng y tế, trung tâm dân số và hội chữ thập đỏ thành một phòng gọi là phòng y tế - dân số, hội chữ thập đỏ. Như vậy sẽ phù hợp hơn về mặt quản lý nhà nước và sẽ hỗ trợ nhau tốt hơn. Bởi vì trên thực tế, phòng y tế, trung tâm dân số hay hội chữ thập đỏ chỉ có chức năng quản lý về nhà nước, còn lại phải phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện. Vì vậy, gộp 3 cái đơn vị này vào làm một có chức năng tham mưu UBND huyện còn việc thực hiện thì do trung tâm y tế đảm nhận. Như vậy sẽ hợp lý hơn.
Ông Võ Văn Cường - Phó Trưởng phòng Y tế huyện Tây Giang: Nếu sáp nhập sẽ rất khó để thực hiện chức năng quản lý nhà nước
Nếu sáp nhập phòng y tế vào trung tâm y tế thì vô hình trung lại quay về mô hình ban đầu. Nghĩa là vừa làm đơn vị quản lý nhà nước vừa là đơn vị sự nghiệp. Như vậy chẳng khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi. Về mặt quản lý nhà nước như thế sẽ không đúng, bởi vì phòng y tế là một trong 13 phòng ban của UBND huyện. Tuy thực tế thì phòng y tế hiện nay như một khâu trung gian, nhưng về mặt quản lý nhà nước thì bắt buộc phải tồn tại. Vì tham mưu cho UBND huyện đề ra những chủ trương chính sách hay vấn đề gì đó mà không có phòng y tế thì sẽ rất khó.
Thực hiện NGUYỄN DƯƠNG