Nâng tầm quan hệ Việt - Pháp
Nhận lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25 đến 27.3.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil (Pháp). Ảnh: TTXVN |
Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi ông Emmanuel Macron tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14.5 năm ngoái. Việt Nam - Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 45 năm (1973 - 2018) và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước (2013 - 2018). Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác Việt - Pháp được tăng cường trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, quốc phòng, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, năng lượng, phát triển bền vững.
Pháp hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Tây Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Pháp năm 2017 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2016. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp đạt hơn 3,35 tỷ USD, tăng 11,8% và nhập khẩu 1,27 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2016. Về đầu tư, Pháp đứng thứ 16/125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và là nhà tài trợ ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) hàng đầu châu Âu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến được ký kết trong thời gian tới sẽ là bước ngoặt mới trong chặng đường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Âu, trong đó có Pháp. Gần 300 doanh nghiệp Pháp hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức tập đoàn, văn phòng đại diện, hoặc đồng doanh nghiệp (tạo ra khoảng 2.6000 việc làm).
Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục nằm trong số những điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Hiện nay, tại Pháp có khoảng 300.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc. Hàng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam. Trong đó, sinh viên Việt Nam được xem là cộng đồng sinh viên châu Á lớn thứ 2 ở Pháp (hơn 7.000 sinh viên). Việt Nam là một trong những nước tham gia thành lập khối Pháp ngữ vào năm 1970 khi ký công ước thành lập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT). Trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn đối với khách Pháp. Những năm gần đây, Việt Nam đón trung bình khoảng 230.000 - 240.000 du khách Pháp mỗi năm và là một trong 5 thị trường quan trọng của ngành du lịch Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Pháp, tạo động lực, xác lập khuôn khổ và định hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ ký hàng loạt văn bản hợp tác quan trọng về các lĩnh vực quốc phòng, tư pháp, công nghệ vũ trụ, sở hữu trí tuệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, du lịch, giáo dục… và một số hợp đồng kinh tế giá trị lớn, dài hạn. Hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ thảo luận về những đường hướng chiến lược và khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới cho phép đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trước khi có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vào chiều 25.3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dâng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây lưu niệm và thăm không gian Hồ chí Minh tại thành phố Montreuil thuộc Paris (Pháp).
QUỐC HƯNG (tổng hợp)