Mô hình nông nghiệp thông minh ở Đại Minh
Mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) giai đoạn 2016 - 2018 tại hai thôn Phú Mỹ, Phước Bình (xã Đại Minh, Đại Lộc) đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn của nhà nông.
Vùng trồng cây màu chuyên canh tại thôn Phước Bình. Ảnh: H.L |
Đưa kỹ thuật vào đồng ruộng
Mô hình CSA được hỗ trợ từ dự án WB7, triển khai tại 2 thôn Phú Mỹ, Phước Bình của xã Đại Minh giai đoạn 2016-2018 đã có tác động tích cực đến vùng sản xuất cây lúa và cây màu hàng hóa của xã. Vụ đông xuân 2017-2018, mô hình CSA cánh đồng mẫu lớn 50ha tại thôn Phú Mỹ với 225 hộ tham gia sản xuất với giống lúa chất lượng HT1 có thời gian sinh trưởng 110 ngày. Mô hình cũng triển khai trên 30ha cây màu tại thôn Phước Bình với 195 hộ tham gia. Cánh đồng chuyên canh cây màu Phước Bình rộng 30ha, trong đó có 14ha ớt lai, 6,5ha bắp nếp, 10ha đậu phụng L14. Không chỉ được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư, công cụ sản xuất cầm tay, nông dân canh tác trên cánh đồng còn được hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo quy trình quản lý cây trồng. Các giống đậu xanh, đậu phụng, bắp, ớt... gieo trồng trên cánh đồng là giống kháng sâu bệnh tốt. Nông dân được kỹ thuật viên bám đồng tập huấn cách bón phân, kỹ thuật tưới nước theo rãnh ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây và thời tiết. Mô hình còn tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong một số khâu như làm đất, lên luống, gieo hạt, vận chuyển sản phẩm giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải phóng sức lao động.
Theo ông Ngô Văn Phi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh, giai đoạn 2016-2018, dự án cải thiện nông nghiệp có tưới - WB7 đã hỗ trợ HTX mua 24 công cụ sạ hàng hỗ trợ đến người dân, cung ứng 225 ống đo mực nước trên đồng ruộng để bà con theo dõi mực nước tại ruộng. HTX đã cung ứng đủ 17,4 tấn vật tư các loại hỗ trợ đến người dân. Vụ đông xuân 2017-2018, dự án tiếp tục hỗ trợ giống, vật tư, công cụ sản xuất đến người dân thuộc vùng dự án trên cây lúa lẫn cây màu. Trên cây màu, dự án hỗ trợ 1 máy đào, 1 máy bứt trái đậu phụng, 1 máy xới đất giao cho HTX quản lý. Dự án hỗ trợ 20 dụng cụ gieo hạt và toàn bộ được cấp xuống ban dân chính thôn và người dân. Theo ông Phi, qua 2 năm triển khai, dự án đã tạo điều kiện để người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, giúp người dân sử dụng thuần thục dụng cụ gieo hạt nhằm tiết kiệm giống, nhân công, nhờ đó mật độ sản xuất đồng đều hơn, khâu quản lý dịch bệnh trên cây trồng cũng thuận lợi hơn.
Bên cạnh hiệu quả nêu trên, dự án vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục tháo gỡ về cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất như tuyến giao thông nội đồng, tuyến kênh mương nội đồng tưới cho cây lúa lẫn cây màu chưa được đầu tư đồng bộ. “Đối với vùng sản xuất cây màu, khi có hệ thống điện được kéo ra cánh đồng sẽ tạo điều kiện cho khâu thủy lợi hóa đất màu, người dân đỡ vất vả trong khâu tưới tiêu. Hay như vùng sản xuất lúa ở Phú Mỹ, do hạ tầng chưa được đầu tư nên chỉ mới triển khai sản xuất cây lúa giống mà chưa triển khai xen kẽ được giữa cây lúa và cây màu như mục tiêu ban đầu. Để người dân được hưởng lợi nhiều hơn, mong dự án tiếp tục kéo dài tiến độ thêm 1 năm, nghĩa là sẽ kết thúc vào năm 2020, thay vì năm 2019” - ông Phi kiến nghị.
Nhân dân hưởng lợi
Hiện nay, nông dân thôn Phước Bình thu hoạch ớt, đậu phụng với năng suất cao, chất lượng và phẩm chất trái tốt. Bà Hứa Thị Xuân (người dân Phước Bình) cho biết: “Nhà tôi trồng 7 sào ớt, chi phí xuống giống, phân bón, nhân công bỏ ra rất nhiều. Tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ một phần tiền phân, giống nên cũng giảm đáng kể chi phí sản xuất cả chục triệu chứ không ít. Không chỉ vậy, cán bộ kỹ thuật còn bám đồng, hỗ trợ chúng tôi cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây hiệu quả”. Vụ đông xuân, gia đình ông Lê Đức Thanh (thôn Phước Bình) canh tác trên 6 sào đất màu ở cánh đồng mẫu này. Ông Thanh cho hay, nếu phải bỏ tiền mua giống, phân bón, chi phí phải lên cả chục triệu đồng. Nhờ có dự án WB7 hỗ trợ, ông cũng đỡ bớt nhọc nhằn, giảm thiểu chi phí đầu tư. “Dự án đã giúp cải tạo, quy hoạch cánh đồng mẫu lớn đẹp và bằng phẳng. Vùng này trước mạnh ai nấy làm nên có tình trạng sản xuất da beo, manh mún chứ không đẹp như hiện nay. Nếu tiếp tục được hưởng lợi từ dự án thì nông dân vui mừng lắm” - ông Thanh nói. Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Phước Bình) chia sẻ: “Mong rằng HTX, Nhà nước hỗ trợ khâu liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để sản phẩm có đầu ra ổn định, giá tốt thì nhà nông sẽ mừng hơn nữa”.
Theo ông Lê Đức Mười - Trưởng thôn Phước Bình, 2 năm qua, người dân Phước Bình hưởng lợi rất nhiều từ dự án. Không chỉ về kỹ thuật, công cụ và tư liệu sản xuất, dự án còn hỗ trợ tiền, phân bón, giống cây trồng cho người dân. “Mô hình đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhà nông về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình cũng hỗ trợ cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã. Rất mong dự án WB7 tiếp tục hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu để người dân được hưởng lợi nhiều hơn nữa” - ông Mười nói.
HOÀNG LIÊN