Chiến dịch truyền thông dân số năm 2018: Chú trọng vùng khó khăn

THUẬN AN 15/03/2018 13:39

Trong chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) năm 2018, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh hướng về các xã thuộc vùng khó khăn cũng như xã có dân số đông, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao, nhằm thực hiện đạt mục tiêu dân số - KHHGĐ đề ra trong năm.  

Tuyên truyền sau lễ phát động trong chiến dịch truyền thông dân số năm 2018 ở Nam Giang. Ảnh: H.Vũ
Tuyên truyền sau lễ phát động trong chiến dịch truyền thông dân số năm 2018 ở Nam Giang. Ảnh: H.Vũ

Lễ phát động chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép, cung cấp dịch vụ SKSS và KHHGĐ đợt 1 năm nay tổ chức tại huyện vùng cao Nam Giang. Ông Trần Tấn Tài - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Nam Giang thông tin, đợt 1 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 6.3 và chỉ trong 2 ngày đầu, tại 2 địa phương phát động là thị trấn Thạnh Mỹ và xã Cà Dy đã có khá đông đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ hưởng ứng chiến dịch.

Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ năm 2018 được tổ chức 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 1.3 đến 30.4; đợt 2 từ ngày 1.7 đến 30.9 tại các xã có chỉ tiêu biện pháp tránh thai đạt thấp. Mỗi xã tổ chức chiến dịch đảm bảo tập trung từ 2 - 4 ngày, gồm các hoạt động chủ yếu: tuyên truyền, tư vấn, vận động đối tượng và tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ. Địa bàn tổ chức chiến dịch được chọn là các xã thuộc vùng khó khăn, xã biên giới; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã có dân số đông, tỷ lệ sinh thứ ba trở lên còn cao.

“Để chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ đạt hiệu quả, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã tổ chức thường xuyên các chương trình truyền thanh, truyền hình, mít tinh, cổ động, nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi và tuyên truyền trực quan bằng pa nô, khẩu hiệu... Đồng thời huy động 2 đội lưu động và 12 cán bộ y tế tuyến xã, tuyến huyện tham gia chiến dịch” - ông Trần Tấn Tài cho biết. Nhờ làm kỹ công tác tuyên truyền, vận động, chỉ sau 2 ngày thực hiện chiến dịch, tại 2 xã, thị trấn phát động đã có nhiều người thực hiện và sử dụng gói dịch vụ KHHGĐ như đặt vòng, tiêm thuốc, cấy thuốc, đình sản, sử dụng viên tránh thai, bao cao su và được chăm sóc SKSS toàn diện. Đặc biệt, gói dịch vụ phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản (khám phụ khoa cho phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi và xét nghiệm soi tươi, phiến đồ âm đạo cho trường hợp cần xác định bệnh) thu hút hơn 210 lượt phụ nữ đến khám; trong đó có 155 phụ nữ được soi tươi; 45 phụ nữ được phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản đều được điều trị tại xã. Nhiều phụ nữ chia sẻ, nếu không có đợt khám lần này, có lẽ các chị không có cơ hội kiểm tra SKSS, vì phải lo đối mặt với cái ăn, cái mặt hằng ngày của gia đình.

Bác sĩ Phan Đình Nhân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho hay,  thực hiện chiến dịch đợt này, toàn ngành phấn đấu đạt 50% chỉ tiêu triệt sản, 60% chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung, 50% chỉ tiêu thuốc cấy tránh thai. Đặc biệt, đảm bảo 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn kiến thức về chăm sóc SKSS - KHHGĐ và các chiến dịch dân số. Bác sĩ Nguyễn Đình Nhân thông tin thêm, bên cạnh công tác chỉ đạo, Chi cục DS - KKHGĐ tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu và nguồn nhân lực phục vụ chiến dịch. Đáng chú ý, chiến dịch đợt này, bên cạnh cấp miễn phí phương tiện tránh thai, thông qua các hoạt động tuyên truyền, ngành vận động nhân dân chấp nhận thực hiện các biện pháp tránh thai theo hình thức tiếp thị xã hội hoặc xã hội hóa. Về truyền thông, ngoài cách làm truyền thống dán băng rôn, áp phích và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như lâu nay, lần này ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trước, trong và sau chiến dịch bằng hình thức tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình...

THUẬN AN

THUẬN AN