Mời gọi thiên nhiên

LIÊU HÂN 11/03/2018 11:44

Sống nơi thành phố bụi bặm và ồn ào, phần lớn mọi người đều cố gắng thích nghi vì chuyện mưu sinh, cơm áo. Nên chắc hẳn ai cũng cần đến, và mong có được, một khoảng sân vườn để thư giãn và để tìm lại vùng không gian gần gũi với thiên nhiên. Một căn nhà giữa khu vườn nơi phố thị, đó luôn là điều mơ ước. Và thường chỉ là điều mơ ước. Khó lắm. Đất chật, người đông, biết sao được! Thiên nhiên cứ bị đuổi dần ra khỏi những khu dân cư, và tâm hồn con người rồi cũng trở nên hững hờ với tiết điệu của bốn mùa mưa nắng. Thời gian chỉ còn được biết đến qua tờ lịch rơi, hay qua hình ảnh của chiếc đồng hồ trên những điện thoại thông minh. Thời tiết chuyển mùa cũng không một ai hay biết, trừ những kẻ ốm đau!

Trẻ em vui với thiên nhiên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trẻ em vui với thiên nhiên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhưng may mắn là thiên nhiên vẫn không hoàn toàn bị lãng quên khi nhiều người, dù sống trong một không gian hạn chế, vẫn cố làm giả sơn để nghe tiếng suối chảy, và đào khe giữa sân mà nuôi cá để tìm lại dòng sông. Thiên nhiên bị thu nhỏ, dù là giả tạo, nhưng ít nhiều cũng đem lại cho ta một cảm giác nhẹ nhàng.

Có những quán cà phê giữa phố vẫn cho ta cảm giác gần với thiên nhiên, với cây lá xanh tươi, hay với hồ cá koi xinh đẹp - một loại cá “quý tộc” của Nhật vừa mới được du nhập vào Tam Kỳ. À! Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng! Loài cá ở Nhật vẫn có thể tìm được nơi định cư mới, cách quê hương chúng đến mấy ngàn cây số, mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của thiên nhiên.

Nhiều buổi chiều, tôi chạy xe chầm chậm dọc theo bờ sông Bàn Thạch, ngắm những con cò bay về đậu trên những thân cây mọc lẻ loi giữa những bãi cỏ um tùm, ở phía bên kia. Dưới ánh nắng chiều, những cánh cò trắng nổi lên giữa tán lá xanh, như điểm xuyết thêm ý vị cho một vùng không gian yên tĩnh. Ở cuối con đường đó, về phía bắc, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp hình ảnh vài con cò trắng đậu trên lưng bầy trâu đang lững thững dưới những hàng tre, nơi mà tốc độ đô thị hóa chưa lan đến, nên vẫn còn lãng đãng một chút hồn quê. Với tôi, hình ảnh con cò đậu trên lưng trâu giữa cánh đồng chiều là biểu tượng đẹp nhất, tiêu biểu nhất cho sự thanh bình nơi thôn dã. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh đó, bao muộn phiền, lo toan trong lòng tôi như lắng dịu lại để nhường cho cảm giác bình an. Và cảm nhận thêm sự an ủi của thiên nhiên đối với con người.

Nhiều buổi sáng, cái lạnh đột ngột ùa đến, và ta cảm nhận được thiên nhiên đang chuyển mình qua những người chạy xe trên phố với dáng vẻ co ro, dù  cơ thể đã được ủ ấm bằng những chiếc ao len dày. Thiên nhiên bị cuộc sống xô bồ xua đuổi thì ta hãy bắt chước Trương Trào mời gọi thiên nhiên về lại với ta bằng cách: 

Gầy hoa để gọi bướm, chất đá để mời mây, trồng thông để đón gió, chứa nước để mời bèo; xây đài cao để mời trăng, trồng chuối để đón mưa, trồng liễu để gọi ve.

(Nghệ hoa khả dĩ khiêu điệp, lũy thạch khả dĩ khiêu vân, tài tùng khả dĩ khiêu phong, trữ thủy khả dĩ khiêu bình, trúc đài khả dĩ khiêu nguyệt, chủng tiêu khả dĩ khiêu vũ, trí liễu khả dĩ khiêu thiền.)

Ở vùng quê ngày trước, hầu như nhà nào cũng có một vạt đất để trồng rau. Đến ngày gần tết thì thường trồng cải. Thuở nhỏ, tôi thường say mê ngắm những đàn bướm bay lượn trên những luống cải vàng, trong nắng xuân. Nhờ trồng hoa mà tự nhiên bướm đến, đó cũng là “nghệ hoa khả dĩ khiêu điệp” vậy. Những ai sống giữa phố mà có được vườn hoa để bướm đến thì xem như đã hưởng được đã cái thú thần tiên của người xưa.

Những người ở thành phố chắc không bao giờ được nghe tiếng mưa rơi trên lá chuối. Vào buổi chiều tà, ngồi đọc sách mà nghe tiếng mưa rơi nhẹ trên tàu chuối bên cửa sổ, có lẽ hiếm có âm thanh nào não nuột cho bằng. Nếu vào lúc đêm khuya, bên tiếng mưa rơi trên tàu chuối đó mà còn nghe thêm tiếng côn trùng rả rích và tiếng ếch nhái kêu đêm thì ta sẽ hiểu thế nào là nỗi buồn mênh mông, xa vắng. Muốn nghe được tiếng mưa não nuột đó thì chỉ có cách trồng chuối sau hè. Nhờ trồng chuối mà nghe được tiếng mưa, đó cũng là “chủng tiêu khả dĩ khiêu vũ” vậy.

Đứng trên sườn núi để cảm nhận mây vây quanh cùng hơi đá lạnh, đứng giữa đồi thông để nghe thông reo trong gió, đứng bên dòng sông để nhìn lục bình trôi theo ánh nắng chiều, mùa hè nghe tiếng ve râm ran trong liễu đều là những cái thú tuyệt trần. “Chất đá để mời mây, trồng thông để đón gió, chứa nước để mời bèo; xây đài cao để mời trăng, trồng liễu để gọi ve”, nếu làm được thì cũng như mời thiên nhiên về chung sống cùng ta, song những điều đó thường khó thực hiện. Thôi thì ta cố gắng “Gầy hoa để gọi bướm, trồng chuối để đón mưa” cũng là cách để hưởng thụ phần nào cái thú sống với  thiên nhiên.

LIÊU HÂN

LIÊU HÂN