"Thành thật xin lỗi Việt Nam"

LÊ QUÂN - QUỐC TUẤN 12/03/2018 08:48

Những vòng hoa đặt lên hai ngôi mộ chung ở bia tưởng niệm Hà My, ngay trong ngày giỗ lần thứ 50 của những nạn nhân vụ thảm sát xóm Tây - Hà My (Điện Dương, Điện Bàn) để thay cho lời “Xin lỗi Việt Nam” của những người Hàn Quốc…

“Thành thật xin lỗi Việt Nam” từ những người Hàn Quốc. Ảnh: Q.T
“Thành thật xin lỗi Việt Nam” từ những người Hàn Quốc. Ảnh: Q.T

Sáng qua (11.3), lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát xóm Tây - Hà My, xã Điện Dương, đã diễn ra trang nghiêm. Đây là giỗ chung cho 135 nạn nhân bị thảm sát ở Hà My, vào ngày 24 - 25 tháng Giêng âm lịch. Từ nhiều năm nay, đã có nhiều đoàn người Hàn Quốc đến đây với vòng hoa cùng những cái cúi gập người sát đất bày tỏ tấm chân tình, để cùng hướng đến một tương lai hòa bình.

Nước mắt của quá khứ

Bà Đặng Thị Khá, năm nay 56 tuổi, vừa sửa soạn xong mâm cúng ở nhà, vội vàng từ Hội An về Điện Dương để dự lễ tưởng niệm - cũng là ngày giỗ chung của cả xóm Tây Hà My. Ngày giỗ lần thứ 50, cũng là từng ấy năm bà Khá sống cảnh mồ côi. Cả gia đình 8 người, gồm cha mẹ, anh em, đều khắc ghi tên trên tấm bia tưởng niệm. “Sau trận thảm sát, mất cha mẹ anh em, mất nhà cửa, lạc luôn họ hàng. Rứa là lưu lạc đủ ngõ, làm đủ mọi nghề để sống. Sau này giải phóng, có đứa em con dì ruột đi tìm, rồi mới biết cha mẹ người thân mình ở đây” - bà Khá rưng rưng. Lấy tay quẹt ngang nước mắt, bà nói, rồi nỗi đau cũng phải nguôi hết đi, quá khứ phải khép lại… Trong buổi “giỗ làng”, tròn 50 năm, gia đình của 135 nạn nhân về ngồi gặp nhau ở ngay khuôn viên nơi từng diễn ra những nỗi đau còn hằn in đến hiện tại, góp với nhau từng lời chia sớt để an ủi nhau khi nhớ về quá khứ.

Bà Trương Thị Thú - nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát tại buổi lễ tưởng niệm. Ảnh: Q.T
Bà Trương Thị Thú - nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát tại buổi lễ tưởng niệm. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Cọi - Trưởng ban liên lạc thân nhân của nạn nhân vụ thảm sát, chia sẻ hiện còn 65 thân nhân ruột thịt của các nạn nhân, năm nào họ cũng tập trung về để làm giỗ chung cho người thân tại nơi này. Bản thân ông, ngoài mẹ và 2 em bị giết trong trận thảm sát vào 24 tháng Giêng năm Mậu Thân, còn có một người em gái thoát chết trong trận thảm sát và vết thương giờ vẫn còn ở chân và lưng. Bà Nguyễn Thị Thanh, trở về từ Đà Nẵng, nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát cách đây 50 năm, em gái ông Nguyễn Cọi, nói rằng những vết thương cứ chuyển mùa là đau, cũng như cứ đến tháng Giêng hằng năm là nước mắt lại tuôn rơi vì nhiều nỗi ám ảnh… Trong lần giỗ thứ 50, những người Hàn Quốc tìm đến với buổi lễ tưởng niệm bằng lòng chân thành vì một câu chuyện, vì một lời “Xin lỗi Việt Nam”. Bà Ku Su Jeong - Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, cha đẻ của chiến dịch “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, cứ mỗi năm ngày này lại tất tả tổ chức cho những người Hàn đến Việt Nam, chỉ để họ cùng được sẻ chia với nỗi mất mát quá lớn này.

Cúi đầu xin lỗi Việt Nam

Đoàn của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt gồm 41 thành viên, từ rất nhiều các thành phần của xã hội, các giáo sư sử học, nhà văn, nhà báo, sinh viên, công chức… cùng tìm về để gửi đến một lời “Xin lỗi Việt Nam”. Cô gái Hàn Quốc Yeo Enjong, trong bộ áo dài Việt Nam truyền thống, nói rằng cô biết người Việt trong các sự kiện trọng đại hay mặc áo dài, nên đã tìm cho được một bộ áo dài Việt để mặc đến đây làm lễ. “Tôi không biết gì về câu chuyện thảm sát của quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam cho đến khi đi du lịch tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã tham gia vào Quỹ Hòa bình Hàn - Việt và cùng các cựu chiến binh, những người yêu Việt Nam trở lại đất nước này vào những ngày thật đặc biệt như buổi tưởng niệm này. Tôi muốn góp một lời xin lỗi đến những người Việt Nam” - Yeo Enjong nói.

“Ngoài cựu chiến binh, nhiều người Hàn Quốc luôn có cảm xúc đặc biệt khi nghe đến Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Hàn Quốc cũng nên gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam” - Tổng Biên tập Tạp chí “Cuốn sách nhỏ” của người lao động Hàn Quốc, ông Al Geonmo chia sẻ. Tạp chí của ông Al Geonmo số tháng 3.2018 với một nội dung đặc biệt khi toàn bộ dung lượng đều dành để nói về phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” và bà Ku Su Jeong - người đã có những bài báo phơi bày sự thật về binh lính Đại Hàn trong những vụ thảm sát dân thường ở Việt Nam, cũng như đã khởi xướng nên phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” tại Hàn Quốc từ năm 1999. Trong khi đó, ở vai trò những người kết nối, ông Kang U Il - Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt nói: “Dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những vết thương của người dân địa phương phải hứng chịu thực sự rất khó hàn gắn, điều này làm tôi rất đau lòng. Thêm nữa, ở Hàn Quốc vẫn còn một bộ phận người dân không tin là có những câu chuyện như thế xảy ra tại Việt Nam trong quá khứ nên càng thôi thúc tôi nói riêng và Quỹ Hòa bình Hàn - Việt nói chung phải nỗ lực hành động để có nhiều hơn nữa những người Hàn Quốc biết về sự kiện, đến thăm, gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất đến người dân Việt Nam”.

LÊ QUÂN - QUỐC TUẤN

LÊ QUÂN - QUỐC TUẤN