Chia sẻ kinh nghiệm
Đà Nẵng là “lá cờ đầu” trong việc thúc đẩy khởi nghiệp tại khu vực miền Trung nhiều năm qua. Mô hình “Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng” (DNES) được xây dựng thành công và là đòn bẩy cho nhiều start-up đưa ý tưởng ra thị trường là điều đáng để Quảng Nam học hỏi, nhất là khi hai địa phương có nhiều điểm chung về không gian khởi nghiệp. Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Vũ Nguyên - Giám đốc DNES về kinh nghiệm ươm tạo những nhân tố khởi nghiệp.
Ông Trần Vũ Nguyên (phải) trao đổi với chuyên gia nước ngoài về vấn đề khởi nghiệp. |
Luôn chủ động, không ngừng đồng hành
P.V: Thưa ông, được biết, kể từ khi thành lập (năm 2016), ngoài việc thực hiện các đợt tuyển chọn rộng rãi để đưa vào khóa ươm tạo, DNES còn chủ động trực tiếp tìm kiếm các dự án tiềm năng khác trong cộng đồng?
Chính xác. DNES đã tổ chức được 5 đợt tuyển chọn dự án cho vườn ươm và hầu hết dự án chất lượng đến từ nguồn này. Tuy nhiên, chúng tôi còn cố gắng “săn lùng” thêm các dự án triển vọng khác thông qua việc tham gia một số sự kiện do các đối tác và trường đại học tổ chức như Startup Weekend. Đơn cử như dự án Homecares - dịch vụ cung cấp bác sĩ chữa bệnh tại nhà thông qua tổng đài điện thoại, trang web và ứng dụng di động. Dự án này không tham gia ứng tuyển vào các khóa tuyển chọn của DNES mà được DNES phát hiện qua một sự kiện rồi từ đó mới đưa vào chương trình ươm tạo của DNES.
P.V: Hiện nay, DNES đã hoàn thành 4 khóa ươm tạo, ngoài các dự án có thể thương mại hóa thì DNES ứng xử ra sao với những dự án còn chật vật, chưa thể cạnh tranh với thị trường?
Tất nhiên là không thể có chuyện 100% dự án ươm tạo tại DNES đều hoàn hảo. Có dự án sớm gặt hái được thành quả, có dự án lại cần thêm thời gian. Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: bản chất của ngành công nghiệp, thị trường, năng lực xây dựng sản phẩm và năng lực quản lý.
Với các dự án còn gặp nhiều khó khăn, trước hết DNES phân tích rõ vấn đề khúc mắc mà dự án đang vướng phải. Với những dự án này cần phải có sự kiên nhẫn và thường xuyên hỗ trợ bằng nhiều hình thức như kết nối chuyên gia tư vấn ngành, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, thúc đẩy dự án tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn nhu cầu khách hàng...
P.V: DNES vẫn đồng hành và đưa vào ươm tạo với cả những dự án khởi nghiệp đã đạt được một số thành tựu bước đầu?
Chặng đường khởi nghiệp trải qua rất nhiều giai đoạn: hình thành đội ngũ và ý tưởng, kiểm định mô hình kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường cho đến phát triển thị trường và ổn định doanh nghiệp. Đây là quá trình lâu dài và mỗi giai đoạn đều cần sự hỗ trợ tương ứng, nên chúng tôi luôn tâm niệm sẽ đồng hành với các start-up lâu nhất có thể.
Hiện tại DNES có chương trình hỗ trợ dự án trong giai đoạn phát triển thị trường và xây dựng doanh nghiệp. Với những dự án này, DNES sẽ tập trung nhiều hơn vào hoạt động hỗ trợ kết nối đối tác kinh doanh, xâm nhập thị trường mới, tuyển dụng và gọi vốn.
Cần tận dụng tối đa lợi thế bản địa
P.V: Hiện trên địa bàn Quảng Nam, phong trào khởi nghiệp lan tỏa nhưng có rất ít dự án tạo được dấu ấn và khác biệt, trong khi một số dự án khởi nghiệp của người Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng lại được đánh giá rất cao. Ông có thể chia sẻ quan điểm về thực tế này?
Người Quảng nói chung, mà đặc biệt là người Quảng Nam giàu tinh thần phấn đấu, có khát khao, đồng thời cũng rất khiêm tốn, ham học hỏi. Đây đều là những tố chất đáng quý và cần thiết để dẫn dắt doanh nghiệp thành công. Có thể thấy, một số bạn trẻ ở Quảng Nam tham gia chương trình ươm tạo tại TP.Đà Nẵng vì điều kiện kinh tế - xã hội ở Đà Nẵng phù hợp hơn với lĩnh vực khởi nghiệp mà các bạn đó chọn lựa. Tùy vào từng dự án cụ thể mà địa điểm khởi nghiệp có ảnh hưởng lớn đến sự thành công của dự án nên nhiều dự án vẫn có thể thành công ở Quảng Nam nếu có một chiến lược phát triển cụ thể.
Quảng Nam và Đà Nẵng thời gian qua có mối hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực khởi nghiệp. |
P.V: Theo ông, giới start-up trên địa bàn Quảng Nam cần thêm những gì để có thể phát huy hết khả năng, ý tưởng của mình?
Việc hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp - sáng tạo là rất đáng quý, đây là đòn bẩy bước đầu để Quảng Nam xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp gồm nhiều thành tố khác nhau như: dự án, nhà tư vấn, nhà đầu tư, công ty luật, báo chí, trường học… cùng chung tay hỗ trợ dự án khởi nghiệp. Mỗi start-up sẽ có nhu cầu hỗ trợ khác nhau, tuy vậy có thể nhóm chung thành một số nhu cầu chính như tư vấn phát triển sản phẩm và phát triển kinh doanh, tiếp cận thị trường, vốn đầu tư và hỗ trợ pháp lý.
Thành công của dự án khởi nghiệp ít nhiều liên quan đến yếu tố kinh tế - xã hội tại địa phương với các vấn đề như: động lực kinh tế của tỉnh và các vùng lân cận là gì? Cơ hội thị trường là gì? Nguồn nhân lực chất lượng cao nằm ở đâu? Có chính sách hỗ trợ gì nổi bật? Mỗi tỉnh, thành hay vùng miền đều có thế mạnh riêng để các start-up “bám vào” nếu biết tận dụng điều này, dự án khởi nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Cá nhân tôi đánh giá Quảng Nam là vùng đất rất giàu tiềm năng, trong đó có một số lĩnh vực nổi trội có thể xem xét đặt trọng tâm như nông nghiệp hay du lịch. Đặc biệt, Tập đoàn Ô tô Trường Hải cũng là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trên mảnh đất này và có nhiều đóng góp cho kinh tế địa phương nên cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Thaco để khuyến khích các dự án khởi nghiệp phát triển ở các lĩnh vực liên quan.
P.V: Xin cảm ơn ông!
QUỐC TUẤN