Nương náu những ân tình
Những chiếc lá vàng lay lắt, thật may mắn có được một chỗ nương náu những tháng năm cuối đời bên nhau, cùng những ân tình. Tại Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức, thật khó để kể hết ân tình, đong đầy từ những trái tim ăm ắp yêu thương...
Nhiều cán bộ trung tâm gắn bó, hiểu rõ tính nết, thói quen của từng cụ già. Ảnh: T.C |
1. Hơn 10 năm trước, có một phụ nữ quyết định bán đất đai để cầm lấy số tiền khoảng 1 tỷ đồng, rồi ngược Hà Lam (huyện Thăng Bình) để lên Hiệp Đức bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của đời mình: xây dựng một trung tâm để nuôi dưỡng những người già neo đơn, khó khăn, bệnh tật. Mười năm sau, người phụ nữ ấy ngồi đối diện với chúng tôi, thi thoảng ươn ướt đôi mắt vì những ký ức ngày cũ ùa về. Người phụ nữ ấy, là bà Trịnh Thị Lời - Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức. Ban đầu, bà định xây dựng trung tâm ở dưới Hà Lam, nhưng vì những lý do nào đấy, việc bất thành. Nhưng như một duyên lành, ý định của bà lọt đến tai lãnh đạo huyện Hiệp Đức. Hai phía bắt đầu những cuộc gặp, họp bàn để thống nhất phương án triển khai. “Dù được lãnh đạo huyện giúp đỡ và tạo điều kiện nhiều về mặt bằng, nhưng vì không muốn công việc của mình ảnh hưởng đến chuyện ăn ở, sinh kế của một hộ dân nào, nên tôi đã chọn chân núi Dương Bồ để xây dựng trung tâm, bất chấp phía trước là rất nhiều khó khăn” - bà Lời nhớ lại.
“...khi chọn công việc này, tôi đã tự biết rằng, mình sẽ phải đối mặt với muôn vàn hoài nghi của người đời. Nhiều lần quá mệt mỏi, tôi đi sâu vào núi Dương Bồ, và khóc thật to, một mình, rồi tự tìm cách đứng dậy”. (Bà Trịnh Thị Lời - Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức) |
Chân núi Dương Bồ khi ấy, dốc và hoang vu. Nhưng bằng tất cả quyết tâm, đến tháng 6.2008, trung tâm cũng nên hình hài, đón 11 cụ già neo đơn tại Hiệp Đức về phụng dưỡng và 26 trẻ khuyết tật câm điếc về dạy chữ, dạy nghề. Bấy giờ, những khó khăn mà bà Lời chưa lường trước được, bắt đầu bộc lộ. Chỉ riêng nguồn nước sinh hoạt phải lấy từ trên núi về, thông qua đường ống dài khoảng 3km thường xuyên hư hỏng. Gian khổ của chuyện ăn ở, tính ra vẫn không là gì so với những lời đàm tiếu của người đời. Không nhiều người tin vào cái tâm lành của bà Lời, bởi trước bà chưa ai làm điều đó. “Tôi không phải là người luôn mạnh mẽ. Nhưng tôi chưa bao giờ khóc trước mặt những người đàm tiếu về mình. Vì khi chọn công việc này, tôi đã tự biết rằng, mình sẽ phải đối mặt với muôn vàn hoài nghi của người đời. Nhiều lần quá mệt mỏi, tôi đi sâu vào núi Dương Bồ, và khóc thật to, một mình, rồi tự tìm cách đứng dậy” - bà Lời tâm sự. Và chính điều ấy, đã tạo nên động lực để bà cùng các cộng sự của mình bước lần qua từng khó khăn. Điều trăn trở nhất, là kinh phí. Thất bại từ việc làm nước uống đóng chai, bà chuyển sang trồng cây cảnh, lấy lợi nhuận đắp đổi cho trung tâm hoạt động.
2. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị cắt ngang giữa chừng, khi cụ Nguyễn Thị Bè (102 tuổi, quê xã Tiên Cảnh, Tiên Phước), không biết tự lúc nào, đã đến phía sau bà Lời, tỏ vẻ đau đớn, đưa tay xoa vào bụng. Bà Lời cười với chúng tôi: “Mẹ lại “giở trò” rồi đấy”. Bà không nói đùa. Chỉ vài phút ôm hôn, dỗ dành, cụ Bè… cười, rồi trở về căn phòng của mình. Người già ra con trẻ. Họ cũng dỗi hờn, cũng đòi được yêu thương không khác gì trẻ con. Riêng cụ Bè, nhiều bữa, cán bộ trung tâm phải thay nhau cõng, chỉ để cụ vui vẻ… ăn cơm. Theo chân bà Lời đến từng phòng các cụ, nghe bà nói chuyện với từng người, mới thấy tính khí các cụ ở đây… đa dạng quá. Mỗi người một tính cách, một thái độ. Những căn phòng của trung tâm cũng không đánh số thứ tự như thường thấy, mà gắn biển tên rất lạ: Nhân ái, Hòa nhã, Trung thực, Hòa thuận… Bà Lời lý giải: “Mỗi phòng như thế, mình sắp xếp các mẹ có tính khí tương ứng nhau để dễ ở cùng và cấp dưỡng dễ lưu ý khi chăm sóc các mẹ. Không chỉ tôi, mà cán bộ trung tâm đều phải rất tinh ý, mới có thể thương yêu, chiều chuộng các mẹ. Người già dễ mà khó, khó mà dễ. Chỉ cần chăm sóc họ bằng tất cả tình cảm, tất cả ân cần, thì nói gì, khuyên gì, họ cũng nghe”.
Chúng tôi đi qua từng dãy nhà. Nghe lời kể, thật khó có thể hình dung bao số phận lạ kỳ của từng con người ở nơi này. Có cụ, mồ côi từ nhỏ, đi giữ trâu thuê kiếm sống, thậm chí ngủ luôn ở chuồng trâu, đến khi sức khỏe không còn, địa phương mới liên lạc nhờ trung tâm nuôi dưỡng. Nhiều người trong số họ không có nổi một tấm giấy tùy thân. Có cụ, lúc đưa về trung tâm đã lở loét hết người, hoặc mù lòa, hoặc đã lãng trí, nhớ nhớ quên quên. Nhờ trung tâm, mà họ được mổ mắt, được nhìn thấy ánh sáng, rồi được chăm lo, chữa bệnh. Tuổi già, ai cũng biết, như lá vàng trước gió. Nhưng bà Lời, và nhiều cán bộ trung tâm này không chối bỏ một ai, nếu điều kiện mình có thể cưu mang. Biết bao người trong số họ được sống như thể hồi sinh một cách diệu kỳ, và vững vàng bước qua trăm tuổi…
Khoảnh khắc an yên của những cụ già ở Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức. Ảnh: T.C |
3. Mười năm tận hiến là thế, vậy mà khi hỏi, bà Lời nói rằng nhiều khi nghĩ lại, mình cũng day dứt nhiều. Như có trường hợp nhận được tin báo về một hoàn cảnh khó khăn, trung tâm không thể nhận ngay mà phải sắp xếp lại chỗ ở cũng như cân đối lại vấn đề kinh phí. Nhưng đến khi thu xếp ổn thỏa, đi đón cụ thì mới hay cụ đã mất rồi. Cũng có nhiều cụ, mới đưa về trung tâm ở vài ba tháng thì mất. “Vì ở tuổi các cụ, vừa phải chịu sự già yếu, vừa phải khổ sở vì bệnh tật. Ở đây, có nhiều cụ ở bệnh viện còn nhiều hơn ở trung tâm” - bà Lời cho hay. Dù vậy, trong vài tháng ngắn ngủi gắn bó với nhau, những thương yêu trao nhau cũng đủ đong đầy trong trí nhớ nhiều cán bộ trung tâm. Đến nỗi, khi một cụ mất đi, bước vào căn phòng, thấy trống vắng chỗ đấy, nhiều người ngồi khóc ngon lành. Cũng vì tình thương yêu dành cho nhau lai láng như thế, nên có người sau một thời gian trở về với gia đình, cũng ngược đường trở lại với trung tâm. Như ông Phạm Ngọc Sơn (75 tuổi, quê ở Quảng Bình), vẫn con cái đủ đầy, nhưng đến khi con lập gia đình, lận đận nghèo khổ, cũng chẳng dựa dẫm được ai khi tuổi già ập đến. Qua radio, ông biết được thông tin về trung tâm, rồi gom góp chút tiền dành dụm, mò mẫm bắt xe đò vào. Cuối năm 2017, ông có về nhà 3 tháng, nhưng nhớ quá, chịu không được, lại vào. “Tôi còn tí sức khỏe, nên phụ giúp gì được cho anh em ở trung tâm thì phụ. Quyết rồi, xin rồi, chết thì chôn ở đây luôn, với các ông, các bà ở đây” - ông Sơn nói.
Trong hành trình 10 năm của Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức, bà Lời không đơn độc với việc lèo lái chiếc thuyền ấy, mà còn có những người cộng sự đắc lực. Trong số này, có người anh em họ Nguyễn Văn Cương (64 tuổi, xã Bình Tú, Thăng Bình). Mẹ của ông Cương là dì ruột của bà Lời, là người đã cưu mang bà Lời khi bà mồ côi thuở nhỏ. Những yêu thương từ năm tháng ấy, đã theo họ suốt cả quãng đời trưởng thành và hành trình cùng nhau làm việc thiện. “Tôi thì chuyện gia đình, con cái cũng đề huề cả rồi, nên toàn bộ tâm huyết đều đặt trên này. Cứ ở suốt trên trung tâm, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, vì các cụ trên này cần mình nhiều lắm, vì ai cũng già yếu cả, mà trung tâm lại thiếu người chăm sóc các cụ nữa. Nên có tháng, một mình tôi chăm sóc 4 cụ nằm ở 3 khoa khác nhau ở bệnh viện dưới Tam Kỳ” - ông Cương cười kể. Hay như ông Nguyễn Tấn Tiến, phụ trách hồ sơ sổ sách. Ông Tiến là cán bộ ở tỉnh, đến khi về hưu xin vào làm để phụ giúp công việc vì ông hiểu họ đang rất cần, sau những lần ghé thăm trước đó…
Bà Lời, cùng với những cộng sự của mình, đã miệt mài suốt hành trình 10 năm qua để phụng dưỡng những tuổi già khốn khó. Và nhiều năm sau nữa, những thương yêu, có lẽ vẫn mãi đong đầy…
Ghi chép của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ