Xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Trưởng thành vượt bậc
NGÀY 28.1.2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch thực hiện, lấy ý kiến góp ý, và đến ngày 28.4.2008 ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Lực lượng công nhân lao động của tỉnh ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Ảnh: D.L |
Lấp những lỗ hổng
Năm 2008, khi Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy bắt đầu triển khai, nền công nghiệp ở Quảng Nam chỉ mới bước đầu hình thành; công nhân (CN) bước vào nhà máy, làm quen với môi trường sản xuất công nghiệp trên nền tảng của người dân chân lấm tay bùn. Với xuất phát điểm đó, CN của tỉnh còn hạn chế về nhiều mặt, chưa thể hòa nhập ngay với môi trường công nghiệp, sản xuất theo hướng hiện đại. Để lấp những lỗ hổng căn bản đó, trong vai trò và nhiệm vụ của mình, Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật lao động và cả tinh thần hội nhập trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho lực lượng CN. Theo ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, hiểu biết về pháp luật và tuân thủ quy định là nền tảng đầu tiên để CN bắt nhịp được với quy trình sản xuất công nghiệp, hoạt động đi vào nền nếp, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Tiếp đó mới tính đến việc nâng cao tay nghề, rồi phát động thi đua lao động sản xuất. “Hàng trăm lớp tuyên truyền pháp luật do Công đoàn cũng như các cơ quan chức năng khác tổ chức thu hút hàng chục nghìn CN tham gia. Qua đó dần giúp lực lượng CN của tỉnh tiến bộ, vững tin hơn trong mối quan hệ giao tiếp với chủ sử dụng lao động. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, giai cấp CN trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.
Cùng với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng đã vào cuộc, phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tổ chức thi nâng cao tay nghề, trình độ kỹ thuật cho người lao động. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất mà còn tạo cơ hội cho CN nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động để có mức lương tốt hơn. Mặt khác, doanh nghiệp cùng với tổ chức công đoàn các cấp đã chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho CN lao động. Nhiều doanh nghiệp còn có sự quan tâm thực hiện chính sách cho lao động nữ, xây dựng các khu nhà ở nội bộ, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho CN. Tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), nhiều năm trước đã xây dựng khu thiết chế văn hóa dành cho CN lao động, sắp tới sẽ có thêm khu nhà ở dành cho CN do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư.
Nâng cao chất và lượng
Từ năm 2008 đến nay, các cấp công đoàn đã thành lập mới 501 công đoàn cơ sở, nâng tổng số lên 1.917 CĐCS; tổng số đoàn viên phát triển được 66.557 đoàn viên, nâng tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên 126.414 người. Trong 10 năm qua, các tổ chức công đoàn đã quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu 4.493 đoàn viên công đoàn, CN - viên chức, lao động ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Qua các phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đã có hơn 29.616 sáng kiến, công trình được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, qua đó làm lợi cho doanh nghiệp và chính bản thân người lao động. |
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay giai cấp CN, lực lượng CN lao động trên địa bàn tỉnh đã có sự trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mười năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 373 nghìn người, trong đó có 3.895 trường hợp đi xuất khẩu lao động. Nhìn chung, CN lao động làm việc ở các doanh nghiệp, khu - cụm công nghiệp được đào tạo nghề cơ bản, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% (tăng 33% so với năm 2008)… Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, để có được những kết quả trên, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, phối hợp thực hiện hiệu quả nội dung, giải pháp mà Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy đã đề ra. Trong đó, ngoài những chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án được ban hành và triển khai phù hợp với thực tế, các cấp, ngành đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cho CN lao động, phát triển thị trường lao động, cho vay vốn để giải quyết việc làm... Gần đây nhất là Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Lan, để đảm bảo đời sống, thu nhập cho CN lao động, những năm qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo việc làm mới. Đồng thời triển khai giám sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong CN lao động. “Một vấn đề khá quan trọng và mang tính mấu chốt là hoạt động đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với CN và giữa CN với chủ doanh nghiệp đã được quan tâm hơn, thông qua nhiều hình thức như hội nghị CN viên chức, hội nghị người lao động, đại hội cổ đông... Qua đó, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh giữa doanh nghiệp với CN được tháo gỡ; quyền lợi của người lao động được bảo vệ; các nội quy, quy chế nội bộ được phát huy tác dụng, người lao động yên tâm phấn khởi làm việc” - bà Lan nói.
LÊ DIỄM - HÀN GIANG