Bất cập với quan trắc môi trường

TRẦN NGUYỄN 22/03/2018 14:31

Từ năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm luôn có kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể. Vậy nhưng, nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà nước cộng với nguồn kinh phí đầu tư quan trắc có hạn khiến công tác bảo vệ môi trường của tỉnh luôn khó khăn.

Nhiều năm nay, nguồn nước ngầm ở xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) bị nhiễm phèn.
Nhiều năm nay, nguồn nước ngầm ở xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) bị nhiễm phèn.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay, chương trình quan trắc môi trường năm 2017 trên địa bàn tỉnh thực hiện với 6 thành phần môi trường nước mặt, nước dưới đất, nước biển ven bờ, không khí chung quanh, đất và trầm tích với tần suất quan trắc cao nhất là 1 tháng/lần đối với nước mặt và không khí chung quanh. Nhiệm vụ quan trắc rất quan trọng nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu về chất lượng các thành phần môi trường, làm cơ sở cho lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường bền vững. Bà Hạnh cũng thừa nhận, quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh có giới hạn, nên thời gian đến cần cân nhắc điều chỉnh vị trí cho phù hợp với thực tế. Vì kinh phí ngân sách cấp giới hạn nên các khu vực quan trắc chưa mở rộng không gian, cần cân nhắc kỹ vị trí quan trắc.

Một thời chính quyền tỉnh với chính sách “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư nên tạo ra khoảng trống về công tác bảo vệ môi trường, làm cho công tác khắc phục hậu quả ô nhiễm đặt trong tình huống lúng túng. Bà Hạnh đơn cử ở Công ty Hùng Cường đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái trong khu vực lòng hồ Phú Ninh. Giai đoạn 1 doanh nghiệp này đã không thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt nên việc công ty xin đầu tư thêm sân golf đã bị UBND tỉnh cương quyết từ chối. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng xả thải ra môi trường trong khi chưa có các hệ thống quan trắc nguồn xả thải, chưa có căn cứ để xử phạt các hành vi gây hại đến môi trường. Các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, không phải nơi nào cũng được đầu tư hệ thống quan trắc nguồn xả thải. Theo giải thích của Sở TN&MT, những “điểm đen” ô nhiễm mà báo chí, người dân phản ảnh cũng cân nhắc quan trắc vì quan điểm của cơ quan quản lý là chọn vị trí nào cần thiết, bức bách. Ở phạm vi ngành, năm 2014, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã hoàn tất dự án quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nhưng đến thời điểm này, vẫn còn nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản lớn trong tỉnh vẫn chưa có hoạt động quan trắc môi trường, hoặc chỉ thực hiện quan trắc môi trường khi có dịch bệnh xảy ra.

Trước những bất cập trên, giải pháp căn cơ là nghiêm túc thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật Tài nguyên nước đã quy định. Quan trắc môi trường hàng năm cần mở rộng không gian, mang tính chính xác cao, xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải. Các cơ sở xả nước thải, cơ sở khai thác nước phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải và kết nối tự động vào hệ thống giám sát chung của Sở TN&MT. Từ các thông số cảnh báo, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN