Kỷ niệm 110 năm phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam và miền Trung (1908-2018)

HOÀNG LIÊN - NHẬT DUY 10/03/2018 15:04

Tin liên quan

  • Vẹn nguyên những giá trị

(QNO) - Sáng nay 10.3, tại đình làng Phiếm Ái (xã Đại Nghĩa), huyện Đại Lộc long trọng tổ chức kỷ niệm 110 năm phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam và miền Trung (1908-2018) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đối với đình làng Phiếm Ái - địa điểm khởi phát phong trào. 

Đến dự lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng; đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng; các đồng chí lão thành cách mạng; nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo TP.Đà Nẵng...

Sôi nổi các tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: H.LIÊN
Sôi nổi các tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: H.LIÊN

Đọc diễn văn khai mạc tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Trần Văn Mai cho hay, cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng cướp nước ta, đứng trước sự lựa chọn sống còn của lịch sử, nhân dân Đại Lộc đã cùng cả tỉnh anh dũng đứng lên ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Đại Lộc vinh dự là một trong những đại bản doanh của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam với căn cứ chín xã sông Con và tuyến phòng thủ Động Hà Sống từng khiến kẻ thù khiếp sợ.

Đầu thế kỷ XX, trước thất bại và bế tắc của các cuộc vũ trang dưới ngọn cờ Cần Vương, phong trào Duy Tân ở Quảng Nam do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng với chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí” đã cổ vũ và tạo nên làn sóng đấu tranh yêu nước mới. Các yếu nhân của phong trào này đã ra sức tuyên truyền, thức tỉnh nhân dân về dân quyền, dân sinh, về tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và nhận thức được rằng, muốn cứu nước phải duy tân, phải tự nâng mình lên bằng con đường phát triển kinh tế, chấn hưng văn hóa. 

Đông đảo cán bộ và nhân dân tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: H.LIÊN
Đông đảo cán bộ và nhân dân tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: H.LIÊN

Được biết, Đại Lộc những năm đầu thế kỷ XX đứng trước chính sách áp bức, bóc lột nặng nề, tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến, có thể nói là một trong những nơi thống khổ nhất của tỉnh Quảng Nam. Liên tiếp từ năm 1904-1906, trời hạn, đồng ruộng khô khan, dân phải ăn củ ngát ngo, hạt cỏ chát để sống. Tri huyện Phạm Văn Lãng nổi tiếng ức hiếp dân, bất công. Đầu năm 1908, nhân dân Đại Lộc đã kiện viên tri huyện này lên Tòa Công sứ Pháp ở Hội An nhưng viên Công sứ Sác-lơ đã bao che, xử y vô tội. Được thể, viên tri huyện này tăng khống số dân quá mức thực tế làm cho nhân dân địa phương càng thêm điêu đứng và uất ức vô cùng.

“Tức nước vỡ bờ”, tại một đám giỗ họ Trương ở làng Phiếm Ái, một số hào lý và học sinh, con cháu gia tộc họ Trương bàn cách viết đơn xin chính quyền giảm sưu, giảm thuế, lấy chữ ký của 35 lý trưởng các làng xã trong huyện. Song, lý trưởng làng La Đái sau khi ký đơn đã lén báo viên tri huyện. Tên tri huyện hoảng sợ liền báo với cấp trên rằng dân Đại Lộc chuẩn bị “nổi loạn”. Trước tình thế đó, “Đồng dân” Đại Lộc đã nhanh chóng vận động các hương chức, tráng dân ở các địa phương trong huyện chuẩn bị mo cơm, ống nước lên đường “xin xâu”. Từ Đại Lộc, phong trào đã tạo nên rừng lửa đấu tranh, sức ảnh hưởng lan rộng khắp 10 tỉnh Trung kỳ, góp phần làm nên cuộc “Trung kỳ dân biến” có một không hai trong lịch sử…

Huyện Đại Lộc long trọng đón nhận bằng chứng nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đối với địa điểm khởi phát phong trào chống thuế. Ảnh: H.LIÊN
Huyện Đại Lộc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đối với đình làng Phiếm Ái - địa điểm khởi phát phong trào chống thuế. Ảnh: H.LIÊN

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh: Mặc dù phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam và miền Trung đã bị dìm trong biển máu nhưng ý nghĩa lịch sử của phong trào vẫn luôn sống mãi, đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi. Đây là một đòn giáng mạnh vào chính sách cai trị tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến; vừa mang tính chất mở đầu, vừa có sức cổ vũ, vừa để lại bài học quý giá cho các phong trào yêu nước diễn ra sau đó cũng như trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc ngày nay… 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: H.LIÊN
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: H.LIÊN

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, lễ kỷ niệm là dịp để bày tỏ sự thành kính và sự hy sinh to lớn của những người đã ngã xuống. Địa điểm khởi phát phong trào đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia là sự tôn vinh và khẳng định giá trị lịch sử của di tích, ghi nhận công lao, sự hy sinh và mất mát to tớn của tiền nhân đối với cuộc đấu tranh yêu nước. Để tiếp tục phát huy giá trị di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước đến thế hệ trẻ, huyện Đại Lộc cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, tạo cảnh quan di tích khang trang, bền đẹp, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu về di tích, về phong trào kháng thuế…

Đông đảo cán bộ và nhân dân thành kính viếng hương tại Đình làng Ái Nghĩa. Ảnh: H.LIÊN
Đình làng Phiếm Ái được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: H.LIÊN
Đông đảo cán bộ và nhân dân thành kính dâng hương tại Đình làng Phiếm Ái. Ảnh: H.LIÊN
Đông đảo cán bộ và nhân dân thành kính dâng hương tại đình làng Phiếm Ái. Ảnh: H.LIÊN

Tại buổi lễ, huyện Đại Lộc vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia của Bộ VH-TT&DL đối với đình làng Phiếm Ái - địa điểm khởi phát phong trào chống sưu, thuế. Dịp này, đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Đại Lộc, tỉnh và các địa phương lân cận đã thành kính viếng hương tại Di tích lịch sử cấp quốc gia này.

HOÀNG LIÊN - NHẬT DUY

HOÀNG LIÊN - NHẬT DUY