Văn hóa đám đông
Văn hóa đám đông là cụm từ dùng để nói về một đám đông có cùng cách cư xử giống nhau. Dĩ nhiên, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của đám đông là điều không cần phải bàn cãi. Tôi nghĩ, gọi đó là trào lưu hoặc phong trào có vẻ đúng hơn. Xu thế làm theo đám đông có khá nhiều ở mọi nơi. Phần lớn nó xảy ra khi có một hoặc một vài người trong đám đông làm điều gì đó, những người còn lại tự động làm theo như một phản xạ vô điều kiện, chẳng cần biết là đúng hay sai. Chuyện xảy ra thường nhật không hiếm, trên mạng xã hội lại càng dễ dàng hơn để nhận ra điều đó. Ăn, ngủ, đi làm, đi chơi, đàn đúm bạn bè… tất tần tật từ A đến Z đều được post lên Facebook để thể hiện phong cách sống, cá tính riêng biệt của một cá nhân nào đó. Thậm chí, không ít người coi đó là cách để thể hiện bản thân trước cộng đồng. Thi thoảng, tôi vẫn thường thấy các clip đánh ghen, “bóc phốt”, chửi bới… lẫn nhau xuất hiện nhan nhản mỗi lần lướt bảng tin Facebook. Lạ kỳ thay, mỗi bài viết đều nhận được hàng nghìn lượt like, chia sẻ với tốc độ đáng kinh ngạc. Nói không ngoa, chúng ta đã và đang “tiếp tay” tạo nên văn hóa đám đông mà tốt thì ít xấu thì nhiều?!
Trong khoảng thời gian khoảng một vài năm trở lại đây, có lẽ chúng ta chẳng đếm được có nhiêu phong trào nổi lên rồi vội tắt. Điển hình là việc “đón đầu” xu hướng ăn uống như kinh doanh bún đậu mắm tôm, chân gà sả ớt, chè khúc bạch… của giới trẻ hay trào lưu phong cách thời trang thập niên retro, vintage bắt đầu quay trở lại và phát triển mạnh mẽ. Đôi khi, chúng ta quên mất rằng cuộc sống là một vòng tròn tuần hoàn, đến rồi đi, đi rồi trở về là chuyện sớm hay muộn, cũng như việc thoái trào không mau thì lâu cũng sẽ xảy ra. Nói đâu cho xa, khi hỏi các bạn trẻ tại sao lại chọn đọc cuốn sách này, nghe bài nhạc kia, phần lớn sẽ nhận được câu trả lời đại loại: “Vì đó là thứ đang được nhiều người quan tâm. Nếu không theo, không nhạy bén bắt kịp thời đại thì há chẳng phải trở thành kẻ tụt hậu lạc lõng giữa đám đông hay sao?”. Vâng, nhờ hiệu ứng đám đông mà những cuốn sách dù nội dung vô bổ, những bài hát có câu từ lệch lạc, những bộ phim có nội dung tầm phào nhưng gắn mác “cấm người dưới 18 tuổi xem” vẫn “cháy hàng” như thường. Mọi việc xảy ra là thật nhưng những gì chúng ta nhận được phải chăng đang là “ảo”?
Sự “tàn bạo” chính là một trong những hệ lụy mà tâm lý đám đông gây ra. Xã hội bây giờ có thể giết chết một mạng người mà hai đối tượng chẳng cần biết nhau. Đám đông thật mạnh mẽ, phi thường, sự hợp sức của đám đông có thể tạo nên những sự kiện rung chuyển, những kỳ tích không ngờ. Đó cũng chính là con dao hai lưỡi sắc bén đến mức vô cùng đáng sợ. Cô học trò nhỏ tự tử vì bị cô giáo và bạn bè ép nhận tội trộm cắp do mất tiền trong lớp học dù chưa phân định đúng sai. Nữ sinh cấp ba hoảng loạn tìm đến cái chết khi bị bạn trai tung clip nóng lên mạng sau khi chia tay… Và ngoài kia vẫn còn hằng hà sa số những trường hợp là nạn nhân của hội chứng đám đông. Người ta hò reo, cổ xuý, tán dương, vui mừng khi thấy một ai đó rơi vào “thế yếu”. Khi hiệu ứng đám đông xuất hiện, dường như mọi lý trí đều bị cảm xúc đè bẹp lúc nào chẳng hay…
Không thể phủ nhận những điều tốt đẹp mà đám đông mang lại như sự lan tỏa những việc làm từ thiện, những hành động vì cộng đồng của một cá nhân hay tinh thần thể thao đầy cảm xúc của một đội tuyển U23 với nước nhà... Chúng ta có quyền đưa ra quan điểm, chính kiến, nhận thức của cá nhân nhưng phải biết tỉnh táo trước các luồng thông tin, các vấn đề xã hội. Hãy chỉ nên hòa mình theo đám đông khi ta biết những điều đó mang lại ý nghĩa thật sự cho bản thân, cho cộng đồng, hoặc chí ít, nó không gây hại cho bất kỳ ai!
HẠNH NGUYÊN TRANG