Dồn điền đổi thửa ở Xã Tam Tiến: Nhiều hộ dân không đồng thuận

TRẦN HỮU 09/03/2018 13:42

Ruộng sản xuất nơi cũ ở vị trí thuận lợi, canh tác ổn định, nhưng một số hộ dân thôn Lộc Ngọc (xã Tam Tiến, Núi Thành) lại bị bố trí ruộng đất ở nơi khác xa hơn và diện tích bị cắt giảm khiến người dân phản ứng.

Ông Nguyễn Minh Cảnh ngậm ngùi nhìn đám ruộng bỏ hoang. Ảnh: T.H
Ông Nguyễn Minh Cảnh ngậm ngùi nhìn đám ruộng bỏ hoang. Ảnh: T.H

Theo ông Nguyễn Trọng Danh (84 tuổi, tổ đoàn kết số 2, thôn Lộc Ngọc), trước đây, gia đình ông có 2 thửa ruộng với tổng tích 970m2. Diện tích này được chia theo số nhân khẩu theo tinh thần Nghị định 64/CP của Chính phủ. Ruộng nằm sát nhà rất thuận lợi cho sản xuất, nhưng cuối năm 2017 sau khi dồn điền đổi thửa (DĐĐT), vị trí ruộng của ông được hoán đổi nằm ở cánh đồng Vũng Lô cách nhà ở hơn 500m.

Ông Danh phân trần: “Non 2 sào đất là tài sản quý của cả nhà. Ruộng đất bố trí nơi xa, trước kia diện tích 2 thửa đất rộng  970m2, sau khi DĐĐT chỉ còn 714m2 song thực tế còn ít hơn. Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, nhưng không chấp nhận cách chia ruộng tùy tiện “bên trọng bên khinh” của tổ đoàn kết”. Theo lời ông Danh, cách đây hơn một tuần, khi tổ đoàn kết số 2 (thôn Lộc Ngọc) triển khai họp dân bàn bạc về DĐĐT, xảy ra lời qua tiếng lại, xô xát không đáng có. Cuối năm 2017, hộ ông Nguyễn Trọng Danh cùng một hộ dân khác có làm đơn đề nghị điều chỉnh số thứ tự hộ, để xin giữ lại vị trí ruộng từng canh tác. “Chính quyền thôn có chuyển đề xuất của chúng tôi xuống tổ đoàn kết để giải quyết nhưng họ chẳng quan tâm. Chúng tôi bức xúc trước thái độ, cách bố trí đất DĐĐT rất cảm tính của tổ trưởng tổ đoàn kết số 2, trong khi chính quyền thôn Lộc Ngọc không chịu vào cuộc giải quyết các ý kiến của người dân” - ông Danh nói.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Vũng Lô, ông Nguyễn Minh Cảnh, người dân ở tổ đoàn kết số 2 nói: “Trước đây, tôi có 2 thửa ruộng diện tích 970m2, bây giờ bố trí lại 3 mảnh nhỏ diện tích cắt giảm còn 714m2, bờ thì “nhảy cóc”. Có đám ruộng bề ngang hơn 2m, diện tích chỉ vỏn vẹn 47m2. Cứ tưởng chia xong sẽ an tâm cày cuốc, ai ngờ trước Tết Nguyên đán 2018 gia đình chuẩn bị xuống giống thì bị một hộ dân khác đến cản trở. Bất bình quá, tôi làm đơn khiếu nại lên xã giải quyết và ngậm ngùi nhìn ruộng bỏ hoang hóa từ đó đến nay”. Ông Cảnh cho biết thêm, tại tổ đoàn kết số 2, khi triển khai chủ trương DĐĐT có họp dân lấy ý kiến đầy đủ, nhưng tính thống nhất không cao. Người dân thôn Lộc Ngọc phàn nàn, trong khi nhiều thôn khác của xã, quá trình tổ chức hoán đổi đất đều thực hiện rất khoa học, nhất quán trước sau. Tuy một số trường hợp chịu thua thiệt, nhưng người dân chấp nhận được. Ngược lại, tại địa bàn Lộc Ngọc, người dân vẫn chưa “tâm phục khẩu phục” vì cách bố trí đất DĐĐT.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến thừa nhận, địa phương có nhận đơn phản ánh từ một số hộ dân ở thôn Lộc Ngọc. Vì vậy, UBND xã đã yêu cầu chính quyền thôn tiếp tục họp tổ đoàn kết lại để thống nhất. Mọi quyết định đều từ cộng đồng dân cư, có thể xem xét chia theo quy hoạch từng tổ hay từng hộ dân. “Tâm lý chung là hộ có đất tốt, ở vị trí thuận lợi đều không muốn DĐĐT, đơn cử như hộ ông Nguyễn Trọng Danh ở thôn Lộc Ngọc. Nhưng theo chính quyền thôn này, nếu giữ đất lại cho một trường hợp tiếp tục canh tác thì cộng đồng ở đó sẽ không đồng ý, việc DĐĐT sẽ khó tiến hành được. Vì cần có đất để xây dựng các hạng mục hạ tầng cần thiết phục vụ cho trồng trọt nên chắc chắn diện tích đất của hộ sau khi DĐĐT sẽ bằng hoặc nhỏ hơn trước khi DĐĐT” - ông Giúp nói.

Thiết nghĩ, ruộng đất sau khi DĐĐT sẽ có chuyện “may nhờ rủi chịu”, tuy nhiên, chính quyền xã Tam Tiến và thôn Lộc Ngọc cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ người dân ở các tổ đoàn kết; đồng thời phải công khai, minh bạch thông tin liên quan đến chủ trương này.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU