Chính thức ký kết CPTPP

QUỐC HƯNG (tổng hợp) 09/03/2018 13:12

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được chính thức ký kết tại thủ đô Santiago, Chile vào chiều qua 8.3 (theo giờ địa phương), tức rạng sáng ngày 9.3 theo giờ Việt Nam.

Bộ trưởng Thương mại và các đại diện của 11 thành viên còn lại của TPP tại cuộc họp bên lề APEC năm ngoái tại Đà Nẵng. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Thương mại và các đại diện của 11 thành viên còn lại của TPP tại cuộc họp bên lề APEC năm ngoái tại Đà Nẵng. Ảnh: Reuters

Sau nhiều nỗ lực, 11 nước thành viên tham gia CPTPP đã kết thúc toàn diện nội dung đàm phán, chính thức ký kết CPTPP. Đây được xem là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất từng được thông qua trong suốt hơn 22 năm qua, kể từ thời điểm ra đời Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là nỗ lực của 11 nền kinh tế thành viên do Nhật Bản đề xuất khởi động lại một TPP “mới” sau sự rút lui của Mỹ vào đầu năm 2017. Trong đó có nỗ lực rất lớn của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà Năm APEC 2017, là thành viên đồng sáng lập của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) nay đổi tên thành CPTPP. Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên các nội dung cốt lõi của TPP. Nhưng trong số 8.000 trang tài liệu của CPTPP được thông qua, có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc sửa đổi so với thỏa thuận TPP trước đây. Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.

Tờ Nikkei của Nhật Bản nhận định, việc các nước ký thỏa thuận CPTPP hay TPP-11 ở Chile là dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ vươn lên, thay thế Mỹ, trở thành lãnh đạo hay lá cờ đầu của thương mại tự do toàn cầu. Trong tất cả thành viên CPTPP, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các thành phần kinh tế cần chuẩn bị và chủ động thực hiện tái cấu trúc để tận dụng tối đa hiệp định này. Các lĩnh vực như dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm, nước giải khát… sẽ được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất từ CPTPP khi hiệp định này đi vào thực thi. Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một sân chơi mới gần 500 triệu dân với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Bởi khi đó, gần như toàn bộ thuế xuất nhập khẩu được xóa bỏ theo lộ trình, đi kèm với đó là tự do hóa về dịch vụ và đầu tư. Nhờ CPTPP, GDP của Việt Nam sẽ cao hơn 1,1% vào năm 2030, một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Viện Nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tiến hành.

Tuy nhiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, CPTPP bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Chính vì vậy, hiệp định mới vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh cùng nhiều vấn đề liên quan khác. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để tiến tới tăng trưởng bền vững”. Cũng theo bộ trưởng, chủ động là yếu tố then chốt thành công trong hội nhập.

Sau lễ ký kết, CPTPP cần phải được các nước thành viên thông qua. Song chỉ cần sáu trong tổng số 11 quốc gia thành viên thông qua là CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ. Dự tính, CPTPP sẽ được chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019 và sẽ có tới 95 - 98% số dòng thuế được cắt giảm về 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực.

 QUỐC HƯNG (tổng hợp)

QUỐC HƯNG (tổng hợp)