Mô hình tự quản ở khu dân cư tại TP.Tam Kỳ: Số lượng nhiều, hiệu quả chẳng bao nhiêu

XUÂN TRƯỜNG 26/03/2018 11:44

Có khá nhiều mô hình tự quản ở các khu dân cư tại TP.Tam Kỳ nhưng hoạt động không hiệu quả, còn mang tính hình thức do người dân chưa tích cực tham gia.

Mô hình tiếng loa đồng ruộng của Hội Nông dân phường Tân Thạnh được triển khai thực hiện năm 2010 với nội dung là bảo vệ môi trường tại các cánh đồng địa phương và giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực nông thôn trên địa bàn. Qua nhiều năm thực hiện, mô hình được đánh giá chưa hiệu quả. Tân Thạnh cũng là địa phương có số lượng các mô hình tự quản ở khu dân cư nhiều nhất với 23 mô hình. Nội dung các mô hình chủ yếu là giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… thuộc sự quản lý của nhiều tổ chức đoàn thể địa phương như: Công an, Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và các khối phố... Tuy nhiên, qua đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ, chỉ có một số mô hình hoạt động hiệu quả và được nhân rộng như mô hình tiếng loa an ninh, mô hình camera giám sát an ninh, mô hình 5 + 1… Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ, cho biết: “Không chỉ Tân Thạnh mà tại các địa phương khác trên địa bàn thành phố, việc xây dựng các mô hình tự quản do Mặt trận, Công an, UBND và các tổ chức chính trị xã hội xây dựng quá nhiều trong thời gian gần đây nhưng chỉ dừng lại ở lễ phát động ra mắt mô hình. Việc xây dựng quy chế hoạt động, quy trình thực hiện, sự tham gia của người dân còn nhiều hạn chế”.

Hiện trên địa bàn TP.Tam Kỳ có tổng cộng 77 mô hình tự quản ở các khu dân cư, xã phường. Nội dung gồm mô hình chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực phòng chống ma túy, mại dâm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng ngừa tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi về tái hòa nhập tại địa phương, giữ gìn nhà sạch vườn đẹp, bảng tin rao vặt miễn phí, tộc họ không có tệ nạn xã hội… Thực tế, có rất ít mô hình hoạt động hiệu quả và thật sự phát huy được vai trò của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, sự chồng chéo về đối tượng vận động cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hoạt động không hiệu quả của các mô hình tự quản. Trung tá Huỳnh Văn Đống - Đội trưởng Đội xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố Công an TP.Tam Kỳ cho biết: “Hiện nay, các mô hình tự quản tại Tam Kỳ dần rơi vào việc của hệ thống chính trị, hành chính hóa mà đánh mất tính tự chủ, ý thức tự thực hiện trong nhân dân. Do vậy, cần có giải pháp nâng cao nhận thức của người dân cũng như tự chủ về kinh phí hoạt động, không nên trông chờ vào ngân sách chính quyền địa phương,  có vậy mới phát huy tinh thần tự nguyện được”.

Thực tế cho thấy, không những có quá nhiều mô hình tự quản mà quy mô hoạt động cũng bị chồng chéo. Như mô hình tự quản về an ninh trật tự, ngoài công an xây dựng còn có nhiều tổ chức đoàn thể như hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… cũng xây dựng mô hình này. Tại một số địa phương, việc xây dựng các mô hình với đối tượng chỉ là cán bộ tham gia. Trong khi đó, đơn vị chủ quản tổ chức phát động rầm rộ, hình thức, gây lãng phí mà không đi vào thực chất hoạt động, có nơi chờ kinh phí mới hoạt động mà không tuyên truyền, vận động để nhân dân cùng thực hiện. Ông Ngô Đức Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trường Xuân chia sẻ: “Chúng ta không nên phát động tràn lan các mô hình tự quản mà phải phối hợp nhiều tổ chức đoàn thể để đứng ra phát động thực hiện. Có vậy mới tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia”. Còn ông Trần Văn Bé - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Thanh nói: “Mỗi khu dân cư, thôn xóm chỉ cần xây dựng một mô hình mang tính đặc thù là đủ. Vấn đề là làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân, qua đó, họ tự nguyện tự giác tham gia...”. Vì thế, trong thời gian tới cần tinh gọn các mô hình tự quản ở các khu dân cư tại Tam Kỳ để các mô hình đi vào thực chất mới phát huy được vai trò người dân.

XUÂN TRƯỜNG

XUÂN TRƯỜNG