Phát triển du lịch ẩm thực Đà Nẵng kết nối thế giới
(QNO) - Sở Du lịch TP.Đà Nẵng vừa phối hợp với Trường Đại học (ĐH) Duy Tân tổ chức hội thảo quốc tế “Du lịch ẩm thực 2018”, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm tại ĐH Duy Tân. Ảnh: THU CÚC |
Tham dự, giao lưu tại hội thảo có ông Keerthi Hapugasdeniya - Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Ẩm thực quốc tế Hội An; ông Thomas Andreas Gugles - Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp thế giới; 12 đầu bếp đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (vừa tham gia Liên hoan Ẩm thực quốc tế Hội An 2018).
Khát vọng
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 26.10.2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định “đầu tư phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố”. Đến đầu năm 2017, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về phát triển du lịch TP.Đà Nẵng “trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch phát triển tạo nền tảng để phát triển đột phá cho ngành, thúc đẩy và tạo cơ sở cho ngành khác phát triển; xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế”.
Trên thực tế, những năm qua ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước tăng trưởng rõ rệt. Giai đoạn 2012 - 2017, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến thành phố bình quân đạt hơn 21%. Năm APEC Việt Nam 2017, khách du lịch đến Đà Nẵng hơn 6,5 triệu lượt, trong đó có gần 2,5 triệu khách quốc tế (tăng 20% so cùng kỳ năm 2016); tổng doanh thu du lịch đạt 19,5 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016.
TP.Đà Nẵng đã quy tụ được nhiều thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế uy tín như: Hyatt, Intercontinental,Pullman, Novotel, Mercure, Sheraton, Hilton và Mariott. Đồng thời, nhận được các giải thưởng quốc tế danh giá: điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á do Tổ chức Du lịch thế giới WTA trao tặng, top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á do Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn… Với việc tận dụng tốt lợi thế và thời cơ, Đà Nẵng đã ghi dấu son trên bản đồ du lịch Việt Nam, trở thành một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, theo bà Hồng Hạnh, trong bối cảnh mới với sự đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng cao, du lịch TP.Đà Nẵng phải thay đổi nếu không muốn tụt hậu. Có 2 cách chọn, Đà Nẵng hoặc phải làm mới các sản phẩm cũ hoặc phải có những sản phẩm mới hướng về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Do đó, Đà Nẵng đang xây dựng những tour du lịch văn hóa ẩm thực, độc đáo, giúp quảng bá bản sắc văn hóa xứ Quảng, thu hút thêm nhiều khách du lịch trong tương lai gần.
Du lịch ẩm thực kết nối thế giới
TS. Lê Nguyên Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân chia sẻ: “Là một cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn TP.Đà Nẵng, Trường ĐH Duy Tân luôn mong muốn được đóng góp, cống hiến sức mình vào sự phát triển của thành phố. Trong năm học 2013 - 2014, ĐH Duy Tân đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố tổ chức hội thảo “Phát triển thương hiệu du lịch TP.Đà Nẵng”. Tiếp đó, nhà trường xây dựng Đề án Phát triển ngành công nghiệp giải trí tại TP.Đà Nẵng và đã được nghiệm thu trong năm 2016. Nhằm góp phần tìm hướng đi mới cho du lịch Đà Nẵng, ĐH Duy Tân đã phối hợp Sở Du lịch TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo này”.
Tại hội thảo, ông Thomas Andreas Gugles - Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp thế giới khẳng định: “Những năm gần đây, một trong những xu hướng du lịch tăng trưởng nóng và mạnh mẽ nhất trên toàn thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á chính là du lịch ẩm thực. Đối với du khách, du lịch ẩm thực đem lại những trải nghiệm độc đáo về bản sắc văn hóa địa phương, đồng thời nâng cao sự hài lòng về trải nghiệm chung của chuyến đi”.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, du lịch ẩm thực không những giúp quảng bá văn hóa địa phương, thu hút thêm nhiều khách du lịch và khuyến khích chi tiêu cho các dịch vụ, mà còn góp phần tạo nên sức hút của điểm đến thông qua trải nghiệm về văn hóa ẩm thực địa phương. Hội thảo cũng đưa ra những chia sẻ, bàn luận về du lịch ẩm thực tại Singapore; ẩm thực và ngoại giao tại Hồng Kông; cùng giao lưu, giới thiệu nền ẩm thực Việt Nam và thế giới. Qua đó, góp ý về phương hướng và giải pháp phát triển du lịch văn hóa ẩm thực tại TP.Đà Nẵng trong thời gian tới.
Còn nhớ, món ăn địa phương duy nhất trong bữa tiệc Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 vào tối 9.11.2017 tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) giản dị là món mì Quảng. Đó là mì Quảng Giao Thủy ở số 1B, Ba Đình (Đà Nẵng) - một quán bình dân, giá rất bình dân và không đổi suốt 5 năm qua. Chủ quán là ông Tào Viết Mười (quê Duy Hòa, Duy Xuyên) và vợ - bà Lê Thị Thúy Mười (quê Đại An, Đại Lộc) chia sẻ, để quán mì nhỏ bé của mình cung cấp 1.300 tô mì Quảng cho bữa tiệc đêm đó, ông bà đã phải huy động 20 nhân viên của hệ thống mì Giao Thủy tại Quảng Nam và Đà Nẵng, trong một ngày rưỡi mới hoàn tất các khâu chuẩn bị. Và kết quả 1.300 tô mì Quảng dọn lên thay cho món súp đêm đó được các thực khách tấm tắc khen.
“Chỉ có ngon, quán mì của tôi mới được chọn. Khi khẩu vị món ăn đi vào lòng người thì món ăn ấy mới vượt qua các rào cản. Hai người không nói cùng một ngôn ngữ cũng có thể ngồi vào bàn chia sẻ một bữa ăn và có ngay một thứ chung: yêu thích ẩm thực” - ông Mười bộc bạch. Mì Quảng Giao Thủy phục vụ APEC tô đượm tình nghĩa vợ chồng và mở ra cơ hội làm ăn mới của ông bà Mười. Hy vọng du lịch văn hóa ẩm thực Đà Nẵng phát triển cũng sẽ nhanh chóng kết nối với mọi người trên thế giới như vậy.
THU CÚC