Xây dựng thương hiệu du lịch Tam Kỳ

AN NHI 02/04/2018 13:34

Xây dựng thương hiệu cho vùng đất nhiều tiềm năng du lịch như Tam Kỳ vẫn đang là bài toán khó cho dù địa phương đã có những nỗ lực để đưa du lịch phát triển xứng tầm.

Con đường thuyền thúng được coi là sản phẩm du lịch độc đáo của Tam Kỳ. Ảnh: A.N
Con đường thuyền thúng được coi là sản phẩm du lịch độc đáo của Tam Kỳ. Ảnh: A.N

Tiềm năng nhiều, sản phẩm ít

Du lịch Tam Kỳ những năm gần đây được nhiều người biết đến, nhất là sau khi Khu quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hình thành. Cạnh đó, địa phương cũng bắt đầu xây dựng nên các sản phẩm du lịch được du khách đón nhận như Làng bích họa Tam Thanh, Con đường thuyền thúng đầu tiên và dài nhất Việt Nam tại Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, hay Ngày hội văn hóa thể thao du lịch biển Tam Thanh - Cảm xúc mùa hè… Đặc biệt, lần đầu tiên TP.Tam Kỳ mang một sứ mệnh mới khi cùng với TP.Hội An là trọng điểm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017, với điểm nhấn là lễ khai mạc và nhiều hoạt động chính của lễ hội. Ngoài ra, còn có thể kể đến việc thành phố đưa vào khai thác sản phẩm du lịch mới là Khu di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh. Tuy nhiên, sự khởi đầu ấy vẫn chưa tạo nên đột phá cho ngành du lịch của một địa phương mà theo đánh giá của các nhà làm du lịch là “có nhiều tiềm năng và lợi thế”.

Thật vậy, ít có thành phố nào như Tam Kỳ có đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch tự nhiên lẫn du lịch nhân văn. Với nhiều sông, đầm uốn lượn quanh thành phố như Sông Đầm, Bàn Thạch, Trường Giang, sông Tam Kỳ với tổng chiều dài 35km, kết hợp với những ngọn đồi còn giữ vẻ đẹp tự nhiên như đồi An Hà, núi Dài. Địa phương cũng sở hữu bờ biển còn hoang sơ dài hơn 7 km, bãi cát trắng mịn và độ rộng bờ cát hơn 300m; Bãi Sậy Sông Đầm có diện tích lên tới 180ha với điều kiện tự nhiên hết sức phong phú. Tam Kỳ còn là vùng đất có mạch nguồn văn hóa vô cùng phong phú với nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như địa đạo Kỳ Anh với chiều dài 32km (là một trong 3 địa đạo lớn nhất cả nước), Văn thánh Khổng miếu cùng trên 20 di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra, địa phương còn giữ được các làng nghề truyền thống như chiếu cói Thạch Tân (Tam Thăng), nước mắm Tam Thanh; các giá trị văn hóa phi vật thể như hát bả trạo, bài chòi, dân ca. Một lợi thế lớn khác, đó là tiềm năng kết nối du lịch với các trung tâm du lịch lớn bên cạnh như Đà Nẵng, Quảng Ngãi; các địa chỉ du lịch trong tỉnh như Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên), khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh (Phú Ninh), nhà lưu niệm bác Võ Chí Công, tháp Khương Mỹ, biển Tam Hải (Núi Thành)…

Tạo dựng thương hiệu

Có thể nói, du lịch Tam Kỳ hiện vẫn chưa có sự phát triển bền vững, thậm chí còn mang tính thời vụ, “đến hẹn lại lên” khi phụ thuộc nhiều vào các sự kiện. Con số 170.000 lượt khách đến tham quan năm 2017, tăng 30% so với năm 2016, là rất đáng mừng; nhưng trong số đó, có không ít du khách theo diện công cán, nhất là của các đoàn trong dịp tham gia Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI. Sự hấp dẫn và khác biệt của các sản phẩm du lịch tại Tam Kỳ là có, song thực tế việc kết nối, quảng bá để thu hút du khách vẫn còn khá hạn chế. Đơn cử, kể từ khi khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, có khá đông du khách trong và người nước đến tham quan, tìm hiểu. Nhưng khi hỏi nhiều du khách về địa đạo Kỳ Anh thì dường như không ai biết cho dù di tích lịch sử cấp quốc gia này ở khá gần. Rõ ràng, nếu kết nối Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và địa đạo Kỳ Anh, chắc chắn khách du lịch không thể bỏ lỡ trên hành trình tìm hiểu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân xứ Quảng. Ngoài ra, hạ tầng dịch vụ tại các điểm du lịch vẫn trong quá trình triển khai xây dựng, chưa hình thành nên sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để thu hút du khách đến tham quan cũng như kéo dài thời gian lưu trú.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đầu tư, phát triển du lịch thời gian qua. Chẳng hạn, địa đạo Kỳ Anh - một biểu tượng về tinh thần và ý chí sáng tạo, kiên cường của quân dân Tam Kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được tôn tạo, nâng cấp nhiều hạng mục và đưa vào phục vụ du lịch nhân sự kiện Festival Di sản Quảng Nam năm 2017. Cùng với đó, hạ tầng bãi tắm Tam Thanh cũng được đầu tư được xây dựng không chỉ giới thiệu cho du khách một bãi biển Tam Thanh đẹp thuộc loại nhất, nhì miền Trung mà còn phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao miền biển như bóng đá, bóng chuyền trên cát, thả diều. Mới đây nhất, đề án phát triển du lịch TP.Tam Kỳ giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 được HĐND thành phố thông qua. Điều này cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc phát triển du lịch, hướng tới xây dựng trung tâm du lịch phía nam của tỉnh.

Để TP.Tam Kỳ biến tiềm năng thành lợi thế phát triển, biến khát vọng thành hiện thực, rõ ràng không thể dừng lại ở con số vài chục tỷ đồng ngân sách đầu tư một cách ngắn hạn vài ba năm như đề án. Thậm chí, nói như Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa, đầu tư cho du lịch hiện nay cần có cả nghìn tỷ đồng mới phát triển được cơ sở hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch, xứng tầm là trung tâm du lịch phía nam của tỉnh và là ngành kinh tế chủ yếu. Ngay cả sản phẩm du lịch cũng cần được làm mới để hấp dẫn du khách. Cho đến nay, dự án phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại xã Tam Thanh với 2 sản phẩm làng bích họa và con đường thuyền thúng ít nhiều đã tạo được thương hiệu cho du lịch Tam Kỳ. Dù vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam, đặc điểm của các sản phẩm này là không bền vững theo thời gian và lâu dài có thể gây nhàm chán. Thế nên, địa phương luôn suy nghĩ, tìm tòi ý tưởng sáng tạo để làm mới liên tục chứ không dừng lại ở làng bích họa, con đường thuyền thúng. Tuy nhiên, thực tế đó là điều không hề dễ dàng.

Dù sao thì Tam Kỳ cũng đã có một số sản phẩm du lịch tạo ấn tượng và lần đầu tiên địa phương ban hành đề án phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025. Đó là cơ sở để tin tưởng du lịch nơi đây có những bước phát triển mới trong thời gian tới, tạo dựng nên thương hiệu cho du lịch Tam Kỳ.

AN NHI

AN NHI