Chế tạo thiết bị đo nồng độ cồn trên xe máy
(QNO) - Nhờ đam mê sáng tạo, Nguyễn Văn Sỹ - học sinh lớp 11/2, Trường THPT Phan Châu Trinh (huyện Tiên Phước) đã chế tạo thành công thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe máy.
Em Nguyễn Văn Sỹ trên chiếc xe gắn thiết bị đo nồng độ cồn. Ảnh:T.T |
Sỹ cho biết, cuối năm học năm 2016 - 2017, khi nhà trường phát động cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường, em đã nghĩ ngay đến việc chế tạo một thiết bị đo nồng độ cồn gắn trên xe máy giúp người uống rượu bia kiểm soát nồng độ cồn, hạn chế gây tai nạn giao thông. Sau khi hình thành ý tưởng, Sỹ bắt đầu phát thảo bản vẽ và nghiên cứu, dịch tài liệu nước ngoài để tham khảo thiết bị đo nồng độ cồn đã có ở các nước khác.
Khi đã có bản vẽ và nắm vững nguyên lý hoạt động của máy đo nồng độ cồn qua một số tài liệu, Sỹ lên mạng đặt thiết bị từ TP.Hồ Chí Minh về và tiến hành chế tạo. Ban đầu, Sỹ tận dụng chiếc xe máy của gia đình để làm thí nghiệm và được gia đình ủng hộ. Qua 6 tháng nghiên cứu, trải qua 3 lần thất bại, Sỹ đã chế tạo thành công máy đo nồng độ cồn gắn trên xe máy. Chi phi chế tạo hơn 1 triệu đồng.
Màn hình thể hiện thông số nồng độ cồn khi người điều khiển xe máy thổi vào ống đo: Ảnh: T.T |
Với đề tài “Thiết bị kiểm soát thông minh và nâng cao an toàn cho lái xe khi sử dụng rượu bia”, Sỹ đã đoạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018. |
“Ban đầu khi nghiên cứu và làm, em tiến hành cài đặt thiết bị tắt, mở máy ở ổ khóa của xe máy. Tuy nhiên sau một thời gian, nhận thấy còn nhiều nhược điểm nên em quyết định gắn thiết bị vào bugi của xe. Nếu người điều khiển vượt quá nồng độ cồn, thiết bị đo sẽ tự điều chỉnh, bugi không đánh lửa và xe không nổ” - Sỹ chia sẻ. Ngoài ra, theo Sỹ, nếu vượt quá nồng độ cồn đã cài đặt sẵn, thiết bị sẽ tự định dạng vị trí thông qua tin nhắn hay Google maps để người thân dễ dàng xác định.
Để sử dụng, sau khi mở khóa xe cho thiết bị hoạt động, người điều khiển xe máy phải thổi vào ống đặt ở đầu xe. Sau đó máy sẽ đo, phân tích nồng độ cồn và hiển thị thông số qua màn hình được lắp ở đầu xe máy. Nếu nồng độ chưa vượt mức cho phép (0,2mg/l khí thở) thì thiết bị sẽ mở dây nguồn của IC phát lửa trực tiếp cho động cơ hoạt động.
Thầy Phạm Hữu Thức - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh động viên Sỹ tiếp tục cố gắng trong lĩnh vực sáng tạo khoa học. Ảnh: T.T |
Trong trường hợp nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép thì thiết bị sẽ hiển thị thông số lên màn hình, báo “không an toàn” để có thể lái xe. Đồng thời lúc đó điện thoại của người lái xe sẽ tự động báo tin nhắn về một số điện thoại của người thân đã được cài đặt sẵn trong thiết bị. Tín hiệu kích hoạt từ hệ thống đo nồng độ cồn vượt mức cho phép đến khi khởi động điện thoại là 5 giây.
Thầy Phạm Hữu Thức - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh nhận xét, Sỹ là một học sinh rất ngoan, học giỏi, đặc biệt rất đam mê sáng tạo. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để em phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực sáng tạo khoa học cũng như các hoạt động khác.
THANH THẮNG