Vang khúc nhạc giữa rừng
Anh bước ra khỏi nhà, trên tay cầm cây đàn h’jưl - một loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu, gẩy lên từng nhịp nghe du dương, trầm bổng. Lời dân ca bản địa vang theo điệu nhạc, như một khúc tâm tình của người trẻ gửi về tình yêu, bằng tất cả niềm tin của riêng mình từ cội nguồn văn hóa.
Pơloong Phước, người trẻ Cơ Tu say mê nhạc cụ truyền thống. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
Tôi lắng nghe tiếng đàn. Say sưa theo từng nốt nhạc trầm bổng, từ ngón tay uyển chuyển của Pơloong Phước. Xuân mới sang mùa, khúc nhạc giữa rừng xốn xang. Pơloong Phước nói, duyên số của anh, cũng nhờ có tiếng đàn mà “bắt” được vợ. Hồi đó, trong một dịp sang thăm bà con, cô gái Cơ Tu tên Alăng Thị Biên, ở tận xã Lăng (huyện Tây Giang) bỗng say mê tiếng đàn của Phước, mà tìm cách giữ liên lạc. Tình yêu nảy nở, rồi nên duyên, hệt như câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại.
1. Hẹn gặp Phước, thông qua người bạn cũ chung làng với anh ở Za Ra (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang). Khắp làng Za Ra rực rỡ sắc màu thổ cẩm, chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa truyền thống sắp sửa diễn ra. Tôi bước lên căn nhà của Phước, trên một quả đồi cao, phóng tầm mắt nhìn về phía làng. Những ngôi nhà thấp thoáng dưới chùm nắng tháng 3, ngút ngàn sắc núi. Phước bày ra những nhạc cụ trên sàn đất, lau sạch, rồi cất ngay ngắn lên cao. Vài ngày nữa, những nhạc cụ này sẽ được Phước mang đến hội làng, đón và chung vui cùng du khách theo lịch đặt từ trước tết. Phước nói, trước đây, anh chỉ lấy đàn để giải trí mỗi lúc mệt mỏi công việc. Vì thế, khi lên nương hay vô rừng, ngoài các vật dụng cần thiết, trong chiếc gùi của Phước lúc nào cũng luôn có sẵn cây đàn h’jưl, cùng cr’zool, cr’toót. Trưa, ngồi nghỉ dưới gốc cây già, Phước lấy đàn ra chơi. Mọi mệt nhọc bay theo tiếng đàn, reo vui như cách nghĩ của Phước về cuộc sống giữa núi rừng này.
Biểu diễn nhạc cụ một cách điêu luyện. |
Hồi bé xíu, Phước nói, người bác ruột thường hay chơi đàn trong các dịp lễ tết khiến anh thích thú. Rồi nhất quyết đòi học. Mưa gió, nắng nôi, Phước cũng đều có mặt ở căn nhà sàn, chỉ để lắng nghe tiếng đàn, để học cách thẩm âm, bấm nhịp. Nhiều tối, Phước ngủ lại nhà bác. Từ trong căn nhà sàn, lúc nào cũng nghe réo rắt tiếng đàn. Hương thơm của những rổ khoai luộc, sắn nướng, cứ thế bay theo từng giọt đàn vang trong sương núi. Rồi Phước lớn lên, theo tiếng nhạc giữa rừng. Đi đâu, anh cũng dắt theo cây đàn, chiếc sáo, rồi thả hồn phiêu du khắp núi. “Mê lắm. Hồi đó không đêm nào mình không đến nhà bác. Nhiều lần, mình say sưa theo tiếng đàn, rồi ngủ quên trong lòng bác trai lúc nào cũng không hay” - Phước vừa nói, vừa cầm cây đàn cất lên giai điệu cùng tiếng hát bài dân ca Cơ Tu, phiêu theo từng nốt nhạc trầm bổng. Tiếng đàn ngân vang nghe như chạm vào lòng người, giữa rạo rực mùa xuân khoe sắc thắm “nơi - núi - rừng - mờ - xa”.
Phước kể, hồi làng Za Ra mới có điện lưới quốc gia, chừng khoảng hơn chục năm về trước, tình cờ Phước xem được chương trình tivi giới thiệu về công đoạn chế tác chiếc khèn của nghệ nhân Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang. Phước mê mẩn ngồi xem, rồi về nhà tự tay tập tành làm theo. Hoàn thành sau nhiều ngày ròng rã, nhưng chiếc khèn không phát ra tiếng kêu. Phước buồn bã như nông dân mất mùa. Bất lực, Phước lại tìm đến người bác ruột. Dù ông đã già yếu, nhưng vì thương Phước và muốn tìm người kế tục văn hóa cha ông, nên đã truyền dạy. Cuối cùng, Phước cũng hoàn thành tâm nguyện, chỉ sau hơn một tháng học nghề.
2. Phước quay sang mở chiếc tủ gỗ, lấy ra tấm hình chụp cùng du khách trong những lần cùng đoàn xuống phố biểu diễn. Chỉ vài năm tham gia câu lạc bộ dân ca dân vũ, Phước và đồng đội đã có hàng chục chuyến lưu diễn ở trong và ngoài tỉnh, phục vụ du khách. Hơn 10 loại nhạc cụ truyền thống từ a’bel, cr’zool, a’hen, a’xăn… đến tuốt. Phước đều thành thạo và nhuần nhuyễn khiến ai cũng trầm trồ. Phước kể, có lần đang biểu diễn ở không gian văn hóa tại TP.Hội An, khi nghe Phước và các đồng đội cất tiếng đàn, hòa tấu cùng một số loại nhạc cụ khác, rất nhiều du khách say sưa, rồi họ cùng nắm tay nhau nhảy theo điệu nhạc. Lần đó, Phước được dịp chụp ảnh “để đời” với hàng chục du khách.
Tôi nhìn Phước, nhiều lúc nghĩ như đang ngồi đối diện với một vị già làng nào đó ở vùng này. Hơn 22 tuổi, Phước già dặn hơn tôi tưởng. Tố chất “già làng” bộc lộ rõ nét, từ cách ăn nói, cách trải lòng, cho đến những câu nói lý tỏ bày cùng khách. Phước đem đến cho tôi quá nhiều sự bất ngờ, về văn hóa Cơ Tu, về tài năng chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống. Bởi thế mới biết, lúc đến gặp già làng Riah Teem, bà nói một mạch, rằng Phước là nhân tố không chỉ của làng Za Ra, mà có khi là của xã Ta Bhing và rộng hơn nữa, cần được tiếp tục “mài giũa”. Bà Teem kỳ vọng ở Phước, sau này, sẽ là “nhân chứng sống” có nhiều việc làm giúp người làng và cộng đồng Cơ Tu trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống trước nguy cơ mai một bởi dòng chảy hiện đại.
Bh’nướch Tí, một người bạn của Phước, chia sẻ, Phước không chỉ chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ Cơ Tu, mà còn có khả năng nói lý - hát lý và đánh đúng các âm điệu trống chiêng trong các dịp lễ hội truyền thống. Nhờ biết nói lý, năm ngoái Phước được dân làng cử đại diện nhà trai sang mời (pa tooi) nhà gái đến ăn cưới theo phong tục của đồng bào Cơ Tu. “Hiếm có người trẻ nào đảm nhiệm được việc này. Thường chỉ có già làng, hoặc người có uy tín trong cộng đồng mới được cử sang pa tooi ở làng khác. Bởi người pa tooi bao giờ cũng phải giỏi nói lý - hát lý, cũng như có khả năng đối đáp tốt, sức khỏe tốt… Nhưng Phước làm được, nên dân làng ai cũng quý, ai cũng khâm phục” - Tí nói, rồi chỉ tay về phía những tấm giỏ đan bằng nứa được treo trong căn nhà bảo: “Đó là những chiếc giỏ đựng nước được Phước tự thiết kế để bán theo đơn đặt hàng của du khách”. Đẹp lạ. Tôi mê mẩn những chiếc giỏ mà thầm tự hào về Phước, về một người trẻ Cơ Tu tâm huyết với văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Thật hiếm có.
3. Cuối chiều, những đứa trẻ Cơ Tu chạy ùa đến căn nhà của Phước. Từ căn gác, Phước lấy ra thêm một vài nhạc cụ khác, đã hơi cũ kỹ. Từng em, nâng niu nhạc cụ trong lòng ngực, tập đánh theo Phước. Gần một tháng nay, những đứa trẻ này nhận Phước làm người thầy truyền dạy về nhạc cụ, vì say mê tiếng đàn của Phước. Nhìn các em say sưa học đàn, tôi nghĩ bụng, mai mốt, trong số những đứa trẻ này, rồi sẽ có người như Phước, cùng giữ hồn của bản làng, cha ông, nguồn cội.
Có tiếng điện thoại reo. Phước bỏ dở công việc của mình, rồi lấy vội cây đàn ra gẩy. Điệu nhạc lại vang. Từ đầu dây điện thoại, nghe rõ tiếng vỗ tay đầy vẻ thích thú. “Là vợ của em, đang ở quê Tây Giang. Lúc nào điện về cũng đòi em đánh đàn mới chịu. Hồi đó, cũng vì mê tiếng đàn của em mà hai đứa yêu nhau, rồi nên duyên vợ chồng như bây chừ”. Phước cười bẽn lẽn. Ngoài kia, ánh lửa đã bắt đầu bập bùng. Phước cho học trò của mình nghỉ sớm, để cùng đội dân ca dân vũ của làng Za Ra chuẩn bị đón du khách về thăm…
ĐĂNG NGUYÊN