Khởi nghiệp, cần nhất điều gì?

VINH ANH 02/04/2018 14:32

Khởi nghiệp (KN) đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Người trẻ luôn có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, tuy nhiên sự mạnh dạn, táo bạo trong KN còn khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân được nhiều bạn trẻ chia sẻ là vì thiếu vốn. Vậy, liệu vốn có phải là vấn đề quyết định tất cả khi KN?

Mô hình khởi nghiệp từ trồng hoa của thanh niên Thăng Bình. Ảnh: VINH ANH
Mô hình khởi nghiệp từ trồng hoa của thanh niên Thăng Bình. Ảnh: VINH ANH

Câu chuyện trên cũng đã được đặt ra tại diễn đàn “Thanh niên KN sáng tạo xây dựng quê hương” vừa được Tỉnh đoàn tổ chức. Diễn đàn do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì, với sự tham gia của gần 200 thanh niên là chủ doanh nghiệp, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), mô hình kinh tế… trên địa bàn tỉnh.

Băn khoăn về vốn

Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh cho biết, thời gian qua, phong trào thanh niên KN thông qua các mô hình HTX, THT, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế và doanh nghiệp trẻ luôn nhận được sự quan tâm lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Toàn tỉnh hiện có 305 mô hình kinh tế, trong đó có 13 HTX, 71 THT thanh niên, hơn 10 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tổng hợp, chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, du lịch..., góp phần vào sự phát triển chung của quê hương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển của các mô hình kinh tế trong thanh niên. Trong đó, vấn đề được người trẻ làm kinh tế quan tâm nhất và xem như lực cản lớn nhất là: thiếu nguồn vốn.

“Trong khởi nghiệp, tất nhiên sẽ có mồ hôi và nước mắt. Đó là con đường không bao giờ bằng phẳng... Vấn đề quan trọng là các bạn thanh niên có thực sự trằn trọc với quê hương Quảng Nam, có trăn trở với cuộc sống hôm nay và mai sau hay không”.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường)

Phó Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình - Châu Xuân Quang cho rằng, không phải thanh niên nào khi KN cũng may mắn được thừa hưởng về cơ sở vật chất, đất đai, và đặc biệt là nguồn vốn. Nếu tỉnh thành lập được một nguồn quỹ tín dụng từ các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn sản xuất, kinh doanh thì tốt biết bao. Một đại biểu thanh niên đến từ HTX Gà Tre Đèo Le (Quế Sơn) chia sẻ suy nghĩ: “KN mà không có tiền, thiếu vốn thì làm sao KN, nhất là trong lĩnh vực sản xuất. Do đó, sự hỗ trợ về nguồn vốn vay lớn, ưu đãi dành cho thanh niên là rất cần thiết. Khi bắt tay KN với mô hình nuôi gà tre (một sản phẩm đặc trưng của Quế Sơn - PV), tôi có nhu cầu vay từ kênh của Đoàn khoảng 10 triệu đồng, nhưng chờ mãi cũng không có nguồn”.

Đam mê và dám dấn thân

Tham gia diễn đàn, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn không phải quá khó; nếu có dự án thì vốn không khó, vấn đề là ý tưởng, dự án đó làm ra được cái gì. HĐND tỉnh đã có hỗ trợ phát triển một số loài cây dược liệu, ngoài sâm Ngọc Linh còn có sâm nam, sa nhân tím, ba kích, quế… Đây là cơ hội cho các bạn trẻ tiếp cận nhằm nghiên cứu tìm hướng đi, KN từ cây dược liệu.

Trao đổi tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, KN cơ bản cần vốn, nhưng không phải hoàn toàn các dự án, lĩnh vực KN đều cần vốn. Chẳng hạn KN trên lĩnh vực sản xuất thì cần vốn, nhưng với lĩnh vực dịch vụ thì chưa hẳn. Ở Việt Nam hiện có khoảng 20 quỹ đầu tư mạo hiểm, chưa kể nhiều nhà đầu tư thiên thần (các cá nhân, doanh nghiệp thành đạt…), quan trọng là ý tưởng, dự án KN có đủ thuyết phục để thu hút đầu tư, góp vốn hay không. Tuy nhiên, ông Thanh cũng nhìn nhận, khi thanh niên KN mà “tay trắng” thì rất khó, còn tiếp cận vốn từ các ngân hàng thì không thể đem ý tưởng ra để thế chấp. Vì vậy, sắp tới Quảng Nam sẽ dựa theo nội dung từ 2 nghị định của Chính phủ (nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa và nghị định về hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa KN) có quy định về việc thành lập quỹ đầu tư KN, để hình thành quỹ hỗ trợ KN với sự tham gia của Nhà nước, các cá nhân, doanh nghiệp... “Tuy nhiên các bạn trẻ đừng quá trông chờ vào quỹ này. Người KN phải có ý chí tự vươn lên, phải tiếp cận vốn bằng nhiều cách khác nhau” - ông Thanh nói.

Được biết hiện nay có khá nhiều kênh vốn mà người trẻ có thể tiếp cận khi KN, như: Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 55 của Chính phủ có quy định cho vay tín dụng trong nông nghiệp - nông thôn hay Nghị định 75 về cho vay trồng rừng, gắn giảm nghèo khu vực miền núi… Cho rằng Quảng Nam là tỉnh có điều kiện đặc biệt cho KN với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh mong muốn thanh niên trong tỉnh hãy mạnh dạn bước vào con đường KN. Bởi vì KN không những đem lại giá trị lợi ích cho bản thân mà còn mang lại giá trị vật chất, tinh thần cho gia đình, cống hiến những sản phẩm để phục vụ cho xã hội. “Khi thị trường, chủ trương chính sách của Nhà nước có, địa phương khuyến khích thì vấn đề còn lại, thành công hay không là nằm ở sự đam mê, sáng tạo, tinh thần dấn thân của các bạn trẻ” - ông Thanh nhấn mạnh.

VINH ANH

VINH ANH