Nhân ngày nước thế giới 22.3: Lo ô nhiễm nguồn nước dưới lòng đất
Tại hội nghị công bố kết quả quan trắc môi trường năm 2017 do Sở TN&MT tổ chức ngày 21.3, cơ quan chuyên môn công bố nhiều dòng sông đã cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nước với nhiều chỉ số hóa học đảm bảo. Nhưng, đáng lo ngại là nhiều thông số môi trường nước dưới lòng đất có biểu hiện ô nhiễm, vượt giới hạn cho phép.
Nạn khai thác cát sỏi làm chất lượng nguồn nước hệ thống sông Thu Bồn suy giảm chất lượng. Ảnh: T.HỮU |
Dòng sông bớt đổi màu
Nhiệm vụ quan trọng của ngành tài nguyên môi trường hàng năm là quan trắc các dạng môi trường nước, không khí chung quanh, đất và trầm tích… Trong đó có hàng chục lần quan trắc môi trường nước mặt ở các hồ chứa nước, sông lớn và dưới lòng đất tại các khu dân cư, khu vực ven biển tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Theo kết quả quan trắc, ngoại trừ sông Bồng Miêu bị ô nhiễm chì quanh năm, năm 2017 các con sông Cái, hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, Ly Ly, Tam Kỳ, Trường Giang… một số thời điểm có các thông số ô nhiễm, nhưng so với 2 năm (2015 - 2016) đều cải thiện đáng kể về môi trường. Đánh giá về hệ thống sông Thu Bồn (gồm nhiều nhánh sông chảy, hợp lưu về đây), Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường tỉnh nhận định, 10 tháng đầu năm 2017, nguồn nước ở các sông không bị ô nhiễm bởi chất rắn lơ lửng (TSS), nhưng 2 tháng cuối năm bị ô nhiễm TSS, do ảnh hưởng của nước mưa lũ. Chuyển biến rõ nét là phần lớn các thông số gồm pH, DO, BOD5, COD, cyanua, dầu mỡ, các kim loại tại các khu vực quan trắc biến động không đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép.
Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường tỉnh đánh giá, thông số TSS đã cải thiện từ năm 2015 đến nay. Quan trắc hiện trường cho thấy, 2 năm gần đây nguồn nước ở các sông trong xanh hơn. Điều này xuất phát từ tình trạng đào đãi vàng, khai thác cát sỏi lòng sông giảm. Thêm nữa là việc xây dựng công trình thủy điện trên các sông ít đi, nhiều dự án đưa vào vận hành ổn định nên lượng chất rắn TSS phát sinh ít và còn được sa lắng ở các hồ. Chất lượng nước trên hệ thống sông Tam Kỳ, Trường Giang, theo cơ quan quan trắc nhận xét, tại hầu hết các điểm quan trắc đều đạt chất lượng ở các thông số hóa lý, TSS, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, hóa chất cyanua, dầu mỡ, các kim loại. Tuy nhiên, nồng độ clorua và chỉ số coliform vượt giới hạn trong một số đợt quan trắc, do sông bị xâm nhập mặn tự nhiên.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay, tần suất quan trắc cao nhất là 1 tháng/lần đối với nước mặt và không khí chung quanh. Nhiệm vụ quan trắc rất quan trọng nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu về chất lượng các thành phần môi trường, làm cơ sở lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường bền vững. Nguồn nước ở các sông phần lớn có thông số ổn định, đảm bảo chất lượng là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng thừa nhận rằng, quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh có giới hạn, nên thời gian đến cân nhắc điều chỉnh vị trí cho phù hợp.
Lo sử dụng nguồn nước bẩn
Tại vị trí quan trắc ở sông Bồng Miêu, nồng độ ph thường xuyên vượt giới hạn. Trong năm 2017 có 12 đợt quan trắc hầu hết đều bị ô nhiễm, cao nhất là vào tháng 9 vượt mức cho phép 6,9 lần. |
Tại thôn Phú Mỹ (xã Đại Minh, Đại Lộc), nhiều năm nay người dân địa phương rất bức xúc về nguồn nước sinh hoạt. Hầu hết người dân sử dụng nước giếng, hoặc mô tơ bơm nước dưới lòng đất. Nước ở đây bị nhiễm phèn rất nặng. Theo Thiếu tá Huỳnh Tấn Mười - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), thời gian gần đây có rất nhiều “địa chỉ đen” về ô nhiễm môi trường nguồn nước khai thác dưới lòng đất mà báo chí, người dân phản ánh. Vì vậy, cần mở rộng thêm hệ thống quan trắc ở các xã Đại Tân, Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Minh (Đại Lộc); phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) gần với nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp. Theo nhiều địa phương, nhiều điểm bức xúc về môi trường khu vực nông thôn vẫn chưa được quan trắc môi trường nên người dân rất bất an.
Vùng ven biển có nhiều vị trí quan trắc nguồn nước dưới đất. Như ở khu vực giếng nhà ông Nguyễn Bá Lời, nằm trong khu tái định cư Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) có nồng độ amoni vượt giới hạn cho phéo theo Quy chuẩn chất lượng Việt Nam. Kim loại Mn cũng vượt giới hạn cho phép vào tháng 3.2017 là hơn 2,2 lần. Quan trắc giếng của nhà ông Nguyễn Văn Quang (xã Hương An, Quế Sơn), giếng nước ông Nguyễn Thanh Truyền (xã Bình Nam, Thăng Bình), nhà bà Phạm Thị Đấu (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ), nhà ông Nguyễn Văn Điền (xã Tam Tiến, Núi Thành) hầu hết đều có thông số vi sinh trong nước như coliform vượt chuẩn cho phép. Ngoài ra, tại giếng của Ban quản lý chợ Nam Phước có nồng độ Fe, Mn thường xuyên vượt giới hạn cho phép. Nguyên nhân có thể do các mạch nước dưới đất chịu ảnh hưởng bởi chất bẩn ở vùng ao lầy sát bên cạnh, cùng với chất thải sinh hoạt đã thẩm thấu vào mạch nước.
Theo Sở TN&MT, theo chủ trương của Tỉnh ủy, đến năm 2020, 100% các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hiện có một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải, nước thải online và kết nối dữ liệu về Sở TN&MT theo dõi, quản lý.
TRẦN HỮU