Sắp xếp lại hệ thống y tế
LTS: Nghị quyết 19 Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh: ngành y tế tại các địa phương phải rà soát, sắp xếp hợp lý lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn thành đơn vị kiểm soát dược phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế; sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép... Trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức sắp xếp này đang được tiến hành khẩn trương, nhằm đáp ứng được tinh thần của nghị quyết.
HOÀN THIỆN CƠ SỞ Y TẾ TUYẾN TỈNH
Để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm y tế chuyên khoa cũng như chất lượng phục vụ cho người bệnh, Sở Y tế đã và đang sắp xếp, nâng cấp các cơ sở y tế trên địa bàn, trong đó chú trọng việc nâng cấp các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh và thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Trụ sở của 4/5 đơn vị sáp nhập sẽ được cải tạo, xây dựng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Nâng cấp các bệnh viện
Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, hiện nay việc sắp xếp, nâng cấp các trung tâm chuyên khoa thành các BV tuyến tỉnh với đầy đủ khoa phòng, máy móc để phục vụ cho người bệnh đang được ưu tiên. Sở Y tế đã xây dựng từng đề án cụ thể trình UBND tỉnh xem xét, tiến hành thành lập các BV theo quy định. “Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thành lập BV Mắt trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Mắt Quảng Nam. Các đề án còn lại gồm: thành lập BV Phụ sản - Nhi trên cơ sở sáp nhập Khoa Sản của BVĐK tỉnh với BV Nhi; nâng cấp Trung tâm Da liễu thành BV Da liễu hay việc thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm Quảng Nam..., đang được UBND tỉnh xem xét, quyết định để triển khai thực hiện trong thời gian tới” - ông Hai cho biết.
Đây đều là những nhu cầu bức thiết xuất phát từ thực tiễn tại địa phương, cũng là một trong những lộ trình từng bước nâng cao chất lượng phục vụ y tế cho nhân dân. Như việc thành lập BV Mắt Quảng Nam đã phần nào tạo cơ hội cho những người bệnh được thụ hưởng chất lượng khám chữa bệnh cao hơn. Thực tế, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 10.236 người mù 2 mắt do các nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân gây mù chính là đục thủy tinh thể chưa được phẫu thuật (74%), chưa kể số trường hợp mắc mới hàng năm ước tính 0,1% dân số (hơn 1.500 ca). “Nhiều bệnh lý phức tạp về mắt, lĩnh vực nhãn nhi, các bệnh lý về thần kinh võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường... phải chuyển tuyến trên gây khó khăn. Vì thế, khi thành lập BV Mắt với đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật tiên tiến cùng đội ngũ y bác sĩ sẽ là cơ hội lớn cho người dân được khám chữa bệnh tốt hơn” - ông Dương Tấn Hùng, Giám đốc BV Mắt Quảng Nam nói.
Việc thành lập BV Da liễu trên địa bàn cũng được tính đến. Theo Quyết định số 5656/QĐ-BYT ngày 31.12.2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chuyên ngành da liễu, giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định những tỉnh có dân số trên một triệu người thì cần phải có BV chuyên khoa da liễu mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hiện nay, dân số của tỉnh khoảng 1,5 triệu người, phân bố trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh da liễu trong cộng đồng từ 10% đến 15%; số bệnh nhân mắc bệnh về da đến khám tại Trung tâm Da liễu Quảng Nam năm sau tăng cao hơn năm trước và nhiều trường hợp phức tạp phải chuyển tuyến trên điều trị. Chính vì vậy, việc nâng cấp Trung tâm Da liễu thành BV là hết sức cần thiết.
“Đối với việc thành lập BV Sản - Nhi cũng xuất phát từ những nhu cầu thực tế. Khoa Phụ sản của BVĐK tỉnh và BV Nhi hiện nay chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Vì vậy, khi thành lập một BV với quy mô đầy đủ các khoa phòng chuyên sâu về sản - nhi thì sẽ chăm sóc tốt hơn cho bà mẹ và trẻ em trong tỉnh. Đây cũng là lộ trình đúng theo tinh thần của Bộ Y tế cũng như các Nghị quyết 19, 20 của Trung ương khóa 6 vừa rồi” - ông Nguyễn Văn Hai nói thêm.
Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
Hiện nay, Sở Y tế đang gấp rút hoàn thiện việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị tuyến tỉnh có cùng chức năng, gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo Sở Y tế, dự kiến cuối năm 2018 đến đầu 2019 thì sẽ hoàn thành việc thành lập trung tâm này. Mô hình này sẽ đáp ứng tốt với sự thay đổi về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bệnh tật, cơ chế đầu tư, quản lý, bảo đảm chăm sóc sức khỏe lồng ghép và liên tục.
Khi ra đời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam sẽ có chức năng tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác có liên quan trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Việc tiến hành sáp nhập để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã nhận được sự đồng tình của những đơn vị trực thuộc. Ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, việc các đơn vị cùng chức năng gộp lại với nhau sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành các chương trình, hoạt động y tế dự phòng. “Kể cả khi người dân đến đây để thực hiện các xét nghiệm hay gì đi nữa thì cũng không phải chạy tới, chạy lui qua nhiều nơi. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam sẽ có đầy đủ các khoa phòng, liên quan tới mảng nào thì phòng đó chịu trách nhiệm” - ông Hoàn nói. Còn ông Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Trung tâm phòng chống sốt rét - bướu cổ tỉnh cho rằng, việc sáp nhập các đơn vị lại thành một trung tâm tập trung cũng sẽ không xảy ra xáo trộn gì nhiều. “Bởi hầu hết khoa phòng đặc thù của mỗi đơn vị đều được giữ lại. Như bên phòng chống sốt rét, bướu cổ thì vẫn giữ nguyên phòng ký sinh trùng, lây nhiễm, truyền nhiễm... để làm đúng chức năng từ trước tới nay. Còn đối với các bộ phận khác như kế hoạch, kế toán... thì được gộp chung. Như thế bộ máy sẽ gọn nhẹ hơn nhiều” - ông Thảo nói.
Tuy nhiên, việc sắp xếp, bố trí lại nhân sự từ các trung tâm này vẫn đang là một vấn đề mà Sở Y tế đang phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi vì quy mô của một trung tâm chỉ có 1 giám đốc và 3 phó giám đốc. Trong khi đó, hiện nay có 5 giám đốc và nhiều phó giám đốc phụ trách. “Quan trọng là phải bố trí hợp lý, tạo điều kiện cho tất cả cán bộ có điều kiện làm việc tốt nhất, những vị trí nào có thể tinh giản thì tinh giản, còn lại phải bố trí, sắp xếp việc làm rõ ràng, tránh việc ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ ở đây” - ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết.
NÂNG CAO NĂNG LỰC Y TẾ CƠ SỞ
Việc sắp xếp lại hệ thống y tế cơ sở trong những năm qua tại Quảng Nam đã được thực hiện triệt để, đúng theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này giúp cho việc quản lý khám chữa bệnh, công tác dự phòng được dễ dàng hơn.
Việc nâng cấp các trung tâm chuyên khoa thành các BV hạng 2 tuyến tỉnh sẽ giúp cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế hiện đại hơn.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Không còn chồng chéo
“Nói sắp xếp lại y tế cơ sở thực chất là tiến hành rà soát lại một số nơi trước đây còn vướng mắc để tiến hành sáp nhập theo quy định. Còn lại, về cơ bản thì từ trước đến nay, hệ thống y tế cơ sở trong tỉnh vốn đã không khác gì so với quy định tại Thông tư 37/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Vậy nên, việc chồng chéo trong quản lý về y tế đã không tồn tại từ khá lâu trước đó” - ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại đang được Sở Y tế tập trung giải quyết như: TP.Hội An đang có cả BVĐK hạng 3 của thành phố và Trung tâm Y tế thành phố, trong đó, trung tâm y tế chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng; Một số phòng khám đa khoa khu vực còn trực thuộc các BVĐK khu vực, BV thành phố... “Đối với những trường hợp này, Sở Y tế đã có phương án xử lý, thời gian tới sẽ giao cho các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố quản lý những phòng khám này theo đúng quy định” - ông Văn thông tin thêm.
Ở tuyến huyện, việc tồn tại song song phòng y tế và trung tâm y tế đã khiến cho việc quản lý ngành chưa thật sự hiệu quả. Theo quy định, Phòng Y tế là cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn. Phòng Y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế... Tuy nhiên, đa số phòng y tế không thể hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn. Lý do là bởi chức năng, nhiệm vụ, công việc của phòng y tế quá nhiều, trong khi đó nhân lực lại mỏng. “Đối với một huyện miền núi thì phòng y tế không có chức năng gì nhiều. Đây như là một khâu trung gian của y tế nên việc tồn tại có lẽ là… hơi thừa. Hầu hết mỗi khi tổng kết số liệu thì phòng y tế đều phải qua trung tâm y tế lấy về. Các hoạt động phối hợp cũng chưa được đều đặn, thường xuyên” - bác sĩ Nguyễn Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết.
Bác sĩ Ngô Thoại - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn cho hay, đơn vị chỉ có chức năng về các công tác dự phòng, khám chữa bệnh, còn về quản lý nhà nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ phẩm... thì thuộc phòng y tế quản lý. “Nếu sáp nhập lại với nhau thành một đơn vị thì công tác quản lý nhà nước về y tế lẫn việc khám chữa bệnh trên địa bàn sẽ được thống nhất, xuyên suốt hơn. Ví dụ như kinh phí sửa chữa cho tuyến xã phường lẫn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở... sẽ được quy về một mối” - bác sĩ Thoại nêu ý kiến.
Nâng cao năng lực y tế cơ sở
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành y tế quan tâm hiện nay chính là nâng cao năng lực, chất lượng của y tế cơ sở. Đây được ví như là một “lá chắn” đầu tiên trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nếu được tư vấn, chăm sóc sức khỏe tốt thì tình hình bệnh tật, dịch bệnh theo đó cũng sẽ giảm đi. “Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở luôn được chú trọng. Và thực tế, đã có nhiều chương trình, đề án để giúp cho tuyến này từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân như: công tác tuyển dụng và đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở, hay chính sách đào tạo chuyên sâu cho toàn ngành giai đoạn 2017 - 2021, trong đó tập trung đào tạo đạt chuẩn chuyên môn cho bác sĩ tuyến cơ sở... là một ví dụ rõ nhất” - ông Văn cho biết thêm. Ngay trong đợt tuyển dụng viên chức ngành y tế sắp tới đây, Sở Y tế cũng đã trình UBND tỉnh về việc xét tuyển đặc cách 618 hợp đồng lao động thuộc đối tượng cán bộ y tế tuyến xã. “Trong đợt tuyển dụng này, chúng tôi chỉ đặc cách cho những người làm ở tuyến y tế cơ sở, còn đối với tuyến tỉnh thì vẫn phải thi tuyển. Đó như là một cách ưu tiên để tăng cường đội ngũ chất lượng cao về cho tuyến y tế cơ sở. Còn đối với bác sĩ bằng giỏi, muốn về tuyến huyện thì có thể xem xét đặc cách” - ông Văn nói thêm.
Cùng với bổ sung nguồn nhân lực, Sở Y tế cũng đã tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, đã xây dựng mới thêm các khoa phòng cho các trung tâm y tế tuyến huyện như: Khoa Nội - Nhi - Đông y - Phục hồi chức năng cho huyện Duy Xuyên; đầu tư xây dựng mới, cải tạo 28 trạm y tế tuyến xã (trong đó có nhiều trạm đã đưa vào sử dụng như: Trạm Y tế xã Cà Dy, Tam Hải, Chơ Chun, Ch’Ơm…); chi 150 tỷ đồng mua sắm thiết bị y tế cho các trung tâm y tế tuyến huyện (từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ; ngân sách tỉnh…).
PHẢI CÓ LỘ TRÌNH HỢP LÝ
Việc sắp xếp lại các đơn vị y tế, nâng cấp các trung tâm chuyên khoa thành BV tuyến tỉnh, đặc biệt là thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam là xu hướng tất yếu của tiến trình hội nhập, đổi mới chất lượng phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần có phương án giải quyết rốt ráo. Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến về vấn đề này.
Ông Võ Hồng - Phó chủ tịch HĐND tỉnh: Xã hội hóa các dịch vụ y tế ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam
Việc nhập các trung tâm có cùng chức năng lại thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam là xu hướng chung của Bộ Y tế cũng như cả nước, nên điều đó là tất yếu. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, khác với các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội, đối với một tỉnh như Quảng Nam, dân số không phải là lớn và điều kiện kinh tế cũng chưa cao, nên dự lường số lượng người dân đến khám chữa bệnh cũng sẽ không lớn.
Chính vì vậy, cần cân nhắc trong việc bố trí, sắp xếp nhân lực làm việc tại đây, nên giữ lại một số cán bộ chủ chốt làm công việc hành chính và sự nghiệp là chủ yếu, còn lại các bác sĩ thì nên chuyển về các khu điều trị. Như thế vừa đảm bảo đầy đủ bác sĩ, vừa tinh gọn được bộ máy.
Trong việc xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam về lâu dài thì phải hướng đến việc kêu gọi, thu hút các đơn vị ngoài nhà nước đầu tư xây dựng các dịch vụ tiên tiến để hình thành một trung tâm kiểm soát bệnh tật hiện đại. Nhà nước không nên gánh những gì mà xã hội có thể làm được. Hiện nay, hệ thống BV tư nhân đang phát triển rầm rộ, Quảng Nam là một trong những tỉnh có nhiều BV tư nhân, vậy nên những mảng nào có thể thì cứ để họ đầu tư, phát triển. Như vậy sẽ phát huy hiệu quả cao hơn và người dân cũng được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ y tế tiên tiến.
Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế: Tiết kiệm rất nhiều nhân tài vật lực
Theo kế hoạch, BV Da liễu sẽ tiến hành thành lập vào năm 2018; BV Sản - Nhi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam thì dự kiến trong năm 2019 sẽ hoàn thành. Tuy vậy, đây là công việc phức tạp và đòi hỏi phải có lộ trình cụ thể để bố trí, sắp xếp cho hợp lý, đảm bảo hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh.
Riêng đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, khi tiến hành sáp nhập 5 đơn vị sẽ tiết kiệm rất nhiều. Ví dụ như về cơ sở hạ tầng dùng làm nơi làm việc cho bộ phận hành chính thì giảm bớt, do 5 ban giám đốc và 11 phòng chức năng giảm còn 1 ban giám đốc và 3 phòng chức năng. Qua đó, tiết kiệm nhân lực dùng cho công tác hành chính, ưu tiên biên chế cho công tác chuyên môn. Cạnh đó, những bộ phận chuyên môn trùng lắp đều được tinh giảm, từ 18 khoa chuyên môn của 5 đơn vị giảm còn 12 khoa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam. Như vậy, các nguồn lực về chuyên môn (nhân lực, vật lực) sẽ được tập trung hơn, thuận lợi hơn trong việc quyết định và điều phối nhân lực để giải quyết các sự kiện y tế khẩn cấp cũng như các sự kiện y tế công cộng.
Có một thuận lợi là hiện cả 4/5 đơn vị sáp nhập đều đóng trên cùng khu vực nên việc xây dựng cơ bản ở đây cũng sẽ thuận lợi hơn. Dự kiến bộ phận hành chính, quản lý nghề nghiệp sẽ làm việc tại Trung tâm HIV/AIDS, còn bộ phận chuyên môn sẽ tập trung ở trụ sở chính. Về định hướng lâu dài, sẽ xây dựng trung tâm này theo hướng xã hội hóa về các dịch vụ kỹ thuật, kết hợp công tư để đẩy mạnh dịch vụ kỹ thuật hiện đại hóa, đổi mới tài chính để bắt kịp với xu thế phát triển.
Ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BVĐK tỉnh: BVĐK tỉnh cần phải có khoa sản
Tôi vẫn băn khoăn về việc tách hẳn Khoa Sản của BVĐK về BV Sản - Nhi. Theo tôi thì mỗi BVĐK bắt buộc phải có khoa sản của mình. Bởi trường hợp những sản phụ bị suy tim, phát sinh các bệnh nặng... tại BV Sản - Nhi, thì liệu ở đây có đủ bác sĩ chuyên khoa khác để cứu chữa? Nếu không có khoa sản ở BV thì làm sao khám sức khỏe cho người dân, bởi một số bệnh của nữ thì cần phải có bác sĩ chuyên khoa sản thăm khám. Chưa biết đề án thành lập BV Sản - Nhi như thế nào, nhưng quan điểm của tôi là phải có Khoa Sản của BVĐK tỉnh để đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân.
Trước đây, Quảng Ngãi và Đà Nẵng cũng đã từng tách Khoa Sản ra khỏi BVĐK tỉnh nhưng hiện nay họ lại đang làm thủ tục để thành lập lại khoa này ở BVĐK tỉnh.
Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN DƯƠNG