Giải pháp phát triển du lịch Quảng Nam

VĨNH LỘC 12/03/2018 14:36

Để phát triển du lịch Quảng Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn rất cần sự chung tay giữa doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan với kế hoạch và lộ trình bài bản.

Chương trình hành động nhằm đưa du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: V.L
Chương trình hành động nhằm đưa du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh: V.L

Cuối tuần qua, tại TP.Tam Kỳ Sở VH-TT&DL báo cáo trước UBND tỉnh Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 103 của Chính phủ (103/NQ/TW) và Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy (08-NQ/TU) về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài doanh nghiệp cần có sự tham gia của nhiều sở, ngành vì đây là ngành kinh tế đa ngành nghề; phải xây dựng được chính sách, cơ chế cụ thể; thay đổi cách thức truyền thông nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Báo cáo chương trình hành động tại buổi góp ý, ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, để đạt được mục tiêu các nghị quyết đề ra, thời gian tới bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ. Cụ thể, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường du lịch tốt; thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lao động du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.

Trong đó, cần xác định du lịch phải chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại… Đặc biệt, rà soát, thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch; xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin kết nối tới các điểm đến; thúc đẩy mở các tuyến đường bay trong nước tại sân bay Chu Lai, tiến tới mở tuyến đường bay quốc tế sau năm 2020. “Dự báo thời gian tới sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ quá tải nên việc nâng cấp sân bay Chu Lai để đón đầu một lượng khách lớn đến Quảng Nam và miền Trung là điều chúng ta cần tính toán” - ông Tường gợi ý.

Một vấn đề cũng rất quan trọng chính là xây dựng và thực hiện Đề án cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản (Hội An - Mỹ Sơn - Cù Lao Chàm - Nước Oa) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam trở thành đơn vị trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng lao động cho ngành du lịch tỉnh. Khuyến khích các trường, doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại lao động du lịch; tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch….

Từng bước hoàn thiện

Tại buổi góp ý, ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, một yếu tố quan trọng mà Chương trình hành động phát triển du lịch tỉnh không nhắc đến chính là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; cơ sở y tế đạt chuẩn và cơ sở vật chất cho người khuyết tật. Trong đó, việc đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Hội An nhằm phục vụ người dân và du khách tham quan khi có sự cố xảy ra là điều cấp thiết. “Phần lớn du khách khi có vấn đề về sức khỏe chủ yếu đến Bệnh viện Thái Bình Dương hoặc ra Đà Nẵng do cơ sở hạ tầng, khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hội An không đạt. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Hội An mà bệnh viện cũng mất đi nguồn thu đáng kể từ hoạt động khám chữa bệnh của du khách” - ông Vân cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, vấn đề cần quan tâm lúc này chính là chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành du lịch. Hiện Quảng Nam có 7 cơ sở đào tạo nghề có liên quan đến du lịch, mỗi năm ra trường khoảng 1.500 sinh viên, tuy nhiên cũng chỉ trên 300 sinh viên đạt trình độ cao đẳng, trung cấp, còn lại là sơ cấp, ngắn hạn. “Qua số liệu trên cho thấy nguồn nhân lực du lịch đào tạo rất ít, trình độ chuyên môn sâu chưa bao nhiêu; điều này giải thích vì sao nguồn nhân lực này chưa đáp ứng được nhu cầu và sự phát triển của du lịch, đó là chưa tính đến việc Quảng Nam đang tính toán một chương trình hành động về du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm” - ông Thùy nói.

Kế hoạch giai đoạn 2018 - 2020, Sở VH-TT&DL sẽ phối hơp với một số ban, ngành, địa phương liên quan triển khai 24 đầu việc cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. “Quá trình thực hiện Chương trình hành động, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung nội dung nào sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Sở VH-TT&DL báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định” - ông Lê Ngọc Tường nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC