Người Cơ Tu tạ ơn mẹ rừng

ALĂNG NGƯỚC 09/03/2018 10:00

Rừng, với họ là nguồn sống, là người bạn đồng hành trong suốt hành trình lịch sử sinh tồn. Bao phận người gắn bó với rừng, như một duyên kiếp bền chặt. Nhiều người tin rằng, khi mỗi đứa trẻ Cơ Tu sinh ra, cũng đều nhận được sự bảo bọc, chở che của người mẹ thiên nhiên vĩ đại ấy. Vì thế, họ mang ơn rừng, và chung tay gìn giữ…

Đồng bào vui múa vũ điệu tâng tung da dá trong ngày hội khai năm tạ ơn rừng tại Làng sinh thái du lịch pơmu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào vui múa vũ điệu tâng tung da dá trong ngày hội khai năm tạ ơn rừng tại Làng sinh thái du lịch pơmu. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

1. Mưa đã ngớt. Từ dưới chân núi Zi’liêng (xã A Xan, huyện Tây Giang), những màn sương bắt đầu nhô cao khỏi những tán cây giữa rừng già. Ông Alăng Đàn, một già làng Cơ Tu ở địa phương dẫn đầu đoàn người, tiến vào sâu trong cánh rừng thiêng, nơi có những “cụ” pơmu cổ thụ với hình thù kỳ lạ, bí ẩn. Họ mang theo mâm cúng, đủ đầy lễ vật, từ con dê, con gà, ghè rượu cần, cho đến một ngôi nhà cúng (đong bha bhuốih) mô phỏng theo gươl truyền thống đặt tại vị trí phù hợp. Ít giờ trước, một lễ cúng khác, cũng đã diễn ra tại khu vực đặt tượng gỗ con chó, được chính quyền địa phương dựng lên ngay tại cánh rừng pơmu này. Đây được xem là lễ cúng thần rừng đầu tiên, nhằm tế linh vật tổ của đồng bào Cơ Tu. Bởi người Cơ Tu quan niệm, con chó là loài vật rất khôn, có thể phân biệt được điều lành hay dữ để “báo hiệu” và bảo vệ cho dân làng. Tế vật tổ, chính là bước đầu để đồng bào quyết định việc cúng thần rừng theo nghi thức và phong tục truyền thống.

Không phải địa phương nào cũng làm được như Tây Giang, khi huy động cả cộng đồng cùng giữ rừng. Đây là việc làm rất quý, đáng biểu dương, góp phần đem lại môi trường sinh thái miền núi trong lành. Với đa dạng về hệ sinh thái, nhiều năm qua, những cánh rừng nguyên sinh ở Tây Giang luôn được đánh giá có vẻ đẹp thuộc loại bậc nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, từ rừng cây di sản pơmu, khu rừng lim, cho đến quần thể rừng đỗ quyên độc đáo và quyến rũ, được đồng bào gìn giữ từ bao đời. Vì thế, lễ hội khai năm tạ ơn rừng, vừa làm phong phú thêm văn hóa của đồng bào, vừa giáo dục ý thức cho lớp trẻ và gắn kết được tinh thần đoàn kết cộng đồng, cùng chung tay gìn giữ mái nhà chung”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Già làng Alăng Đàn hội ý với các cao niên trong đoàn, chọn vị trí đẹp nhất, phù hợp nhất để làm nơi cúng thần rừng. Đong bha bhuối nhanh chóng được dựng lên, phủ đầy thổ cẩm, bên trong một mâm cúng đã dọn sẵn. Các thành viên trong đoàn cử người dắt con dê cột vào trụ x’nur (cây nêu) phía trước ngôi nhà cúng để làm vật tế thần linh. Sau đó, những già làng Cơ Tu, trên người mặc sắc phục truyền thống, cùng nhau nhảy điệu tâng tung quanh cột x’nur, rồi vang điệu hú mời thần rừng về chứng giám nghi lễ. Già làng Alăng Đàn nói đây là lần đầu tiên một nghi lễ tạ ơn cúng thần rừng được tổ chức tại địa phương với quy mô rất lớn, huy động cả cộng đồng vùng cao. Bởi, trước đây lễ tạ ơn thường chỉ diễn ra trong phạm vi một làng hoặc từng hộ, ngay sau thời điểm đón năm mới. “Phong tục cúng thần rừng của người Cơ Tu cho phép thay thế con trâu bằng dê sống, vì thế giảm bớt rất nhiều chi phí trong khâu tổ chức hàng năm của đồng bào. Người Cơ Tu xem đây như một dịp “kết nghĩa” với thần linh, cầu mong được các thần sông, thần suối, thần rừng phù hộ, không quấy nhiễu dân làng, để người dân luôn có cuộc sống yên ấm, hòa thuận” - già làng Alăng Đàn chia sẻ.

Phía trước nhà cúng, đại diện các già làng thực hiện nghi thức cúng bái. Máu tươi của dê được rải trên nền đất rừng thiêng, hàm ý tạ ơn và cầu với thần rừng cho dân làng được bình an, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc. Cuối chiều, họ trở về làng du lịch sinh thái pơmu để kịp thực hiện một nghi lễ khác, tạ ơn rừng, cùng cộng đồng Cơ Tu khắp vùng biên giới Tây Giang hòa theo vũ điệu truyền thống. Câu nói lý - hát lý ngân vang, mừng lễ tạ ơn mẹ rừng.

2. Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc một lần nữa khẳng định vai trò của mẹ rừng trong đời sống đồng bào vùng cao: “Rừng còn, Tây Giang phát triển. Rừng mất, Tây Giang suy vong”. Điều này được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ huyện, như một “tuyên ngôn” chung cho hành động và quyết tâm trong công cuộc bảo vệ rừng.

Các già làng Cơ Tu thực hiện nghi thức cúng thần rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các già làng Cơ Tu thực hiện nghi thức cúng thần rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Liếc cũng từng thổ lộ, rằng ông giống như một nhành cây giữa rừng núi. Có một thời, ông sống ở thành phố, mà lòng đau đáu nhớ rừng, nhớ quê, nhớ tiếng chim kêu, vượn hú, nhớ từng bậc thang bước lên nhà sàn ấm cúng, tiếng thác đổ rì rầm và cả những đêm trăng vằng vặc gắn tuổi thơ với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Ông quyết tâm trở về. Rồi vận động bà con cùng giữ rừng và làm du lịch. Vài năm trước, khi quần thể pơmu được phát hiện tại đỉnh núi Zi’liêng (xã A Xan), ông Liếc đã nhiều đợt thực hiện những chuyến đi mạo hiểm, cùng lực lượng kiểm lâm kiểm đếm, rồi lập thủ tục đề nghị công nhận rừng cây di sản. Hồi năm 2016, khi quần thể pơmu chính thức trở thành di sản, tôi gặp lại ông ngay giữa rừng. Ông cười, bảo đó là công sức của cộng đồng, góp công gìn giữ từ bao đời.

Tại lễ hội khai năm tạ ơn rừng được tổ chức mới đây, ông Liếc xúc động, giọng rưng rưng trước đồng bào Cơ Tu mình, rằng truyền thống cha ông là không thể bỏ, giữ rừng là giữ nguồn sống, giữ mái nhà chung của cộng đồng làng. Vì thế, lợi ích trước mắt không bao giờ so sánh được với giá trị lâu dài của mẹ rừng. Cộng đồng đoàn kết, từ tâm thức và trách nhiệm để chung sức bảo vệ tốt văn hóa làng, văn hóa giữ rừng, cùng thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội. Niềm tin vào cộng đồng, vào nét đẹp trong văn hóa làng Cơ Tu được ông đặt trọn và gửi gắm cho những người con của mẹ rừng. “Sinh ra từ rừng, chết đi cũng về làm cát bụi cho rừng, điều đó đã kết tinh thành văn hóa tốt đẹp của cộng đồng Cơ Tu. Giữ rừng, giữ văn hóa để thu hút đầu tư và du lịch, nâng cao đời sống người dân địa phương, từ rừng” - ông Liếc nhấn mạnh.

3. Người Cơ Tu không ai dám phá hoại rừng đầu nguồn, rừng thiêng của làng. Là bởi, họ luôn ý thức được rằng, cuộc sống sinh tồn của cộng đồng đều dựa vào rừng. Vì thế, họ sống gần gũi với rừng, xem rừng như ngôi nhà xanh vĩnh cửu “bất khả xâm phạm”. Ông C’lâu Blao, một già làng ở xã Tr’Hy nói, nơi những cánh rừng thiêng, nếu không được người làng đồng ý, không một ai dám mạo phạm. Tục xưa vẫn giữ. Bây giờ, khi thời tiết khí hậu liên tục biến đổi khắc nghiệt, người Cơ Tu càng trân quý những cánh rừng, mở hướng đầu tư phát triển du lịch. Mà thật. Đã có nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái được hình thành từ rừng, tạo nên bước chuyển mới gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi Tây Giang. Đỉnh Quế (xã Tr’Hy) hay Làng du lịch sinh thái pơmu (xã A Xan), cũng đã chính thức được mở cửa từ vài năm trở lại đây, giúp Tây Giang có tên trong bản đồ điểm đến hấp dẫn du khách tại các huyện miền núi phía tây của tỉnh.

Buổi sáng, đứng từ Đỉnh Quế nhìn về phía chân núi, sương mù lãng đãng. Những tốp người tìm lên, rồi dừng chân tại Đỉnh Quế đầy vẻ thích thú. Trần Thị Thanh Thúy, một du khách ở TP.Đà Nẵng nói, ấn tượng đến với Đỉnh Quế không chỉ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đẹp lạ, mà còn là cách đón tiếp dân dã, gần gũi của đồng bào Cơ Tu với du khách. Cơ hội tìm kiếm hướng phát triển kinh tế mới từ giá trị của thiên nhiên, mẹ rừng đang bắt đầu xoay chuyển với người dân vùng cao.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC