Chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống

TƯỜNG QUÂN 20/03/2018 14:27

Không chỉ đồng thuận nhường đất sản xuất để xây dựng công trình phát triển đô thị, nhiều nông dân tại phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) còn tích cực chuyển đổi ngành nghề sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân Nguyễn Bá Chung chuyển sang làm mỳ để bỏ sỉ cho hàng quán tại khu công nghiệp. Ảnh: T.QUÂN
Nông dân Nguyễn Bá Chung chuyển sang làm mỳ để bỏ sỉ cho hàng quán tại khu công nghiệp. Ảnh: T.QUÂN

Cách đây 10 năm, ông Trần Văn Thuận ở khối phố 1, phường Trường Xuân bị thu hồi hơn 800m2 đất nông nghiệp để xây dựng khu dân cư. Chỉ còn 200m2 đất nông nghiệp, ông Thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà xưởng may mặc. Ban đầu gặp nhiều khó khăn vì chỉ với hai bàn máy may, vợ chồng ông phải vay vốn để mua nguyên liệu vải, rồi tự tìm đầu ra cho sản phẩm quần áo của mình. Sau một thời gian, khi người tiêu dùng biết đến sản phẩm của ông Thuận nhiều hơn, ông sản xuất thêm các mặt hàng đồ lao động, mở rộng thị trường ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên. Đến nay, xưởng may của ông thu hút hơn 20 lao động đến làm việc, mỗi ngày sản xuất 800 - 1.000 sản phẩm quần áo. Anh Trần Minh Thiên - lao động tại xưởng may của ông Thuận cho biết: “Làm việc ở đây gần nhà, lại không bị áp lực thời gian, lương cũng tương đối ổn định nên tôi đã gắn bó với xưởng may này hơn 5 năm rồi”. Với những nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất và đóng góp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, năm 2017 ông Thuận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Ông Thuận nói: “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất và thu hút thêm nhiều lao động. Tôi cũng sẵn sàng dạy nghề cho các thanh niên trẻ chưa có việc làm ổn định tại địa phương”.

Những năm gần đây, tại phường Trường Xuân, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Nhiều dự án, công trình được triển khai như khu công nghiệp Trường Xuân, khu dân cư dành cho người thu nhập thấp, quốc lộ 40B, đường Điện Biên Phú nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… nên nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hồi. Thực hiện chủ trương chung, nông dân ở đây đã nhường lại đất cho các đơn vị thi công và chủ động chuyển đổi sang các ngành nghề khác như may mặc, làm giày dép, làm bún mỳ... để thích ứng với tình hình tại địa phương. Ông Nguyễn Bá Chung ở khối phố 2, khi dự án khu công nghiệp Trường Xuân được triển khai thi công, ông bị thu hồi 1.000m2 đất lúa. Không còn đất sản xuất, ông Chung chuyển sang sản xuất mỳ để bỏ sỉ cho các quán ăn và bếp ăn tại khu công nghiệp. “Ban đầu, tôi làm mỳ với quy mô nhỏ lẻ, thủ công, đủ để gia đình sinh sống nhưng đến nay, tôi mua máy móc, mỗi ngày sản xuất gần 2 tạ mỳ, đời sống gia đình đã khá giả hơn trước rất nhiều” - ông Chung nói.

Để hỗ trợ cho nông dân trên địa bàn, đặc biệt là các hộ nông dân mất đất sản xuất, Hội nông dân phường Trường Xuân đã có nhiều giải pháp về vốn vay, vận động thành lập tổ hợp tác sản xuất, kết nối đầu ra sản phẩm… Từ đó, nhiều nông dân mất đất sản xuất đã chuyển đổi ngành nghề phù hợp, không chỉ vươn lên làm giàu mà còn đóng góp ngân sách, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Ông Dương Văn Tân - Chủ tịch Hội Nông dân phường Trường Xuân nói: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân mất đất sản xuất có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân và nhiều kênh khác nhau”.

TƯỜNG QUÂN

TƯỜNG QUÂN