Gỡ "nút thắt" cho sinh viên cử tuyển
Hôm qua 4.4, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan đến công tác cử tuyển, bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển (SVCT) ra trường tại các địa phương miền núi.
Theo ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, hiện vẫn còn 344 em chưa có việc làm, chủ yếu tốt nghiệp đại học. Ông Lại cho rằng, nguyên nhân gây tồn đọng số SVCT do thiếu sót từ các địa phương khi đăng ký đào tạo cử tuyển nhưng không gắn với quy hoạch bố trí việc làm. Ngoài ra, chính áp lực giữa các địa phương trong việc cử đi đào tạo đảm bảo theo chỉ tiêu được giao, nhưng lại không xét kỹ về học lực đầu vào, dẫn đến tình trạng sau một thời gian học tập nhiều em đã tự xin chuyển ngành học, gây “lệch pha” trong việc bố trí của các địa phương sau này.
Theo báo cáo, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 1.372 SVCT được cử đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước (trong đó, có 1.087 đại học; 247 cao đẳng và 38 trung cấp). Tính đến ngày 31.3.2018, có 877 sinh viên tốt nghiệp (574 đại học, 218 cao đẳng và 85 trung cấp); trong đó, có 533 sinh viên đã được bố trí việc làm, hiện vẫn còn 344 người chưa được bố trí với khoảng 271 sinh viên đang học tại các cơ sở đào tạo. |
Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận, việc sở thực hiện giữ lại bằng tốt nghiệp của SVCT trong thời gian qua theo Nghị định 49 của Chính phủ là không hợp lý và đề nghị tỉnh cần có văn bản đề xuất cởi bỏ “nút thắt” này, để các em có cơ hội tự tìm kiếm việc làm. “Hôm qua, toàn bộ bằng tốt nghiệp của các em đã được Sở GD-ĐT bàn giao lại cho Sở Nội vụ” - ông Thành cho biết thêm. Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế, nguyên nhân khó khăn trong việc bố trí việc làm cho SVCT là vì chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, thời gian qua, dù thiếu bác sĩ nhưng nhiều trung tâm y tế đã cương quyết từ chối các em vào làm việc. Trong số 104 SVCT ra trường, đến nay Sở Y tế đã bố trí được 29 em vào biên chế; 10 em hợp đồng và hiện vẫn còn 65 em chưa bố trí được việc làm...
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay, đào tạo cử tuyển phải đảm bảo theo nhu cầu của từng địa phương; đồng thời có sự cam kết rõ ràng, xem đó như một hình thức đào tạo nghề. Bởi thực tế, việc tạm dừng hình thức này sẽ mất cơ hội đào tạo nghề nghiệp chất lượng cho các địa phương miền núi. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, để giải quyết được bài toán khó về sử dụng, tiếp nhận và bố trí việc làm cho đối tượng SVCT, bên cạnh ưu tiên tuyển dụng, các địa phương cần “khóa” ngay hình thức xét tuyển cũ ở cấp xã, đúng theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Bởi chủ nhân thực sự làm thay đổi diện mạo miền núi không ai khác, chính là nhân lực tại chỗ.
Về bố trí việc làm cho SVCT, Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung theo đúng tinh thần Nghị định 49 của Chính phủ, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Các địa phương cần rà soát, tổng hợp và xem xét các đối tượng SVCT để ưu tiên bố trí việc làm.
ALĂNG NGƯỚC