Rượu đắng

C.B.L 20/03/2018 08:30

Nhiều độc giả lo lắng và tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ ngộ độc nghi do rượu xảy ra tại xã Cà Dy (Nam Giang) mà các báo liên tục đăng tải trong mấy ngày qua.

Vụ việc xảy ra từ ngày 15.3, khi nhiều người dân ở thôn Pà Păng (xã Cà Dy) cùng tham gia bữa rượu trước đó phải nhập viện vì có chung triệu chứng khó thở, đau bụng, mỏi chân tay, mắt mờ… Trong 5 trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, 3 người đã tử vong. Hai người còn lại đang được tích cực điều trị tại Đà Nẵng trong tình trạng ngưng thở, hôn mê sâu, tiên lượng xấu. Nhìn chung, số người cấp cứu tại các bệnh viện đều có cùng biểu hiện như suy giảm chức năng gan, thận, hoạt động của gan, thận có biểu hiện bất thường, hôn mê sâu, tụt huyết áp… Các bác sĩ chuyên khoa nhận định, tất cả triệu chứng của bệnh nhân phù hợp với biểu hiện do ngộ độc rượu. Tuy nhiên, để khẳng định chính xác thì phải xét nghiệm độc tính, gửi mẫu xét nghiệm ra Hà Nội để làm rõ.

Ngộ độc rượu từng là nỗi lo của cả cộng đồng cách đây chưa lâu khi nhiều vụ xảy ra liên tiếp ở các tỉnh phía Bắc, làm nhiều người tử vong. Vụ việc ở Nam Giang cũng có những tình tiết tương tự, đang gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng nhà nhà nấu rượu trong khi sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng còn quá lỏng lẻo. Rượu là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng, sử dụng thường xuyên và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; dù đã có các quy định về chế biến, sản xuất nhưng không được nhiều cơ sở tuân thủ. Dễ thấy nhất là mặt hàng rượu gạo, đang được sản xuất tràn lan trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn. Quy trình sản xuất rượu gạo khá đơn giản: nấu cơm, trộn ủ với men, sau đó chưng cất là… xong. Đơn giản vậy mà nhiều người còn “đốt cháy giai đoạn” trong quá trình sản xuất. Một thời người sử dụng hoảng hốt khi phát hiện nhiều cơ sở không cần nấu cơm, chỉ cần trộn gạo với men là ra rượu. Và nhiều câu hỏi cũng được đặt ra như loại men “siêu tốc” này chứa những gì, nguồn gốc ra sao, cơ quan chức năng có xử lý gì không... nhưng chưa được trả lời cụ thể. Rồi loại men phổ biến mà người dân đang ủ với cơm để nấu rượu gạo bây giờ, thường chỉ là dạng cục bột màu trắng, bọc trấu..., cũng đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn gốc. Chưa hết lo về rượu gạo, bây giờ người ta lại lo về rượu ngâm với đủ thứ loại rễ, lá cây đang được sản xuất, chế biến, sử dụng tràn lan.

Việc sản suất, chế biến rượu của cả nước và trên địa bàn tỉnh rất khó kiểm soát. Thực tế hơn nữa là có nhiều ngành, cơ quan chức năng cùng quản lý loại hình sản xuất, kinh doanh này nên chồng chéo và rốt cuộc để lại quá nhiều khoảng trống.

C.B.L

C.B.L