Tuyên truyền biển, đảo cho ngư dân
Xuống tàu tuyên truyền cho ngư dân, tăng cường tuần tra, kiểm soát, hỗ trợ gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn… là những nội dung đang được lực lượng cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đẩy mạnh, đồng hành với ngư dân.
Xác định tuyên truyền, nâng cao nhận thức là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tăng cường hiệu quả chấp pháp trên biển, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 đã tổ chức nhiều phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức và điều kiện của từng ngư dân. Trong đó, các giải pháp phổ biến là tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng tờ rơi, hệ thống loa… ngay trước mỗi chuyến ngư dân ra khơi, ngay cả khi ngư dân đang khai thác hải sản ở các vùng biển miền Trung. Trong khuôn khổ mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” vừa qua, cán bộ, chiến sĩ CSB xuống từng tàu của ngư dân ở cảng An Hải (huyện đảo Lý Sơn) để phát tờ rơi, tuyên truyền về biển đảo.
Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy Vùng CSB 2 cho biết, các nội dung tuyên truyền đề cập Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Luật Biển của các nước có vùng biển giáp ranh, vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp để ngư dân không vi phạm vùng biển nước khác đánh bắt hải sản, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại. “Ngoài các nội dung trên, chúng tôi cũng đã giải thích cho ngư dân hiểu, vận động bà con kịp thời thông báo lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan chức năng khi phát hiện tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Tổ quốc để có biện pháp xử lý và xua đuổi kịp thời. Đồng thời công tác tuần tra, kiểm soát ở các vùng biển giáp ranh, biển xa được tăng cường để đảm bảo an toàn cho ngư dân trong mọi điều kiện, giúp bà con yên tâm bám biển” - Đại tá Sinh nói.
Ngư dân Bùi Văn Phải, chủ tàu cá QNg 96382 TS chia sẻ, nhờ những buổi gặp gỡ, trò chuyện với CSB, bản thân anh cùng các thuyền viên được hiểu và chấp hành tốt hơn các quy định khi đánh bắt ngoài biển Hoàng Sa, Trường Sa, giảm thiểu được những rủi ro xâm phạm lãnh hải nước ngoài. “CSB thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh em ngư dân, hỗ trợ ngay khi ngư dân cần cứu hộ cứu nạn. Ngoài ra, một số ngư dân ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn được CSB giúp đỡ, con em ngư dân được đỡ đầu, nhờ đó chúng tôi vững lòng hơn, tiếp tục gắn bó với nghề biển và ngư trường” - ngư dân Phải chia sẻ.
Để bảo vệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, cảnh sát biển cũng đã có nhiều hình thức tuyên truyền ngư dân thấy rõ tác hại nguy hiểm của việc đánh bắt “tận diệt”, đồng thời xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Gần đây nhất, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, CSB cũng phát hiện một số trường hợp tàu Việt Nam sử dụng AIS (hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải) cài mã quốc gia khác và đã kịp thời tuyên truyền ngư dân hiểu rõ tầm quan trọng và hậu quả của việc này đối với chủ quyền an ninh, biển đảo của Tổ quốc. “Những hoạt động trên vẫn đang được duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo hoạt động chấp pháp trên biển của lực lượng và trên hết là hỗ trợ ngư dân bám biển đánh bắt, tham gia bảo vệ chủ quyền” - Đại tá Lê Huy Sinh nhấn mạnh.
PHƯƠNG GIANG