Hỗ trợ giảm nghèo phải gắn địa chỉ cụ thể

DIỄM LỆ 19/03/2018 14:33

Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh xác định giảm nghèo phải gắn với địa chỉ cụ thể, không chạy theo tỷ lệ để thoát nghèo bền vững và hiệu quả.

Hộ nghèo ở miền núi rất khó thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L
Hộ nghèo ở miền núi rất khó thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Nghị quyết 13 (NQ 13) của HĐND tỉnh được thực hiện đã tạo một đòn bẩy khuyến khích hộ nghèo có thêm động lực thoát nghèo. Trong năm 2017, tổng số hộ đăng ký thoát nghèo bền vững theo đăng ký trong toàn tỉnh là 3.989 hộ, tổng số hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững là 5.980 hộ. Kết quả có 3.567 hộ nghèo và 5.801 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững theo đăng ký. Tổng nguồn ngân sách tỉnh và huyện, thành phố cấp để thực hiện các chính sách dành cho hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo bền vững hơn 107 tỷ đồng.

Theo sát hộ nghèo

Ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Cùng với các chính sách giảm nghèo khác, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,28% (38.112 hộ), hộ cận nghèo còn 4,53% (18.590 hộ). Nguyên nhân nghèo chủ yếu là thiếu vốn sản xuất, thiếu đất sản xuất, gia đình có đông người phụ thuộc, không có kế hoạch sản xuất, chi tiêu... Trong thực hiện NQ 13 vẫn còn một số tồn tại như triển khai đăng ký thoát nghèo chậm; công tác thông tin, tuyên truyền còn hạn chế; một số hộ nghèo đăng ký thoát nghèo nhưng chỉ vươn lên cận nghèo, sau đó tiếp tục đăng ký thoát nghèo năm sau; hộ thoát nghèo được hỗ trợ vay vốn tối đa 50 triệu đồng, ưu đãi 100% lãi suất nhưng còn dư nợ vay tại ngân hàng khi còn là hộ nghèo, vì thế không thể tiếp tục vay vốn khi chưa hoàn trả nguồn vay cũ...”.

Về việc cho vay đối với hộ thoát nghèo, ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải thích rằng, ngân hàng triển khai cho vay, căn cứ trên danh sách phê duyệt của huyện trong đăng ký thoát nghèo. Các hội đoàn thể ở thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn ở tổ dân cư gặp trực tiếp từng hộ thẩm tra rồi mới giải ngân. Ông Lam cho biết: “Trong một năm, số hộ thoát nghèo bền vững nếu là 6.000 hộ thì nguồn vốn từ ngân sách tỉnh phải bổ sung hơn 300 tỷ đồng nữa. Ngân hàng cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh từ các chương trình khác để đưa vào chương trình này cũng không kịp để cho vay. Trong khi tỉnh ủy thác qua ngân hàng chỉ được 30 tỷ đồng, nguồn từ Trung ương chuyển về cũng chỉ đạt 60 tỷ đồng…”.

Còn theo ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, hiện nay chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Trong khi đó, hai chương trình này có sự tương tác, liên quan lẫn nhau. Đơn cử, về xây dựng nông thôn mới bao hàm cả tiêu chí giảm nghèo. Ông Hồng phân tích thêm: “Trong tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh tập trung chủ yếu hộ dân tộc thiểu số (chiếm đến 56%). Chính vì thế cần tập trung đầu tư mạnh cho hộ nghèo có khả năng thoát nghèo. Bây giờ đã bóc tách được nguyên nhân nghèo rồi, hộ nghèo biến động nghèo vì nguyên nhân gì cũng cần cập nhật liên tục, bám sát để tác động chính xác”.

Hỗ trợ gắn địa chỉ

Trong buổi làm việc của HĐND tỉnh với Sở LĐ-TB&XH về thực hiện chính sách giảm nghèo, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh quán triệt: “Muốn thoát nghèo bền vững thì chủ trương là 1, biện pháp phải 10, thực hiện phải 20, 30. Đồng thời sâu sát sự chuyển biến trong từng thời điểm để lượng hóa được kết quả đầu ra. Muốn 6.000 hộ nghèo trở lên thoát nghèo trong năm 2018 cần có danh sách cụ thể, hoàn cảnh từng người ra sao, cần tác động gì để thoát nghèo”. Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu đến cuối tháng 3.2018, Sở LĐ-TB&XH phải có danh sách chi tiết về tên tuổi, địa chỉ hộ đăng ký thoát nghèo, báo cáo HĐND, UBND. Khi triển khai cho hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu khảo sát kỹ, chủ yếu tập trung vào nhóm thiếu vốn, nhóm có lao động mới cho đăng ký, tuyệt đối không để đăng ký hưởng chính sách rồi lại tái nghèo. Trong quá trình khảo sát phải làm kỹ khâu thẩm tra, xác minh lại danh sách cụ thể, kiểm soát số liệu, thông tin chắc chắn. Đối với hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội cần xếp ra riêng, người đó là chủ hộ hay thành viên trong hộ. Có hộ không nghèo, nhưng 2 người bảo trợ thì thành nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Hiện nay, việc xếp hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội không rõ ràng, bởi không phải trong hộ ai cũng thuộc diện bảo trợ, mà chỉ một người thuộc diện bảo trợ thì cả hộ ăn theo... Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội phải có cơ chế riêng, qua hệ thống bảo trợ để tính phương án hỗ trợ hiệu quả nhất.

Một yêu cầu nữa của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang là Sở LĐ-TB&XH cần phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông thiết kế hệ thống theo dõi, đánh giá để giám sát tình trạng cụ thể của hộ nghèo. Danh sách phải cập nhật liên tục tình trạng hộ nghèo, thành kho dữ liệu để có biện pháp tác động liên tục. Sở LĐ-TB&XH và các địa phương cùng làm, cùng rút kinh nghiệm để mang lại hiệu quả trong giảm nghèo. Bên cạnh đó, con số hộ nghèo không được mập mờ, phải rõ ràng. Vì thế cần có hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhất. Sau khi có danh sách hộ đăng ký thoát nghèo cụ thể, tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo đối với các địa phương, kết hợp kiểm tra thực tế để đưa ra biện pháp xử lý đối với những địa phương không kiên quyết trong giảm nghèo.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ